Cô giáo làng cảm hóa kẻ sát nhân vứt xác chị dâu xuống biển

Sau khi bị tuyên án chung thân, những tưởng cuộc đời người đàn ông ấy không còn hi vọng gì nữa. Nhưng nhờ tình yêu cao cả của cô giáo làng, anh đã phấn đấu lao động, cải tạo tốt để được giảm án dần rồi về lại cuộc sống với một mái ấm hạnh phúc...

Sau khi bị tuyên án chung thân, những tưởng cuộc đời người đàn ông ấy không còn hi vọng gì nữa. Nhưng nhờ tình yêu cao cả của cô giáo làng, anh đã phấn đấu lao động, cải tạo tốt để được giảm án dần rồi về lại cuộc sống với một mái ấm hạnh phúc...

Hạnh phúc của anh Phạm Văn Trắng (SN 1958, quê gốc ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) và chị Nguyễn Thị Nhật (SN 1952, Tân Kỳ, Nghệ An), như bông hoa nở muộn, phải vượt qua bao gió mưa bão táp nhưng thật đậm đà hương sắc.

Ông Trắng và bà Nhật hạnh phúc bên nhau

Cơn nóng giận của người đàn ông vùng biển

Ông Phạm Văn Trắng giờ đây đã là ông nội, ông ngoại của một bầy cháu nhỏ. Hồi tưởng lại về quá khứ, ông chiêm nghiệm một điều: “Ở đời, nhiều khi khó nói trước được điều gì…”.

Làm nghề lái tàu, tháng 7/1980, trong một lần đi biển trở về ông nghe dân làng xì xào bàn tán chuyện chị dâu đối xử tàn nhẫn với bố mẹ mình. Quá tức giận, ông dùng hung khí đánh chết chị dâu, sau đó cho vào bao tải rồi đưa xác nạn nhân lên tàu do chính mình lái ra biển để phi tang.

Lúc đó người thân của ông không hề biết chuyện, họ cứ nghĩ người chị dâu bị mất tích nên đi tìm kiếm khắp nơi, còn ông Trắng vẫn tiếp tục công việc lái tàu ra biển.

Sau đó ít ngày xác nạn nhân cũng được phát hiện, sau ba tháng điều tra, công an đã tìm ra những chứng cứ chứng minh ông Trắng chính là người sát hại chị dâu.

Vào một đêm cuối tháng 12/1980, khi chiếc tàu biển của ông chuẩn bị cập cảng thì có một con tàu của công an áp sát. Lúc các chiến sĩ công an ập lên tàu, ông Trắng không hề ngạc nhiên, bởi trong thâm tâm ông luôn biết rằng rồi sẽ có ngày mình phải trả giá cho tội ác mình đã gây ra.

Một năm sau, Tòa án mở phiên tòa. Tại tòa, cả hai bên nội ngoại của nạn nhân đều đứng lên xin giảm tội cho bị cáo. Tòa án tuyên ông Trắng chịu mức án tù chung thân. Lúc đó nhiều người đã khuyên ông nên làm đơn kháng án để xử phúc thẩm, nhưng ông không làm, bởi ông cho rằng tòa án xử như vậy là đúng với tội lỗi mình gây ra.

Ánh sáng ở cuối con đường

Sau khi thụ án ở trại giam tỉnh Quảng Ninh được một năm, phạm nhân Trắng được chuyển về trại giam số 3, ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Trong trại giam ông luôn chấp hành tốt kỉ luật và lao động chuyên cần.

Trong tù ông được học nghề mộc, vì rất siêng năng và chăm chú học hỏi nên ông Trắng nhanh chóng trở thành thợ giỏi. Trong trại giam ông Trắng luôn cải tạo tốt, bản thân lại từng đi bộ đội được tặng nhiều huân chương về thành tích chiến đấu, nên ông được bạn tù và cán bộ trại giam rất quý mến.

Trong thời gian ở trại, cũng như những người tù chấp hành kỷ luật tốt khác, ông Trắng thường xuyên được đi lao động ở ngoài trại. Lúc thì ông đi đào kênh mương, lúc thì lên rừng khai thác gỗ… Dù làm công việc gì ông Trắng cũng rất nhiệt tình và cẩn thận.

Trong thời gian đi lao động ở ngoài trại ông tình cờ quen biết với một ông lão sống gần trại giam Tân Kỳ. Ông Trắng thường xuyên vào nhà ông lão mượn nồi niêu xong chảo để nấu ăn, nhân lúc trò chuyện, ông lão cho biết ông là người gốc Ninh Bình vào Nghệ An sinh sống đã mấy chục năm nay. Biết ông Trắng cũng là người miền Bắc nên ông lão quý mến, thường xuyên chuyện trò, tâm sự.

Ông lão có một người con gái vốn là thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ, đang dạy học ở một trường trong làng. Cô gái này tên là Nhật, chẳng may chồng mất sớm nên đang sống một mình với hai đứa con nhỏ.

