Tham gia chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định: “Luật Hộ tịch sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch thời gian tới”.
Thưa Bộ trưởng, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó có việc thông tin hộ tịch cá nhân chưa chính xác, chưa thống nhất, có trường hợp lợi dụng đăng ký hộ tịch để trục lợi hoặc trốn tránh pháp luật. Vậy Luật Hộ tịch mới ra đời có những quy định gì có thể khắc phục được tình trạng này, thưa Bộ trưởng?
- Đúng như nhà báo đã nhận định, kể từ đầu năm 2006 đến nay, thời điểm Nghị định số 158 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta nói chung đã có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh những chuyển biến đó, công tác đăng ký, quản lý, thống kê hộ tịch vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Qua thực tế, nhiều trường hợp đã đi vào nền nếp, nhưng cũng không ít trường hợp qua các báo cáo, dư luận, truyền thông phản ánh cho thấy một người có tới 2, thậm chí 3 giấy khai sinh, thể hiện việc cấp giấy khai sinh còn tùy tiện.
Ngoài ra, có hiện tượng cải chính hộ tịch để “chạy” tuổi nhằm được nghỉ hưu muộn hơn, đủ tiêu chuẩn quy hoạch; đau xót nữa là khai tử cho người đang sống để nhận chế độ tử tuất, khai nhận di sản; ngược lại, không khai tử cho người đã chết để tiếp tục hưởng tiền trợ cấp… Những tồn tại, yếu kém hết sức đau lòng này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý của Nhà nước cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Từ đó có thể nói, việc Quốc hội vừa thông qua Luật Hộ tịch – luật đầu tiên của nước ta quy định về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch – sẽ tạo ra bước ngoặt mới trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch thời gian tới. Điều này thể hiện trên 2 khía cạnh.
Thứ nhất, từ trước đến nay lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch chỉ được điều chỉnh bằng các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư, Thông tư liên tịch của các Bộ. Bản thân các Nghị định và Thông tư không thể vượt quá quy định của các Luật liên quan, có rất nhiều quy định của Nghị định bị vướng với quy định của Luật, có những quy định thì cách giải thích cũng khác nhau, gây khó khăn trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện.
Thứ hai, ở tầm Nghị định nên dù quy định có thể là hợp lý song việc tổ chức thực hiện còn những hạn chế nhất định, nhất là ở địa phương. Tôi tin rằng, việc thông qua Luật bởi cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất sẽ giúp cho việc triển khai thực hiện sẽ nghiêm túc hơn, chặt chẽ hơn, bài bản hơn nhiều so với triển khai các Nghị định, Thông tư trước, sẽ tháo gỡ được các vướng mắc hiện nay như bằng cấp, học bạ không chịu điều chỉnh theo giấy tờ hộ tịch ban đầu.
Ngoài ra, với những nội dung đổi mới mang tính đột phá của Luật Hộ tịch vừa được Quốc hội thông qua, có thể nói đây sẽ là cuộc cách mạng trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch thời gian tới, thể hiện trên 3 khía cạnh cụ thể. Một là, Luật quy định rất mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin. Điển hình là tới đây khi đăng ký khai sinh thì cùng với việc được cấp giấy khai sinh, đồng thời sẽ được cấp số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác, theo suốt cuộc đời của công dân đó. Số định danh cá nhân cũng chính là số thẻ căn cước công dân được cấp khi đủ 14 tuổi.
Như vậy, một mặt sẽ bảo đảm độ chính xác trên tất cả giấy tờ công dân, mặt khác sẽ giảm nhiều việc thực hiện các thủ tục hành chính. Hai là, Luật cho phép xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bên cạnh Sổ hộ tịch bằng giấy hiện hành để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân, được quy định kết nối giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 896 được Chính phủ ban hành.
Từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ kết nối với tất cả các Cơ sở dữ liệu khác đang tồn tại như trong lĩnh vực thuế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, cấp bằng lái xe… Sự kết nối đó và thông tin thể hiện tính đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt mục tiêu giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ công dân, thậm chí đơn giản hóa và tiết kiệm cả cơ sở dữ liệu hiện nay của các ngành.
Ba là, Luật bổ sung nhiều quy định, đồng thời ghi nhận những quy định hợp lý hiện hành để bảo đảm việc đăng ký và quản lý hộ tịch phải chặt chẽ. Chẳng hạn, Luật quy định mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký ở một nơi hay trước đây có 3 cấp đăng ký hộ tịch thì nay bỏ việc đăng ký hộ tịch của cấp tỉnh để UBND cấp tỉnh tập trung vào công tác quản lý nhà nước về hộ tịch.
Luật cũng quy định nghiêm cấm bất kỳ một sự can thiệp nào vào hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch; quy định chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch; quy định những điều cấm, những chế tài xử lý vi phạm trong quản lý hộ tịch của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã…
Với những quy định chặt chẽ như trên, tôi tin là công tác quản lý và đăng ký hộ tịch sẽ bước sang giai đoạn đi thẳng vào hiện đại, đi thẳng vào công nghệ thông tin, đáp ứng được yêu cầu của Hội nghị Bộ trưởng các nước châu Á – Thái Bình Dương.
Thưa Bộ trưởng, người dân băn khoăn rằng trường hợp những giấy tờ hộ tịch của họ đã được cấp trước ngày Luật có hiệu lực liệu có còn giá trị sử dụng nữa không?
- Tôi rất chia sẻ với băn khoăn của người dân. Chính phủ đã trình Quốc hội và Quốc hội cũng nhất trí thông qua là sẽ bảo toàn nguyên giá trị các giấy tờ hộ tịch đã cấp trước ngày 1/1/2016. Theo đó, sổ sách hộ tịch được lưu trữ vẫn còn giá trị pháp lý để chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân, được sử dụng để người dân tiếp tục tra cứu, tham khảo. Giấy tờ hộ tịch đã cấp cho người dân theo quy định của pháp luật về hộ tịch trước ngày Luật có hiệu lực vẫn còn giá trị, người dân không cần phải làm lại, không làm xáo trộn các vấn đề xã hội mà người dân đã thực hiện bằng giấy tờ này, như liên quan đến quyền nhân thân, quyền tài sản.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!