Người làng Triều Khúc vốn chuộng cây cảnh nổi tiếng cả vùng. Cụ Nguyễn Văn Hòa (75 tuổi) tự hào kể rằng gia đình cụ nhiều đời chơi cây cảnh. Hiện trong nhà cụ có những cây cổ hơn 100 tuổi. “Ở làng này có cách chơi khác biệt, không nặng về kinh tế. Lâu nay chúng tôi vẫn duy trì thú chơi, sẵn sàng tặng nhau những cây cảnh quý nếu tìm được người biết thưởng thức và quý trọng cái đẹp”, cụ nói. Trước kia, ngay cả khi cuộc sống khó khăn phải chật vật lo từng bữa ăn, nhưng gia đình nào cũng sở hữu những chậu cảnh trong nhà.
Trọng cây cảnh đến mức, người làng Triều Khúc đến nay vẫn duy trì phong tục cổ xưa: Để tang cho cây khi trong nhà có người thân qua đời.
Không rõ phong tục này có từ bao giờ, nhưng tuyệt nhiên người dân cứ tự giác thực hiện theo đó như một lẽ tự nhiên. Đặc biệt một điều khó lí giải: Nếu gia đình nào có người qua đời, cây nào bị bỏ sót “chở tang” là y như rằng vài hôm sau cây đó tự dưng héo úa và chết.
Trước kia ông Hiền được người em họ tặng cho một cây duối cảnh. Chỉ vài ngày sau khi người em qua đời, cây duối này cũng không sống được. Lý do là ông Hiền quên cho cây duối “chở tang” chủ nhân cũ.
Có lẽ một lí do phù hợp nhất theo những người chơi cây cảnh trong làng chia sẻ, đó là cây và người đã trở thành “bạn tri kỷ” của nhau. Con người làng Triều Khúc vui buồn cùng với cây, mọi tâm sự đều thổi hồn vào cây. Một khi đã chơi cây nghĩa là phải am hiểu về cây và phải xem cây như bạn, như người thân trong gia đình thì mới mong chơi lâu dài được. Vì thế lúc người chết, cây cũng chịu tang “bình đẳng” như người.
Việc “chít khăn tang” cho cây được thực hiện bằng cách quệt vôi. Khi trong nhà có người nằm xuống, dù tang gia bối rối thế nào, cũng chớ quên cắt cử người đi mua vôi trắng dạng tinh về. Sau đó hòa vôi với nước, dùng chổi lông hoặc dùng tay quệt một vòng quanh thân cây.
Nếu quên hoặc cố tình không làm, hoặc làm bỏ sót thì cây sẽ rụng lá, héo vàng mà chết. Không chỉ riêng cây cảnh mà kể cả những cây ăn trái có trong nhà cũng đều được quệt vôi mỗi khi nhà có tang ma.
Theo ông Nguyễn Huy Hiền, việc “chít khăn tang” cho cây phải do những người có tuổi tác, địa vị trong nội tộc đứng ra đảm nhiệm. “Phong tục này có thể bắt nguồn từ việc xem cây là một thực thể sống có linh hồn, có cảm xúc như con người. Thiên nhiên được nhân hóa như một thực thể sống. Phong tục này thể hiện con người luôn sống chan hòa, gắn kết với thiên nhiên như một”, ông Hiền bày tỏ.