Có bắt buộc phải đóng góp từ thiện?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Anh Cao (Hà Nội) hỏi: Cơ quan tôi cũng đã phát động mỗi nhân viên ủng hộ ít nhất một ngày lương để làm từ thiện, nhưng cũng có số ít người không tham gia. Với những người không đóng góp, cuối tháng cơ quan trừ điểm thi đua và cắt thưởng thì có đúng không?
Có bắt buộc phải đóng góp từ thiện?

Luật sư Bùi Văn Đoàn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 30/2017/NĐ-CP quy định: Tình huống sự cố, thiên tai cơ bản là các tình huống do thiên tai hoặc con người gây ra dẫn đến sự cố, tai nạn có nguy cơ đe dọa hoặc gây hậu quả tổn thất về người, phương tiện, tài sản, vật chất và gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường cần thiết phải có các biện pháp kịp thời, thích hợp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất.

Bao gồm: Tai nạn tàu, thuyền trên biển, sự cố tràn dầu, sự cố cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí, sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng, hầm lò khai thác khoáng sản, sự cố rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân, tán phát hóa chất độc và môi trường, sự cố động đất, sóng thần. Tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng. Tai nạn máy bay xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Sự cố vỡ đê, hồ đập và xả lũ, sự cố cháy rừng. Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt; lũ quét, lũ ống, sạt, lở đất đá và các sự cố khác do thiên tai gây ra.

Đồng thời, khoản 3 Điều 4 Nghị định 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Vận động đóng góp phải đảm bảo kịp thời và được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện; các tổ chức, cá nhân không được phép đặt ra mức tối thiểu để yêu cầu phải đóng góp; các khoản đóng góp tự nguyện phải từ thu nhập, tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thực hiện đóng góp.

Một trong các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 93/2021/NĐ-CP là: Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.

Do vậy, việc vận động, dù là từ cơ quan, tổ chức nào đối với tổ chức, cá nhân khác, bao gồm cả thành viên của của quan, tổ chức đó đều phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện đóng góp, không được ép buộc và không được đặt ra mức tối thiểu như thông tin bạn chia sẻ.

Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 4 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định: Tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng, có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Pháp luật hiện nay cũng nghiêm cấm việc báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật, chiếm đoạt, phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện. Người vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề thưởng, Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Về nguyên tắc, cơ sở để Công ty thưởng cho người lao động là kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động và được ghi nhận trong Quy chế do chính Công ty quyết định, công bố công khai.

Đối chiếu quy định trên, nếu cơ quan bạn làm việc lấy lý do không đóng góp tối thiểu một ngày lương để cắt thưởng của người lao động là không đúng quy định của pháp luật. Ép buộc người lao động đóng góp từ thiện, thuộc trường hợp bị pháp luật nghiêm cấm.

Đọc thêm