Cưới hỏi, kết hôn – đó là những việc mà nhân loại đã thực hiện từ rất lâu, trước cả sự ra đời của các đạo luật để điều chỉnh hoạt động này. Cũng vì thế nên xung quanh việc cưới hỏi, kết hôn, bên cạnh luật pháp vốn ra đời về sau, còn có rất nhiều phong tục tập quán đã được áp dụng qua hàng nghìn năm, hàng trăm thế hệ. Làm gì để những phong tục tập quán đó không xung đột với chế định pháp luật, đó là câu hỏi không dễ dàng có ngay lời giải đáp…
“Trả trầu” phải trả cả lãi
Cô gái và chàng trai yêu nhau, muốn tiến tới hôn nhân, theo phong tục truyền thống, sẽ có "cơi trầu, mâm lễ" để gia đình hai bên đặt quan hệ cho đôi trẻ. Xuôi chèo mát mái thì sau đó một thời gian lễ cưới sẽ được tiến hành. Nhưng không ít cô gái sau khi đã nhận lễ hỏi, bỗng dưng đổi ý. "Trả trầu" là cách để cô "từ duyên" với vị hôn phu trượt. Nhưng chuyện đâu chỉ đơn giản như vậy khi nhà trai nổi nóng...
|
Hình minh họa |
Câu chuyện này được ghi lại tại văn phòng luật sư, một khách hàng nữ đã tìm đến luật gia tư vấn với câu hỏi: “Em phải trả bao tiền cho một lễ cưới hỏi bất thành?”. Chuyện là, cô Nguyễn Quý Trân, 19 tuổi người Tiền Giang được họ hàng mai mối định kết hôn với một người huyện khác.
Sau một thời gian đi lại hai bên gia đình đã nói chuyện và bên nhà trai đã mang lễ sang nhà cô gái. Số lễ vật này vừa tiền mặt vừa lễ vật tổng cộng là 40 triệu đồng. Thế nhưng, sau một thời gian tìm hiểu thêm, cô gái thấy tính tình bạn trai không ổn để tiến tới hôn nhân nên đã từ chối kết hôn với anh ta và đề nghị cha mẹ trả lại lễ vật ăn hỏi cho nhà trai.
Thuyết phục không được, nhà trai đã mời luật sư và vị luật sư này nói nếu nhà gái không chịu kết hôn nữa phải hoàn lại số tiền lễ vật (bao gồm 20 triệu đồng tiền mặt và 20 triệu tiền lễ vật) và tiền lãi, với nhiều chi phí khác trong thời gian quen nhau và cả tiền bồi thường… danh dự của “chú rể”. Tổng cộng là 120 triệu đồng, nếu không nhà trai sẽ kiện nhà gái ra tòa dân sự.
Câu chuyện “kiện ra tòa đòi lại lễ vật ăn hỏi” xảy ra ở Tiền Giang với cô gái Nguyễn Quý Trân nói trên, xét về thực tế không phải là quá hiếm ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét vấn đề dưới góc độ pháp luật thì có thể thấy nếu như nhà trai kiện nhà gái ra tòa, thì trong các trường hợp như thế này, thông thường tòa chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc gia đình nhà gái phải hoàn trả đầy đủ lễ vật.
Quyết định này xuất phát từ quan niệm cho rằng đây là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện theo quy định tại Điều 470 Bộ luật Dân sự. Nhà trai (nguyên đơn) dùng số tiền, vàng làm lễ vật tặng nhà gái (bị đơn) là để đạt điều kiện hai trẻ cưới nhau. Thực tế không có đám cưới, nên việc nhà trai đòi lại lễ vật là hợp lý.
Thế nhưng, nếu nghiên cứu sâu hơn nữa, có thể thấy viện kiện tụng nhà trai – nhà gái này là một vấn đề… rất thú vị vì không có bất cứ quy định pháp luật nào điều chỉnh cụ thể. Nhưng thực tế xã hội lại xảy ra khá nhiều và thường các bên giải quyết theo tập quán như Điều 3 Bộ luật Dân sự quy định “trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng tập quán”.
Tuy nhiên, tập quán trong việc trả lại lễ vật sau đám hỏi khi một bên không muốn tiếp tục quan hệ của từng vùng miền cũng khác nhau nhưng đa số đều thực hiện theo cách trả lại lễ vật tương ứng. Một số khu vực thuộc vùng cao, dân tộc ít người có quy định đền bù lễ vật tức là nhiều hơn phần lễ vật nhận được.
Tìm chồng từ thuở 13
Tháng 11/2011, ngành giáo dục Quảng Ngãi công bố thống kê cho thấy, khắp 6 huyện miền núi gồm Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây và Tây Trà đều xảy ra tình trạng học sinh nghỉ học từ đầu bậc trung học cơ sở để lập gia đình.
Nguyên nhân là do tập tục "hứa hôn" vùng cao. Trai gái trong làng lớn lên, hai bên gia đình thích nhau là tổ chức cho con trẻ cưới mặc dù chưa đến tuổi kết hôn theo pháp luật hôn nhân và gia đình. Ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết trong vòng ba năm qua, huyện có gần 100 trường hợp tảo hôn do tập tục.
