Từ khi phát hiện căn bệnh ung thư xương cách đây 6 tháng đến nay, mỗi khi lên cơn đau em lại ngất đi. Nhưng chỉ cần giây phút nào tỉnh lại, em cũng đau đáu chuyện đến trường. Em là Hoàng Thị Bích, học sinh lớp 9 trường THCS Thanh Hương, xã Thanh Hương, Thanh Liêm, Hà Nam. Đặt chân đến đầu thôn Đồng Phú (xã Thanh Hương, Thanh Liêm, Hà Nam) hỏi thăm nhà em Hoàng Thị Bích, con của chị Lương Thị Dung, chúng tôi được người dân ở đây chỉ đường cặn kẽ. Trong ngôi nhà nhỏ chưa có cửa, có lẽ vừa được xây dựng vài năm nay, cô học trò hiếu học Hoàng Thị Bích đang nằm thiếp đi vì mệt. 15 tuổi nhưng trông em nhỏ, gầy như một em bé lên 10. Khuôn mặt em đã sạm đi vì những ngày chạy xạ chống lại căn bệnh ung thư quái ác. Bên phải đầu gường, chiếc tủ vốn để tivi giờ trống hoác vì chiếc ti vi cũng không còn khi bố mẹ em phải bán đi để lấy tiền điều trị cho em. Thay vào đó là một tập sách được xếp ngay ngắn gọn gàng.
|
Em Hoàng Thị Bích (trái) - nạn nhân của căn bệnh quái ác! |
Hàng xóm đến thăm, nhìn em nhiều người không cầm nổi nước mắt. “Nhớ cái ngày nó chưa bị bệnh, tầm trưa thế này cháu nó lại ra đầu ngõ ngồi dưới gốc cây xoan đọc sách”, bác Hải - một người hàng xóm cho biết. Chỉ lên tường, nơi giấy khen, thành tích học tập của em được dán ngay ngắn, bác Hải kể: “Năm nào cháu Bích cũng đạt học sinh giỏi. Người thì gầy vậy mà mỗi ngày đạp chiếc xe cà tàng của chị để lại đi về cả hơn chục cây số để đến trường”. Nhớ lại ngày bác sỹ thông báo Bích bị mắc căn bệnh ung thư xương quái ác, chị Dung (mẹ Bích) vẫn không giữ được bình tĩnh. Khi đó, đất dưới chân chị như sụp xuống. Chị chỉ biết ôm chặt lấy con mà khóc. “Cháu có triệu chứng phát bệnh chỉ 2 ngày trước khi tổng kết năm học. Buổi trưa cháu đi học về, khi đó tôi đang nấu cơm trong bếp, cháu bảo: "Mẹ ơi con thấy đau lắm". Đang nấu bữa cơm bằng rạ nên tôi không thể bỏ bếp được. Khi vừa ăn cơm xong, cháu lại kêu con thấy đau lắm, hỏi em đau ở đâu cháu chỉ cho biết là đau trong người".
"Trưa hôm đó, tôi đi vay được hai triệu rồi đưa cả số tiền đó cho chồng tôi. Buổi chiều, hai bố con cháu lên bệnh viện huyện để khám. Tại đây bố con cháu nhận được giấy giới thiệu là lên viện tỉnh. Không kịp, không đủ tiền chồng tôi đưa cháu quay về. Sáng sớm hôm sau hai bố con lại dậy đi sớm. Nhưng đến tận chiều thì các bác sỹ ở đây giới thiệu lên bệnh viện tuyến trên, Viện K Trung ương. Không quay về nhà nữa mà chồng tôi bắt thẳng xe đưa con gái lên Hà Nội, tá túc ở nhà trọ của chị gái Bích, đang học tại đây. Sáng hôm sau, ba bố con đến viện. Ở nhà nóng ruột quá không chịu được tôi cũng bắt xe lên đó luôn. Trời ơi, khi nhận kết quả tôi chết lặng”, chị Dung vừa kể vừa lấy tay gạt nước mắt. Trong nhà, chúng tôi nhìn quanh không thấy vật dụng gì đáng giá. Lâu nay nguồn nuôi sống cả gia đình chị Dung là 5 sào ruộng. Chồng chị mắc chứng bệnh đau đầu kinh niên nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà một tay chị chèo chống. Khi cháu Bích bị bệnh, đàn lợn đang độ lớn cũng bị anh chị bán đi để dồn tiền vào những ngày đầu cháu điều trị tại viện K. Cứ thế mỗi tháng cháu lại phải lên viện một tuần để điều trị. Lợn bán hết, gà cũng không còn, chiếc tivi, tài sản duy nhất còn lại cùng phải ra đi để lấy tiền chạy chữa cho con.
“Không biết lần này vợ chồng tôi sẽ lấy tiền đâu đây, tôi đã vay hết cả làng này rồi, ngôi nhà duy nhất cũng được cầm ngân hàng để lấy tiền chạy chữa. Giá như 5 sào ruộng kịp chín thì tốt. Lúc nào tỉnh dậy nó cũng bảo tôi đưa nó đi học”, chị Dung thở dài. Nhìn hai bàn tay bị bệnh khớp sưng vù của chị đan chặt vào nhau, chúng tôi chợt nghĩ không biết chị còn trụ được bao lâu để gồng gánh gia đình và chữa bệnh cho cô con gái học giỏi nhưng không may mang bệnh hiểm nghèo...
Theo Lê Thanh
VTC
VTC