Những ngày đầu tháng 11, khi tin tức về Dự thảo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được đưa rải rác trên các phương tiện thông tin đại chúng, thị trường BĐS Hà Nội bắt đầu có dấu hiệu "ấm" lên ở nhiều phân khúc… "Cò" đất sớm vào cuộc.
Đất chia lô lên giá
Dẫn chúng tôi đi qua mấy ngõ ngoắt nghéo khu vực phía Bắc cầu Thanh Trì, “cò” Nguyễn Thành Hưng, nguyên trưởng nhóm môi giới của một sàn giao dịch BĐS mới tách ra làm lẻ, hồ hởi kể lại công phu khi anh ta tìm ra khu đất vuông vức bây giờ được chia làm 5 ô, mỗi ô 80m2, “ô tô Matiz có thể đi vào được”. “Nhóm em gom từ khi đất bên này mới bắt đầu sốt rồi phân lô. Hồi cao trào đã định bán mấy lần nhưng cứ do dự mãi. Giờ khu vực này bắt đầu khởi sắc, nhóm mới quyết định bán ra”.
“Cò” Hưng khoe, khu vực này “giờ sáng sủa hơn nhiều”, “đô thị hóa”, hạ tầng tốt lên trông thấy. Cầu Thanh Trì đã thông, đường Hà Nội – Hưng Yên sắp hoàn thành, lại gần nhiều khu đô thị như Thạch Bàn, EcoPark… “Đây này, trong quy hoạch sắp phê duyệt, chủ trương xây dựng các tuyến giao thông theo các dự án đầu tư đã và đang được triển khai: đường nối vành đai 3 cầu Thanh Trì – Hưng Yên, cả phát triển nhà ở đồng bộ với quy hoạch các khu đô thị mới dọc vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng. Khu vực này giờ không có đất để bán. Đất chia lô vuông vức như của chúng em chỉ còn tính trên đầu ngón tay”, “cò” Hưng tiếp thị.
Lấy cớ giá đất trong ngõ sâu mà tới 70 triệu đồng 1m2 là hơi cao, cần phải thảo luận với người thân, “cò” Hưng đưa ra cho chúng tôi biểu giá tham khảo khu vực xung quanh: Ngọc Thụy mặt đường 90 triệu đồng, trong ngõ ô tô to vào được 75 triệu đồng, ô tô nhỏ 50 triệu đồng…, không có lô nào quá 100m2. Bồ Đề trong làng lô 12 5m2 ô tô vào được có giá 85 triệu 1m2. Đông Dư trong làng lô 80m2 giá 60 triệu đồng 1m2. Rồi, “cò” này thúc: “Các anh chị khẩn trương nhé, vì giá này cũng chỉ có giá trị nay mai thôi. Tình trạng này giá cả còn có thể biến động, em cũng không giữ chỗ mãi cho anh chị được”. Khi biết Hà Nội có chủ trương xây dựng mới 8 cầu và 1 hầm qua sông Hồng, đất khu vực Long Biên, Gia Lâm và vùng lân cận cũng bắt đầu tăng giá. Cộng với việc chung cư mi ni được hợp thức hóa, thủ tục mua bán đơn giản, đất xen kẹt – vốn là một quỹ đất không hề nhỏ ở khu vực này – cũng đang tăng giá chóng mặt mà không dễ mua được. “Giá đất lên đến gần trăm triệu mỗi mét sẽ khiến cho chung cư mi ni diện tích nhỏ nhưng giá cũng không nhỏ nữa. Giờ đây chỉ có thể cạnh tranh bằng vị trí, khoảng cách”, anh Nguyễn Ngọc Dương cùng với một nhóm bạn đang làm “nghề thầu chung cư mi ni” nhận định.
Chung cư cũ: cao vẫn khó mua
Trong quy hoạch sắp được phê duyệt, thành phố Hà Nội chủ trương “giảm tải trực tiếp cho khu vực nội đô. Khuyến khích xây dựng nhà ở cao tầng, mật độ thấp… Cải tạo nâng cấp quỹ nhà ở cũ của Hà Nội theo hướng đồng bộ về hạ tầng đô thị, hiện đại, hạn chế không phát triển loại nhà chia lô liền kề. Các khu tập thể cũ thuộc khu vực hạn chế phát triển được cải tạo chỉnh trang hoặc xây dựng lại đồng bộ. Khuyến khích người dân di dời đến các khu đô thị mới”.
Lúc này, 33 công trình cao tầng trong nội đô cũng đang tiếp tục được triển khai, sẽ tạo cục diện mới cho thị trường BĐS khu vực nội thành vốn ấm lạnh thất thường suốt cả năm qua. Tuy nhiên, căn hộ chung cư cao cấp giao dịch vẫn ảm đạm do giá cao mà nguồn tiền vào thị trường không quá dồi dào.
Trong khi đó, các chung cư cũ “còn lâu mới được cải tạo” lại nhộn nhịp, nhiều người hỏi mua. Giá chung cư Tân Mai trung bình 30 triệu/m2, chung cư mặt đường Giải Phóng có người bán là có người mua, không kể giá. Chung cư Quỳnh Mai mặt đường khoảng 50 triệu/m2, phía trong dao động 35 – 40 triệu tùy vị trí. “Chung cư khu vực Hai Bà Trưng, Hoàng Mai luôn có giá rẻ nhất trong thành phố, trong khi những khu này nếu được cải tạo đều là những chỗ đắc địa, do giao thông đang được cải thiện” – anh Duy Minh – một nhà đầu tư BĐS, cho hay. Thế nhưng, tích cực đi lùng cả tháng nay, nhưng chưa có “mối” nào được giao dịch thành công. “Khu Tân Mai trước đây dễ mua thế, nhất là sau trận mưa lịch sử năm 2008. Thế nhưng từ khi tái khởi động lại dự án đường vành đai 2,5, hầu như chẳng ai bán nhà nữa, mà chờ đường xong giá lên mới bán” – anh Minh phàn nàn.
Cách đây 2 -3 tháng, nhiều chuyên gia nhận định, thị trường BĐS Hà Nội “nín thở chờ quy hoạch”, và chỉ khi quy hoạch ngã ngũ mới thấy được xu hướng rõ ràng của các phân khúc thị trường, nhất là tại các khu vực “tiêu điểm”. Tuy nhiên, lúc này, khi quy hoạch vẫn đang còn trên bàn nghị sự, nhiều phân khúc thị trường đã có dấu hiệu rục rịch “đi trước đón đầu”.
Bách Nguyễn