Tương tự, theo phong tục tập quán của đồng bào Êđê Mdhur ở Phú Yên, khi con gái được 13 tuổi, gia đình nhà gái bắt đầu tìm chồng cho con. Tìm được người trai mà gia đình ưng ý, gia đình sẽ tiến hành làm lễ hỏi chồng cho con gái. Từ 13 tuổi đến 15 tuổi là khoảng thời gian người con gái Êđê Mdhur đi "bắt chồng".
Trong tiến trình sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân&Gia đình đang được tiến hành, câu chuyện về nên giữ hay hạ độ tuổi kết hôn đã nhiều lần làm nóng bàn nghị sự cũng như các diễn đàn báo giới. TS Ngô Thị Hường, Trường ĐH Luật Hà Nội lập luận việc xác định tuổi được kết hôn phải dựa trên cơ sở tâm sinh lý của người kết hôn và phong tục tập quán địa phương nơi họ sinh sống.
Thực tế, nhiều trường hợp dù không đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn chung sống với nhau và sinh con bình thường. Dựa trên lập luận này, tham gia góp ý cho dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), TS Hường đã mạnh dạn đề xuất hạ độ tuổi kết hôn đối với nữ xuống 17 tuổi, thậm chí 16 tuổi.
Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cũng đồng tình với quan điểm hạ độ tuổi kết hôn. Ông cho rằng đời sống của người dân đã được nâng lên rất nhiều so với trước đây, nhu cầu tâm sinh lý thay đổi do sự tác động từ phim ảnh, báo chí, internet nên việc xem xét hạ độ tuổi của nữ xuống 16 hoặc 17, nam đủ 18 tuổi là hợp lý.
Tuy nhiên, quan điểm hạ độ tuổi kết hôn của các nhà làm luật đã bị phản ứng quyết liệt từ các chuyên gia y tế xuất phát từ quan trên phương diện y học người nữ 16 tuổi chưa thể đủ chín chắn, chưa có nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản để có thể làm một người mẹ tốt, chưa kể đến việc đó có thể làm bùng nổ dân số, số ca đẻ khó, tai biến sản khoa sẽ tăng lên, số trường hợp mổ đẻ cũng tăng cao bởi ở tuổi 16 nữ giới chưa phát triển đầy đủ...
Hai vấn đề điển hình trên đây cho thấy làm gì để những phong tục tập quán vốn quen thuộc từ bao đời nay không xung đột với chế định pháp luật xung quanh việc cưới hỏi nói riêng cũng như toàn bộ vấn đề hôn nhân-gia đình nói chung, đó là câu hỏi không dễ dàng có ngay lời giải đáp.
Thậm chí không ít lần đã gây lúng túng cho cơ quan thừa hành pháp luật cũng như chính người trong cuộc. Thế nên, trong Báo cáo tổng quan về những bất cập trong Luật HN&GĐ do Vụ Pháp luật Dân sự, Kinh tế, Bộ Tư pháp chấp bút cho thấy rất nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm việc áp dụng phong tục tập quán trong pháp luật về hôn nhân và gia đình nhằm đảm bảo các yêu cầu như: phong tục tập quán được áp dụng không trái nguyên tắc cơ bản của Luật HN&GĐ; chỉ áp dụng khi phong tục tập quán đã thành thông dụng, được đông đảo cộng đồng công nhận; tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về áp dụng phong tục, tập quán về hôn nhân, gia đình…
Những quan điểm
• Xung quanh trường hợp “kiện ra tòa đòi lại lễ vật ăn hỏi” sau khi nhà trai chủ động từ hôn và việc tòa tuyên buộc gia đình nhà gái phải hoàn trả đầy đủ lễ vật cũng có rất nhiều quan điểm phản hồi.
Điển hình theo quan điểm của Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, tòa án tuyên như vậy là chưa xét đến phong tục và tập quán của địa phương.
Theo đó, ngày lễ hỏi bên nhà trai cho cô dâu bông tai, vàng bạc và cô gái gọi cha mẹ chồng là cha mẹ. Sau buổi lễ này cô gái được xem là con dâu trong gia đình. Việc đòi lại sính lễ là trái với phong tục hỏi cưới tốt đẹp mang bản sắc dân tộc có từ rất lâu đời, ngoài ra còn tổn hại đến danh giá, nhân phẩm, uy tín và danh dự của phụ nữ khi bị từ hôn.
• Theo quan điểm của TS Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, bên cạnh việc nên giữ nguyên độ tuổi kết hôn như hiện nay, luật cũng nên có quy định “mềm” đối với người dân tộc thiểu số vốn có truyền thống dựng vợ gả chồng sớm hơn quy định trong luật hiện hành.
TS Lý cho rằng trong nghị định hướng dẫn thi hành luật nên đưa ra một số quy định áp dụng cho những trường hợp đặc biệt này nhằm giúp người dân tộc thiểu số không đi chệch khuôn khổ pháp luật và gặp những rắc rối khác liên quan.
• Luật HN&GĐ cần sửa đổi bổ sung và quy định cụ thể hơn về độ tuổi kết hôn để đảm bảo sự thống nhất, dễ áp dụng, phù hợp với thực tiễn và phong tục tập quán của một số dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và trong cả nước nói chung (quan điểm của Sở Tư pháp tỉnh Sơn La)
|
Hồng Minh