Con dại thì thương nhiều hơn
Bà Trà gốc là con gái Kim Long, tình cờ gặp chồng người Quảng Trị. Ông bà nên duyên vợ chồng năm 1956. Vợ chồng đều khỏe mạnh bình thường, nhưng khi bà đang mang thai con gái đầu lòng thì bỗng đau ốm, mắc phải căn bệnh lạ dẫn tới lãng tai, rồi điếc hẳn.
Con gái đầu của bà bình thường, nhưng đến con thứ hai, đứa bé chẳng nói được gì, ngày nào cũng lặng như tờ, điếc rồi câm luôn. Bi kịch ấy cứ tái diễn cho đến lần bà sinh con thứ tám. “Nhiều đêm hy vọng đời mình rồi cũng sẽ sinh được thêm một đứa con lành lặn, nhưng càng hy vọng, vợ chồng tôi lại càng buồn não nề hơn sau mỗi lần mang nặng đẻ đau”, bà nhớ lại.
Bà Trà đã 90 tuổi vẫn hướng dẫn khách làm bánh khoái. Ảnh: L.C.H |
Chồng bà thấy vợ buồn, thường vỗ về an ủi: “Đừng buồn phiền nữa, con nào cũng là con. Con khôn thương ít, con dại thì phải thương nhiều. Vợ chồng mình ráng bươn chải làm ăn, bù đắp cho các con”. Có sự ủng hộ của ông, bà dần rời bỏ những sầu não và suy nghĩ tiêu cực. “Số kiếp đã vậy, đành chấp nhận”, bà trải lòng.
Bảy người con tật nguyền (4 gái, 3 trai) đều bị câm điếc nhưng ai nấy đều xinh đẹp, được đi học tử tế, làm gì cũng giỏi, cũng có tiếng. Người con trai thứ hai Lê Văn Lan là họa sĩ, đã mở nhiều cuộc triển lãm được công chúng đánh giá cao, sau đó mở quán ăn đặc sản. Tiệm may Phương Mai do hai người con gái Lê Thị Hoàng Anh và Lê Thị Thu Cúc làm chủ tiệm, là một trong những tiệm may đẹp nổi tiếng xứ Huế… Điều may mắn cho gia đình này là hơn 30 đứa cháu của bà Trà không ai bị khuyết tật như bố mẹ.
Sản phẩm bánh khoái "không lời" của gia đình câm điếc. Ảnh: L.C.H |
Bà Trần Thị Nguyệt (60 tuổi, con dâu đầu của bà Trà) chia sẻ: “Cả nhà bên chồng tôi tuy câm điếc, chịu sự thiệt thòi nhưng vẫn lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của cha mẹ, tự nuôi sống mình, không phụ thuộc hay trở thành gánh nặng của xã hội. Bù lại mọi người đều rất khỏe mạnh, đẹp trai, xinh gái. Dâu rể trong nhà về đây đều tự nguyện, không ai bị ép buộc. Như tôi, trước đây có nhiều anh chàng theo đuổi mà duyên chưa tới. Tôi ở làng Sình, một lần chồng tôi đi sang xem vật, làm quen, rồi thư từ qua lại. Anh không nói được cũng có cái hay, cái duyên thầm. Rồi khi tôi lên nhà anh chơi, thấy nhà thành phố, lại có cái vô tuyến là tôi… “đổ” luôn”, bà nói vui.
Tiệm bánh khoái không lời
Sở dĩ sinh con đông, lại bị tật nguyền, nhưng vợ chồng bà Trà cũng xây được nhà cao tầng, dựng vợ gả chồng, cho các con vốn liếng làm ăn, chính là nhờ món bánh khoái. Bà Trà rất đảm đang, làm đủ thứ nghề như làm mứt gừng, bánh in, bánh ướt. Năm 1960, bà chuyển sang nghề làm bánh khoái.
Bà học nghề từ chính anh trai, vốn là “đệ tử” của một đầu bếp cung đình Huế. Tên quán Lạc Thiện, từ Lạc là do ông chồng bà từ Quảng Trị lưu “lạc” vào Huế sinh sống, lập nghiệp. Còn từ Thiện là tên của chồng bà.
Ở phía Đông Nam kinh thành Huế, từ công viên Thương Bạc vào đến cửa Thượng Tứ, có một đoạn đầu đường Đinh Tiên Hoàng khá đặc biệt: Phía số chẵn có gần 20 nhà nhưng có tới 7 nhà là các con câm điếc của bà Trà. Họ cũng đang sở hữu thương hiệu bánh khoái Thượng Tứ.
Nhiều khách đến ăn cũng một phần vì tò mò, muốn tìm hiểu vì sao 7 con của bà Trà đồng loạt bị câm điếc như vậy. Ba quán Lạc Thiện, Lạc Thạnh và Lạc Thuận nằm cạnh nhau. Chủ quán Lạc Thiện nay là anh Lê Văn Trung, con trai lớn. Chủ hai quán còn lại lần lượt là anh Lê Văn Thạnh và chị Lê Thị Thanh Yến. Ngoài ra còn có 5 đứa cháu của bà Trà cũng đang theo nghề này.
Khách mới tới, thường sẽ bất ngờ khi thấy người chủ tiệm đẹp trai nhưng chỉ biết ra dấu, cô hàng bánh xinh đẹp cũng chỉ dùng được mấy ngón tay làm ký hiệu tính tiền. Họ còn khá giỏi tiếng Anh, có thể viết trên giấy “chuyện trò” với người nước ngoài.
Chị Lê Thị Thanh Thúy (37 tuổi) và chị Lê Thị Thanh Hương (29 tuổi) là những người theo nghề của bà nội cho biết, thuở trước, người xứ Huế gọi bánh này là “bánh khói”. Lý do, thứ nhất, ngày xưa để có những chiếc bánh thơm ngon, người đổ bánh trên bếp củi mà trời mưa quanh năm nên củi ướt, khói mù mịt cả gian bếp làm cay xè mắt. Thứ hai, phải ăn lúc bánh còn nóng hổi, ngào ngạt tỏa khói mới ngon.
Bánh vốn có tên bánh khói, do người Huế phát âm sai nên đọc chệch thành “bánh khoái”. Bánh khoái dễ khiến người chưa quen nhầm thành bánh xèo vì có nhiều nét tương đồng, chỉ có điểm khác bánh khoái nhỏ, dày và ăn giòn hơn.
Anh Huỳnh Như Quốc Hưng một hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Khách Tây họ ăn nhiều đồ ngọt nên khi ăn bánh mặn họ rất mê. Giá thành lại bình dân một cái chỉ 25 nghìn, ăn 2 cái là no. Nhưng khi có đoàn khách muốn thưởng thức ẩm thực Huế, tôi đều chỉ tới quán này”
“Mình làm giàu chính đáng, lại góp phần gìn giữ nghề gia truyền nên rất vui. Quán của chúng tôi đông nhất là vào những dịp Festival, mỗi ngày bán tới 1000 cái là chuyện thường. Ngoài bánh ngon, bí quyết để thành công đó là phong cách phục vụ phải tốt, trung thực, không được dối trá khách bất cứ điều gì”, người con dâu Lê Thị Lệ chia sẻ thêm bí kíp thành công.