Gọi là cô giáo đặc biệt, bởi vì năm nay cô đã ngót 80 tuổi mà vẫn gắn bó với học sinh. Mỗi tuần 5-6 buổi lên lớp. Cũng giáo trình, thời khóa biểu. Đêm hôm vẫn thức soạn giáo án, chấm bài. Học sinh là những trẻ khuyết tật trong phường Yên Phụ (Hà Nội). Có em dưới 10 tuổi và cũng có em trên 25 tuổi. Lớp học còn thêm một đặc biệt nữa, là luôn di động. Tìm được địa điểm đâu thì học ở đó.
|
Bà giáo Hồ Hương Nam ngày ngày vẫn lặng lẽ dạy miễn phí trẻ khuyết tật. |
Bà Nam vốn người Huế. Năm 1954 tập kết ra Bắc. Bà theo học một khóa sư phạm và năm 1958 chính thức bước vào nghề dạy học. Sau khi nghỉ hưu, tình yêu với nghề dạy học vẫn theo đuổi bà với một tấm lòng ấm áp, tận tâm. Ở khu phố, bà phát hiện ra nhiều cháu khuyết tật, phần lớn thuộc các gia đình nghèo khó. Nhiều cháu đến tuổi tới trường mà vẫn thui thủi ở nhà, ngơ ngác trước cuộc sống. Lòng bà giáo già lại thêm nghĩ ngợi. Vậy rồi bà đến một vài nhà, vận động gia đình cho con đi học. Tiền công ư? Bà dạy miễn phí kia mà.
Còn học để làm gì nữa ư? Toàn những câu hỏi không mấy đồng cảm của nhiều bậc làm cha làm mẹ, và cả một số người trong khối phố. Nhưng bà Nam kiên trì giải thích: Chỉ cần dăm ba tháng là các cháu biết đọc, biết viết. Rồi các cháu học thêm nữa, hòa nhập với cộng đồng, đọc báo, làm tính, hiểu biết thêm… Nghe bà giáo già giải thích, không ít người suy ngẫm và cảm động. Sau nhiều lần kiên nhẫn vận động, những đứa trẻ đã được gia đình gửi gắm cho bà. Một bà giáo, những trẻ khuyết tật trong căn phòng hẹp của cụm dân cư. Nhưng rồi nơi học cũng không được lâu. Trụ sở Dân phòng, nơi lớp học mượn tạm được đập phá để xây nhà cao tầng. Bà lo lắng, tìm đâu ra địa điểm, vì sẽ còn nhiều cháu trong phường cũng trông vào đây để hy vọng được học.
Giữa lúc bời bời lo nghĩ, bà đã đến phòng Giáo dục quận. Và thật may mắn, lãnh đạo phòng Giáo dục đã tiếp sức cho bà giáo. Bà nhận được sự chia sẻ của Trường THCS An Dương. Lớp học của bà đã có trên 10 cháu. Hơn mười năm bền bỉ dạy học cho các cháu khuyết tật, nay nhiều cháu đã đọc được truyện, làm bốn phép tính thành thạo. Nhiều em đã làm được toán lớp 5, lớp 6. Hằng tuần bà cho giao lưu với các bạn trong trường An Dương. Cháu nào nhiều tiến bộ, bà trích lương hưu mua quà làm phần thưởng. Lời nói của bà giáo già Hồ Hương Nam hồi nào như một giấc mơ, nay thành hiện thực.
Bà giáo Nam kể, tuy chỉ trên dưới mười cháu, nhưng có nhiều chương trình khác nhau. Và ngay trong một “lớp” thôi, cũng có vài ba giáo án khác nhau, phù hợp khả năng tiếp thu của từng trẻ. Đến đây học, có cháu liệt nửa người, trầm cảm, có cháu câm điếc bẩm sinh, lại có cháu lúc khóc lúc cười vô cớ… Cũng mệt, mà cũng vui. Vui nhất là các phương pháp dạy của mình có kết quả từng ngày. Vui hơn nữa là các cháu có thêm khả năng hòa nhập với cuộc sống.
Anh Đỗ Đình Lai có cháu Long, mắc chứng tự kỷ, được gia đình cho đi học nhiều nơi nhưng không mấy kết quả. Nhưng chỉ sau mấy tháng, bà giáo Nam đã dạy cháu biết viết. Đó thực sự là điều cả gia đình ngạc nhiên trong nỗi nghẹn ngào vui sướng. Còn cháu Thúy, bị liệt nửa người, là thành viên đầu tiên trong lớp học đặc biệt này, đã biết đọc báo, làm tính lớp 5, lớp 6. Nhớ lại những ngày đầu, bố mẹ em vì nể lòng tận tâm của bà giáo mà cho con đi học, nhưng lòng dạ không yên và một nỗi hoài nghi mù mờ. Nhưng bây giờ cả nhà vui vầy, nghe con gái Thúy đọc báo nghe tin tức.
Không biết còn nơi đâu có những lớp học đặc biệt như ở An Dương. Có cô giáo đặc biệt nào như bà giáo Hồ Hương Nam?
Nguyên Phước