Cơ cấu tổ chức Sở tư pháp phù hợp tình hình địa phương

(PLO) - Chiều 22/12, thay mặt lãnh đạo 2 Bộ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã cùng ký kết Thông tư liên tịch (TTLT) số 23 để thay thế TTLT số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ.
Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và công tác tư pháp của UBND cấp xã. 
Buổi lễ ký kết diễn ra trang trọng với sự chứng kiến của Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng đại diện nhiều đơn vị trong, ngoài Bộ Tư pháp.
Thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ
Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện nội dung Dự thảo TTLT thay thế với 3 chương, 8 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cũng như giao trách nhiệm cho UBND cấp huyện trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ công tác tư pháp của UBND cấp xã và vấn đề tổ chức thực hiện. 
Theo đó, TTLT đã bổ sung chức năng của Sở Tư pháp trong các lĩnh vực kiểm soát thủ tục hành chính, bồi thường nhà nước, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đồng thời rà soát, bổ sung, sửa đổi và hệ thống hóa lại một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các Sở Tư pháp.
Chẳng hạn, đối với Sở Tư pháp, TTLT thay thế quy định cụ thể hơn nhiệm vụ trong theo dõi thi hành pháp luật; sửa đổi quy định về trách nhiệm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở; bổ sung các nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật, về lý lịch tư pháp, về bồi thường nhà nước… 
Tương tự đối với Sở Tư pháp, TTLT thay thế đã bổ sung quy định về nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, quản lý và đăng ký hộ tịch, bồi thường nhà nước, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật; sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở…
Quán triệt Kết luận số 64 của Trung ương Đảng 
Hướng dẫn về cơ cấu tổ chức của các Sở Tư pháp, TTLT đã quán triệt Kết luận số 64-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nên không tăng cơ cấu tổ chức so với quy định tại TTLT số 01/2009 mà chỉ ghi nhận thêm Phòng Lý lịch tư pháp được thành lập theo Quyết định số 2369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính được chuyển giao theo Nghị định số 48/2013/NĐ-CP. 
Cụ thể, đối với Hà Nội và TP.HCM, các tổ chức thuộc Sở Tư pháp được thành lập phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bao gồm Văn phòng, Thanh tra và không quá 9 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; trường hợp vượt quá thì Chủ tịch UBND chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập tổ chức và phải thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp trước khi quyết định. 
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp có Văn phòng Sở, Thanh tra Sở và 6 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ (Phòng Lý lịch tư pháp được thành lập tại các thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định). Việc thành lập Phòng Tổ chức cán bộ thuộc Sở hoặc bộ phận tổ chức cán bộ thuộc Văn phòng Sở do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định. 
Việc bố trí biên chế của các Sở Tư pháp bảo đảm mỗi Phòng chuyên môn thuộc Sở có Trưởng phòng, không quá 2 Phó Trưởng phòng và các công chức khác; UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định về số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp. 
Còn tổ chức, biên chế của Phòng Tư pháp có Trưởng phòng, không quá 3 Phó Trưởng phòng và các công chức khác. Biên chế công chức của Phòng Tư pháp do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định trong tổng biên chế công chức của huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc bố trí công chức, viên chức của Sở Tư pháp, công chức của Phòng Tư pháp phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức nhà nước.
Phát biểu tại Lễ ký kết, cảm ơn sự hợp tác của Bộ Nội vụ và các cá nhân có liên quan, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, việc ký kết thông qua TTLT này mang lại niềm vui trên 2 khía cạnh. “Một là, Bộ Tư pháp đã trả cho các địa phương “món nợ” TTLT đã khá lâu rồi. Hai là, với tiến trình phát triển hiện nay, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng được tăng cường song như là “người khổng lồ mặc chiếc áo quá chật” thì đây là cơ sở tốt để Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ của mình” – Bộ trưởng khẳng định. 
Một lần nữa cảm ơn sự chia sẻ của Bộ Nội vụ và các cơ quan, đơn vị về công tác pháp chế, công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cam kết Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ thực hiện hiệu quả TTLT thay thế.

Đọc thêm