Có chữa được “bệnh” lãnh cảm của chồng?

Gốc gác của căn bệnh mang tên lãnh cảm đang ẩn náu trong chàng thì muôn hình vạn trạng nhưng chúng đều có chung một “triệu chứng” là khiến cho chàng nhìn thấy nàng mà “không thèm, không muốn”. Hãy cùng nhận dạng căn bệnh này và tìm cách loại bỏ chúng ra khỏi tổ ấm của mình nhé. 

Gốc gác của căn bệnh mang tên lãnh cảm đang ẩn náu trong chàng thì muôn hình vạn trạng nhưng chúng đều có chung một “triệu chứng” là khiến cho chàng nhìn thấy nàng mà “không thèm, không muốn”. Hãy cùng nhận dạng căn bệnh này và tìm cách loại bỏ chúng ra khỏi tổ ấm của mình nhé. 

Ảnh minh họa.

Triệu chứng của “bệnh”

Hãy đọc những lời chia sẻ chân thành sau đây, bạn sẽ biết triệu chứng của nó thể hiện thế nào.

Bạn Linh Ngân (quận Lê Chân, Hải Phòng) than thở: “Bao năm qua chàng luôn hăm hở mỗi khi đi công tác trở về. Thế mà đợt này, về nhà mấy ngày rồi mà chàng vẫn lặng ngắt như tờ. Em đã quen được chàng khơi gợi chuyện ấy, chả lẽ bây giờ mình lại chủ động lân la thì… kỳ quá. Nhưng mình mặc kệ là hắn ta cũng mặc kệ luôn. Hay chàng đã bị “yêu quái phương nào” hút hết sinh lực trong một tuần xa vợ? Hỏi thế nhưng em chẳng tin đâu. Làm vợ chàng gần chục năm nay em hiểu chàng lắm chứ…”.

Thư của bạn Huy M. (huy…2378…@gmail.com) thì đầy bức xúc khi bỗng dưng bản lĩnh đàn ông của mình chạy đi đâu mất. Bạn viết: “Tôi ngạc nhiên và bối rối khi không có cảm giác ham muốn gần gũi vợ như xưa. Mà nàng thì vẫn bằng ấy động tác, vẫn bằng ấy công đoạn chứ có thay đổi gì đâu mà tôi lại bị thay đổi, thật là mâu thuẫn quá. Cái chính là tôi không biết nói sao khi ánh mắt vợ nhìn tôi dò xét, cứ như tôi can tội phản bội nàng vậy…”

Còn đây là những dòng tâm sự nhòe nước mắt của bạn Thanh Loan (TP Vũng Tàu): “Vợ chồng em kết hôn hơn một năm mà anh ấy đã khác trước rồi. Từ sau khi em sinh con là anh ấy bỗng xa cách em. Con thì bế ẵm tình cảm lắm nhưng vợ thì không đoái hoài gì. Em chủ động tình tứ thì ảnh toàn tìm cách khước từ. Giờ em tự ái đầy mình, kệ ảnh muốn tìm vui ở đâu em cũng không quan tâm. Nhưng lạ là em đã để ý rất kỹ thì thấy chàng chẳng có dấu hiệu gì là “thèm phở”. Hay chàng của em bị bệnh gì, ảnh còn trẻ lắm…”

Đấy, gốc gác của căn bệnh mang tên lãnh cảm thì muôn hình vạn trạng nhưng chúng đều có chung một “triệu chứng” là khiến cho chàng nhìn thấy nàng mà “không thèm, không muốn”.

Khi nào “bệnh” xuất hiện?

Sự nhàm chán trong phòng the dễ làm mòn đi hưng phấn. Lần giao ban nào cũng diễn ra ở nơi ấy, với khung cảnh ấy, chiếc áo ngủ xưa cũ ấy. Vẫn lối trình diễn chưa nhìn đã hiểu, chưa nghe đã biết... Tất cả tạo thành thứ rào cản cho sự thăng hoa của chàng.