Thấy ông Trắng tuy là tù nhân nhưng lại rất siêng năng, chịu khó và lễ phép nên ông lão rất thương. Chính ông đã làm mối cho người tù hiền lành này với con gái mình.

Ông Trắng và cô Nhật đều là những người phải chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống nên khi biết hoàn cảnh của nhau, hai người rất đồng cảm. Họ thường xuyên thư từ thăm hỏi, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống với nhau.

Tấm ảnh cưới giản dị của đôi vợ chồng

Rồi ông Trắng và cô giáo làng Nguyễn Thị Nhật nảy sinh tình cảm khi nào không hay. Mỗi lần được ra khỏi trại để đi lao động ông Trắng lại ghé vào thăm mẹ con cô Nhật. Năm 1985, dù đang thi hành án, ông Trắng đã có một đứa con gái với cô Nhật.

Sau khi có con, mặc dù rất vui mừng nhưng lại lo sợ nếu để cán bộ trại giam biết được sẽ bị kỉ luật, ông Trắng phải tìm cách giấu diếm mọi chuyện. Thậm chí, ông quyết định nhờ một người đi buôn từ ngoài Bắc vào nhận là cha của con mình.

Thấy hoàn cảnh đáng thương của ông Trắng và cô Nhật, người lái buôn đồng ý bao bọc che chở cho hai mẹ con cô Nhật trước búa rìu dư luận.

Từ khi biết mình có con gái, ông Trắng như có thêm động lực để cải tạo tốt, những mong được giảm án để sớm được đoàn tụ với gia đình. Nhờ nỗ lực phấn đấu và cải tạo tốt  mà ông đã được giảm án xuống còn 20 năm, rồi 19 năm, 17 năm…

Vào dịp sát Tết nguyên đán năm 1996, ông Trắng được ra tù, đến đón ông lúc đó là cô Nhật và con gái 11 tuổi. Ngày được gặp con và nghe con gọi tiếng "bố", ông Trắng như vỡ òa vì hạnh phúc.

Ông tâm sự: “Tết năm đó là cái tết hạnh phúc nhất trong cuộc đời của tôi. Sau những năm tháng chịu án tôi đã được trở về sum họp cùng gia đình. Hạnh phúc nhất là tôi được mọi người đón nhận, không bị xa lánh. Đó chính là động lực để những người tù như chúng tôi có thể làm lại cuộc đời”.

Cũng từ đó, ông Trắng quyết định ở lại mảnh đất miền Trung đầy nắng gió cùng với vợ con. Để có tiền lo cho tổ ấm nhỏ ông mở  một xưởng mộc ngay tại nhà. Nhờ có tay nghề cao mà rất nhiều người đã đến xưởng mộc của ông để đặt hàng. Mấy năm sau, do sức khỏe kém không thể làm nghề mộc được nữa nên ông chuyển qua đi buôn nấm và chăn nuôi.

Cách đây hai năm, người vợ tai biến, sức khỏe rất kém, bà chỉ quanh quẩn ở nhà không thể phụ giúp chồng làm việc được. Con cái của hai người đều lập gia đình riêng và đi làm ăn xa nên tất cả mọi việc trong nhà đều do một tay ông Trắng lo liệu.

Ông vừa làm việc đồng áng vừa chợ búa cơm nước chăm sóc vợ bệnh tật. Dù vất vả nhưng ông không bao giờ kêu than một câu nào. Những người hàng xóm xung quanh đều rất cảm phục tấm lòng yêu thương vợ của ông Trắng.

Ông tâm sự: “Tôi được như ngày hôm nay là nhờ công lao rất lớn của vợ. Nếu ngày đó bà ấy không rộng lượng đón nhận tôi thì không biết giờ đây cuộc đời tôi sẽ như thế nào nữa. Bản thân tôi cũng không ngờ sau khi ra tù lại có được một mái ấm gia đình”.

Bà Nhật chỉ cho phóng viên xem tấm ảnh cưới chụp làm kỷ niệm của hai ông bà, bà chia sẻ: “Con người thì ai mà chẳng phạm sai lầm, làm sao mà “nắm tay thâu ngày đến tối” được, phải không cô? Quan trọng là phải biết nhận ra lỗi lầm của mình để sửa chữa. Chồng tôi cũng vậy, mặc dù ông ấy đã gây ra tội nhưng thời gian ở trong tù ông ấy vô cùng hối hận. Ông đã cố gắng cải tạo tốt để quay về hòa nhập với cộng đồng”.

Bà Nhật cho biết, trong những năm chung sống với bà, ông Trắng là người chồng, người cha mẫu mực, luôn là chỗ dựa vững chắc cho vợ con. Ông bà đã có cháu ngoại cháu nội đầy nhà, cứ vào mỗi dịp lễ tết con cháu lại tập trung đông đủ quây quần trong ngôi nhà nhỏ. Tuy cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đối với ông bà thì những dịp con cháu về đông đủ là niềm hạnh phúc lớn nhất của họ.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm