Cố đô Nga: Một giờ trong bóng tối

Cuối tuần trước, người dân cố đô Nga và một phần tỉnh Leningrad lần đầu tiên biết nghĩa của một thuật ngữ còn xa lạ “blackout” (mất điện).

Cuối tuần trước, người dân cố đô Nga và một phần tỉnh Leningrad lần đầu tiên biết nghĩa của một thuật ngữ còn xa lạ “blackout” (mất điện).

6 giờ rưỡi chiều, khi họ rời nơi làm việc về nhà, thì phần lớn thành phố chìm vào bóng tối: Những đoàn tàu điện, xe điện bánh hơi dừng giữa phố; thang máy mắc kẹt giữa các tầng nhà; các đoàn tàu điện ngầm đứng khựng trong lòng đất. Quang cảnh chẳng khác gì những bộ phim kinh dị của Hollywood.

Phương tiện giao thông công cộng duy nhất hoạt động ở St. Petersburg nhưng sự cố điện là xe buýt.

Sự cố mất điện trên diện rộng ở St. Petersburg xảy ra lúc 18.40 phút (giờ Mátxcơva) ngày 20.8. Ba phút sau, hệ thống bảo vệ tự động ngắt thêm các đường dây cung cấp điện khác, khiến toàn thành phố và ba huyện của tỉnh Leningrad bị mất điện. Đồng thời, một số nhà máy nhiệt điệt và một nhà máy thuỷ điện cũng bị ngắt khỏi lưới điện quốc gia. Không chỉ các phương tiện giao thông ngừng hoạt động, mà nước máy cũng bị ngừng cung cấp, các phương tiện truyền thông như phát thanh, truyền hình, Internet và một phần viễn thông di động cũng không hoạt động được.

Khác với sự cố tương tự xảy ra ở Mátxcơva hồi tháng 5.2005, khi một nửa thủ đô Nga bị chìm trong bóng tối suốt mấy giờ đồng hồ, các chuyên gia điện lực St. Petersburg đã khắc phục sự cố một cách hiệu quả. Một giờ sau sự cố, điện đã được khôi phục tại thành phố. Ngay sau đó họ đã xử lý xong hậu quả của  sự cố kỹ thuật và đảm bảo phục hồi cung cấp điện cho người tiêu dùng trong thành phố và các vùng phụ cận. Nhờ sự xử lý chính xác và hiệu quả mà thiết bị phát sinh tại các nhà máy điện ngừng hoạt động không bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân của sự cố mất điện  được xác định khá nhanh – 3 ngày sau sự cố. Theo thông tin từ điều hành hệ thống, hỏng cáp rơle bảo vệ tại trạm biến áp Vostochnaya... Đối với những người Nga sống ở đô thị, thì tháng 8 thường đồng nghĩa với các vụ khủng bố và thảm hoạ, nên chính quyền St. Petersburg đã nhanh chóng trấn an họ bằng thông báo: sự cố hoàn toàn mang tính kỹ thuật. Bộ trưởng Năng lượng Nga Sergey Shmatko loại bỏ khả năng tham gia của con người trong vụ này.

Theo một số chuyên gia, thì rất có thể đợt nắng nóng bất thường vừa qua ở Nga đã đẩy nhanh tiến trình lão hóa cáp điện (theo kế hoạch sẽ được thay thế vào năm 2011). Bên cạnh đó còn là sự không đồng bộ giữa thiết bị rất mới, và thiết bị rất cũ (được sản xuất từ hơn 40 năm trước).

Một ngày sau sự cố, Bộ trưởng Shmatko thông báo, trước thời hạn 1.9 tổ công tác hỗn hợp bao gồm đại diện bộ máy hành chính của thành phố và các công ty điện sẽ phải đưa ra kết luận và đệ trình kế hoạch tổng thể bảo đảm cung cấp điện an toàn cho St. Petersburg. Bộ Năng lượng và chính quyền cố đô đã thỏa thuận bảo đảm điện trong trường hợp sự cố cho những cơ sở có tầm quan trọng sống còn của thành phố nếu xảy ra chuyện tương tự. Sự cố còn khiến người ta vỡ lẽ ra rằng cố đô Nga không hề có “vành đai điện cao thế” liên kết các lưới điện và tăng cao tính bền vững trong hoạt động của các lưới điện đó giống như vành đai hiện có ở Mátxcơva.

Theo các tính toán khác nhau, sự cố mất điện tại St. Petersburg đã gây thiệt hại khoảng 100 triệu rúp (khoảng 3,5 triệu USD). Nhưng đây mới chỉ là con số thiệt hại của các doanh nghiệp, còn bản thân ngành điện của thành phố cũng phải chịu thiệt hại vài chục triệu rúp.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại không tính toán được tổn thất về tinh thần mà hàng triệu người dân St. Petersburg và khách của cố đô phải gánh chịu. Đó là những nỗi hoảng sợ của hàng vạn người bị giam chân trên các chuyến tàu điện ngầm trong lòng đất hoặc lơ lửng giữa các tầng nhà trong bầu không khí ngột ngạt và hoảng loạn. Đó còn chưa kể những thiệt hại của hàng chục vạn người tham gia giao thông do hệ thống đèn tín hiệu ngừng hoạt động đã phải hủy bỏ những cuộc gặp quan trọng, hoặc không nhận được cấp cứu y tế đúng lúc.

Sự cố “blackout” cho người Nga thấy rằng người dân ở những đô thị lớn đã trở thành “con tin” của nền văn minh. Chỉ cần một sự cố là những con người mạnh mẽ trở thành bất lực. Sự phụ thuộc quá mức vào viễn thông di động, vào truyền hình và Internet đã  phần nào tiêu diệt sự tự tin và sức mạnh của con người.

Theo laodong.com.vn

Đọc thêm