Lòng chàng không dám chê nàng, nhưng các tế bào thần kinh không chịu rung lên những nhịp sóng cần phải có, toàn thân chàng cũng đờ đẫn vô cảm...

Quá tải công việc cũng gây áp lực mạnh khiến chàng không còn chỗ cho những đam mê ngày thường. Lúc nào cũng trong trạng thái phải hoàn thành dự án đúng tiến độ, phải tìm cách thuyết phục đối tác. Gánh nặng của chức quyền cùng gánh nặng gia đình của người làm trụ cột như trĩu nặng trên vai khiến chàng không còn gánh nổi thiên chức người chồng. Hình ảnh đầy quyến rũ của nàng lúc này cũng không thắng được sự mời gọi của một giấc ngủ...

Những băn khoăn lo lắng khi nàng bị ốm đau hoặc mang thai, sinh nở cũng làm chàng ngại ngần mỗi khi nhắc đến chuyện ấy. Việc chàng phải “kiêng khem” dài ngày trong khi sinh lực vẫn dồi dào quả là khó khăn. Sau đó, khi đã chấm dứt chuỗi ngày cần cấm kỵ rồi nhưng phản xạ “nói không với sex” vẫn còn ngự trị trong chàng. Thế là đèn đỏ đã tắt, đèn xanh đã bật mà  chàng vẫn mãi lừng khừng không thể tiến lên.

Những nguyên nhân khác như bệnh tật, dùng thuốc, chàng có người thứ ba… cũng đều có thể là nguồn cơn để bệnh lãnh cảm ngày một tăng lên. 

Đuổi “bệnh” - dễ hay khó?

Câu hỏi này không dễ trả lời vì tùy thuộc rất nhiều vào thái độ của nàng. Nếu nàng vội vàng luận tội chàng là “chán cơm thèm phở”, “coi vợ không ra gì”, “con người vô trách nhiệm”… thì coi như hết thuốc chữa. “Bệnh” sẽ chiếm vị trí vững như bàn thạch trong ngôi nhà của họ.

Nhiệm vụ của nàng là hãy để ý xem chàng chán chuyện ấy đến mức nào, chàng chỉ hờ hững có vài ngày hoặc vài tuần rồi lại đâu vào đó thì đừng vội lo. Có thể các nguyên nhân lãnh cảm đã được hóa giải rồi, chàng đang trở lại phong độ khi xưa. Nhưng nếu thời gian kéo dài hơn thì nàng cần xem lại mình. Chỉ cần thay đổi một chút căn phòng hạnh phúc bằng cách sắp xếp lại giường đệm, chăn, gối, đèn ngủ.. cũng tạo nên hiệu quả bất ngờ...

Đến thế rồi mà chàng vẫn dửng dưng thì nàng phải tìm cách gợi chuyện, thẳng thắn nhưng chân thành để giúp chàng nói ra vấn đề của mình. Thực tế cho thấy, sự hỗ trợ tích cực của nàng là cách chữa “bệnh” nhanh nhất. Tất nhiên, nếu chàng gặp các vấn đề về bệnh lý, thuốc men thì phải cần sự can thiệp kịp thời của bác sĩ nhưng bên cạnh đó cũng không thể thiếu những “phép thuật” của nàng.

Thật khó để kể hết ra đây những chiêu thức mà nàng có thể áp dụng. Hãy hoán đổi vị trí cho chàng; hẹn hò chàng ở một nơi yên tĩnh với bữa ăn ngon trong ánh nến mờ ảo, với những bông hoa đang tỏa hương dịu nhẹ; kể cho chàng nghe những câu chuyện vui, những câu chuyện làm trí tưởng tượng của chàng quay về chuyện ấy. Đây chỉ là vài gợi ý nhỏ, còn thì mỗi chị em chắc chắn sẽ có những bí quyết riêng để đánh thức sức mạnh tiềm ẩn của người đàn ông mà họ thương yêu.

Song song với việc làm phục hồi và kích thích ham muốn của chàng thì nàng cũng phải giúp chàng duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, đặc biệt là “chuyện ấy”.

Hoàng Phong

Đọc thêm