Cả bản háo hức vì "cán bộ" về tặng quà
Ngày 7/1/2014, bà con người Xê đăng ở nóc Ngọc Nâm (thôn 1, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đón hai vị khách lạ. Hai người tự giới thiệu là những cán bộ công tác tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nam Trà My, xưng tên Nguyễn Văn Đoàn và Nguyễn Đức Tín, mang theo “cái thẻ có dán ảnh” hẳn hoi. Hai “cán bộ” cho biết đến đây để “tặng quà cho những gia đình cựu chiến binh, có hưởng chế độ chính sách của Nhà nước”.
Để dân tin hơn, hai đối tượng này còn cho biết lý do “cán bộ huyện” phải đi, vì “thời gian trước đây, mỗi khi có quà từ tỉnh, huyện chuyển về cho người dân, đều bị chính quyền xã “nẫng” sạch hoặc ăn bớt một phần, vì thế, lần này huyện cử chúng tôi mang về tận nơi”.
Ban đầu, danh sách “chốt” chỉ có số ít hộ được nhận, thế nhưng, khi bà con vui mừng truyền nhau thông tin “có quà Tết từ Nhà nước chuyển về” rồi kéo đến đông quá, nên hai “cán bộ” mới phải “phổ biến” lại quy định:
Ai cũng được nhận, nhưng phần quà gồm bếp điện, xoong nồi và thau nhôm này chỉ tặng một nửa, một nửa còn lại người dân tự bỏ ra bốn triệu đồng, đưa nộp cho “cán bộ” để mua. Nếu người nào đồng ý, sẽ được cấp cho mảnh giấy “biên lai” rồi xuống Tam Kỳ nhận quà. Đặc biệt, người nào nằm trong diện được quà (hộ chính sách - PV) nhưng không mua, chắc chắn bị cắt hết chế độ lương thưởng, trợ cấp như lâu nay.
Thời điểm trên, phần lớn ở nóc chỉ có người già, trẻ em, còn những thành viên khác trong gia đình đều phải lên rẫy tỉa lúa, hái củi… kiếm cái ăn. Nhưng đứng trước sự việc “cấp bách”, người già đành phải tự quyết định, bằng cách chạy ngược chạy xuôi mượn tiền cho đủ bốn triệu đồng để giao hai “cán bộ”, đổi lấy tờ giấy nhận quà.
Nghe được thông tin này, cô giáo Nguyễn Thị Trang (SN 1989, quê ở xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, Quảng Nam), giáo viên Trường Tiểu học Trà Cang, nghi ngờ có gì đó khúc mắc. Cô liền điện thoại gọi cho người quen ở Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nam Trà My và được biết không có đoàn cán bộ nào về tặng quà cả.
Lập tức, cô giáo Trang điện cho Công an huyện Nam Trà My trình bày vụ việc và nhờ cử lực lượng lên điều tra giúp. Tuy nhiên, quãng đường từ Trung tâm huyện lên tới nóc Ngọc Nậm rất xa, phải mất hơn một tiếng đồng hồ nên cô giáo phải cùng dân bản tìm cách “cầm chân” hai kẻ lừa đảo.
Cô giáo lật mặt kẻ gian bằng món “mầm đá”
Sau khi hội ý cùng người dân, Trang để già Rài và một số người đồng ý nhận “quà” cứ vờ tin tưởng, quay về báo với hai đối tượng đang ngồi đợi tiền rằng: “Xin “cán bộ” chờ cho đến khoảng 11h trưa. Vì gom chưa đủ”.
Cô giáo Trang dặn già Rài tỏ vẻ tin tưởng, rủ hai đối tượng vào nhà mình ở chơi, “để già đi mua thịt rừng về nấu cơm ăn trưa trong lúc chờ tiền”.
Cô giáo bày mưu bắt hai đối tượng giả danh cán bộ |
Thời gian chậm rãi trôi qua, già Rài cũng đã mua thức ăn về và cố gắng làm theo lời của Trang: Cắt rửa, cho nấu, hầm cho thật lâu. Đến khoảng 11h30’, lực lượng Công an huyện Nam Trà My mới có mặt tại nóc Ngọc Nậm. Theo ám hiệu của Trang, các trinh sát trong vai con cháu già Rài đi rẫy về, tiến lại chào hai vị khách đang chờ món “mầm đá”.
Nghe già Rài giới thiệu “cán bộ huyện” về tặng quà, “đám con cháu” vội “tay bắt, mặt mừng”, đồng thời…rút còng số 8 tra vào tay đối tượng, khiến cả hai chỉ biết xanh mặt lắp bắp “Vì răng bắt tui…Ôi, công an”.
Chiến công bắt kẻ gian kết thúc nhẹ nhàng, các trinh sát không quên quay sang cảm ơn sự mưu trí của cô giáo Trang và người dân nóc Ngọc Nâm.
Vừa lừa tiền, vừa “tuyên truyền” nhảm nhí?
Tại cơ quan công an, danh tính hai đối tượng được xác định là Nguyễn Văn Đoàn và Nguyễn Đức Tín, cùng SN 1985, ngụ huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Trước đây, chúng đi theo các công trình xây dựng làm thợ xây ở khu vực miền núi Quảng Ngãi, nhưng một thời gian ngắn thì hết việc, đành về nằm nhà.
Sau vài tháng “nhàn cư”, Đoàn và Tín nhớ lại, người dân các tộc bào mà mình từng tiếp xúc, phần lớn ít hiểu biết, “mù” thông tin… nên rủ nhau lên lại các vùng núi Tây Trà, Sơn Tây, Sơn Hà... lần tìm các số điện thoại của những hộ dân sử dụng, rồi lừa đảo bằng cách nhắn tin trúng thưởng qua điện thoại. Do đánh trúng tâm lý của nhiều bà con thích nhận phần thưởng, hạn chế hiểu biết… Tín lẫn Đoàn đã “hốt” không ít tiền tiêu xài.
Để thủ đoạn của mình không bị người dân và cơ quan chức năng bóc mẽ, đầu năm 2014, bộ đôi quyết định thay đổi địa điểm hoạt động, chọn các vùng cao Quảng Nam “kiếm ăn”. Khi đi “thực tế”, thấy bà con Xê Đăng, Cơ Tu ở Quảng Nam sử dụng điện thoại nhưng không nhiều, Tín và Đoàn giở sang chiêu lừa khác bằng cách đóng giả “cán bộ huyện về tặng quà”.
Theo thượng tá Nguyễn Thành Tâm, Trưởng Công an huyện Nam Trà My, các đối tượng này vượt đường sá xa xôi, chấp nhận đi bộ vào vùng núi sâu không đơn thuần chỉ để lừa đảo tiền của người dân mà có thể còn ẩn chứa sau đó nhiều mưu mô khác.
Vụ việc hiện vẫn tiếp tục được mở rộng, điều tra.