Con số “vuốt ve”?
Làm việc với Pháp luật Việt Nam, ông Phùng Tiến Toàn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Interserco hồ hởi: Interseco đặt mục tiêu mỗi năm số thu ngân sách cho thành phố tăng khoảng 500 – 1.000 tỷ đồng; phấn đấu một năm có khoảng trên 3.000-5.000 khách hàng ở Hà Nội đến làm việc với ICD Mỹ Đình. Con số này, theo ông Toàn là dựa trên sự tiên lượng tổng số lượng hàng hóa xuất, nhập của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Tuy nhiên, nếu so với con số mà doanh nghiệp này từng báo cáo với Thủ tướng vào thời điểm cuối tháng 4/2014 thì có khác biệt khá lớn, khi số lượng doanh nghiệp, số lượng tờ khai theo các loại hình, số lượng container dự kiến thực hiện được trong một năm tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội sẽ chỉ là 1.980 doanh nghiệp, với khoảng gần 31.000 tờ khai với chừng 9.000 – 11.000 container.
Tuy nhiên, khi được hỏi con số chính thức mà Interserco thực hiện được trong 4 tháng, kể từ sau khi được Thủ tướng chấp thuận cơ chế đặc thù cho cảng ICD Mỹ Đình thì ông Toàn thận trọng: “Kế hoạch này mới chỉ là ý tưởng. Sau 31/12/2014 sẽ sơ kết sau 6 tháng thí điểm mới có con số chính thức cung cấp cho nhà báo làm cơ sở đánh giá. Bây giờ nói ra là hơi sớm, nôm na chúng tôi mong đưa được 5% số lượng hàng hóa của doanh nghiệp Hà Nội nằm ở cảng Hải Phòng về đây”.
“Ôm” những dự án lớn ở Hà Nội?
Người đứng đầu Interserco không giấu tham vọng khi cho hay, để được đồng ý cơ chế đặc thù, doanh nghiệp này đã phải tự chứng minh, phải làm chi phí ở mức độ tốt nhất, phải làm văn hóa dịch vụ tốt nhất để hết năm 2016 Chính phủ cho ICD Mỹ Đình được hưởng cơ chế đặc thù vĩnh viễn. Khi đó cơ quan nhà nước phải điều chỉnh lại trên hệ thống văn bản pháp luật chứ không phải áp dụng trong thời gian 3 năm như hiện nay.
“Đó mới là cái đích của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi cầu thị đối với cơ quan liên quan cảnh giới cho chúng tôi để phòng ngừa tất cả các sai phạm. Chúng tôi có phải là người “đơn thương độc mã” đâu, trên chúng tôi còn có cơ quan cấp trên để lo lắng, để chắp bút, để phê chứ nếu không phải như thế này, làm sao chúng tôi vượt được Hải Phòng. Nếu mà nói lobby, chúng tôi là cái gì so với Hải Phòng” - ông Toàn nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng thành viên “top” doanh nghiệp hàng đầu của Hà Nội nói thẳng là dù được hưởng cơ chế đặc thù nhưng vẫn còn bất cập về chính sách. Văn bản mà Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù cho cảng ICD Mỹ Đình sẽ phải tiếp tục được chỉnh sửa, vì trong đó có một vài nội dung mà theo ông Toàn là còn vướng víu, liên quan tới các doanh nghiệp kinh doanh ô tô lớn của Hà Nội.
“Muốn làm được, mình phải có những sự giúp đỡ của lãnh đạo thành phố, Cục Hải quan, phải có chiến dịch makerting phù hợp; đặc biệt là phải nhờ sự giúp đỡ từ Trung ương, từ Tổng cục Hải quan để kìm chế được các mặt trái bị cản trở, nhũng nhiễu từ phía Hải Phòng” - ông Toàn nói.
Dường như sợ việc cản trở từ phía Hải Phòng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của cảng ICD Mỹ Đình nên ông Toàn trấn an rằng: Để thành công, Interserco sẽ xin tất cả những dự án lớn trên địa bàn Thủ đô đều do Interserco đảm nhiệm thực hiện dịch vụ xuất - nhập, thông quan. “Ví như Đài Truyền hình của Nhật, có nhà ga Hà Nội của Nhật, có hệ thống Metro của Nhật... là những dự án chúng tôi sẽ “ôm” về đây. Dự án đường sắt trên cao chúng tôi cũng đang kết nối…”, ông Toàn tiết lộ.
Như Pháp luật Việt Nam đã thông tin, Bộ Tài chính đã xin Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm cơ chế chuyển cửa khẩu đối với hàng tiêu dùng tại ICD Mỹ Đình từ tháng 6/2014 đến hết 31/12/2016. Việc lần đầu tiên cho phép cảng nội địa này được hưởng một số đặc quyền xuất, nhập khẩu bình đẳng như các cảng quốc tế làm dấy lên nghi ngại cơ quan chức năng có kiểm soát được việc lợi dụng chính sách ưu đãi để gian lận thương mại, và có thực sự cần cơ chế đặc thù cho cảng ICD Mỹ Đình?