Gương sáng Pháp luật

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy và lời hứa trọn đời gắn bó đỉnh Pa Cheo

(PLVN) - Cô giáo Nguyễn Thị Thủy hiện công tác tại Trường PTDTBT THCS Pa Cheo (Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai). Có dịp về Hà Nội trong Lễ vinh danh “Chia sẻ cùng thầy cô”, cô đã nghẹn ngào khi nói về học trò mình, nơi 100 các em là đồng bào dân tộc HMông. Rằng khi ra trường, lên vùng cao, cô đã sốc trước việc phụ nữ bị buôn bán, tảo hôn, học sinh ngác ngơ… Nhưng cô đã đến và ở lại…

Tâm sự của cô giáo trên đỉnh Pa Cheo

“Mình là cô giáo vùng cao, một cô giáo vùng cao theo đúng nghĩa. 14 năm gắn bó với mảnh đất Pa Cheo với thời tiết khắc nghiệt, nhưng mình chưa từng nản chí.

Bố mẹ ly hôn khi mình vừa tròn sáu tuổi, em út được vài tháng tuổi, ở cái tuổi mà mình chưa hiểu ly hôn là gì, chỉ thấy bố mẹ cãi nhau nhiều lắm. Rồi những bộ quần áo của mẹ bị bố băm nát, rồi đồ đạc trong nhà không có cái nào lành lặn... Cứ như vậy một mình mẹ nuôi ba chị em ăn học. Mẹ mình không biết đi xe đạp, những hôm họp phụ huynh ngoài trường chính, mẹ mình đi bộ cả 10km đường rừng để đi họp cho chị em mình. Mình là chị cả trong nhà, nên việc được đi học cấp Ba là quá sức với mẹ, hàng xóm khuyên mẹ cho mình ở nhà làm để nuôi hai em, rồi lấy chồng. Nhưng mẹ mình bảo: nó học được cứ cho nó học. Ngày mình học lớp 12, mình băn khoăn giữa việc ở nhà và đi học. Và cô giáo chủ nhiệm khuyên mình nên theo sư phạm để không phải lo học phí.

Vậy là mình theo ngành sư phạm Ngữ văn. Mình luôn cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của mẹ. Ngày học ở trường, mình cũng được các thầy cô nói về việc sau này các em sẽ lên vùng cao dạy, lúc đó mình chỉ nghĩ: chắc cũng giống như chỗ nhà mình.

Cô Nguyễn Thu Thủy cùng 68 thầy cô Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022 vinh dự được gặp Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Cô Nguyễn Thu Thủy cùng 68 thầy cô Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022 vinh dự được gặp Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Vào một ngày cuối năm 2009, mẹ đưa mình vào huyện Bát Xát nhận quyết định ở phòng giáo dục. Nhận quyết định xong mình đưa mẹ về nhà rồi lên trường luôn. Lần đầu tiên biết đến Bát Xát, thấy đường sao to mà đẹp thế? Nhưng đến Bản Vược mới thấy đường khó đi, đường gì mà toàn đá, dốc, vòng vèo. Cuối cùng mình cũng đến được Pa Cheo. Từng khoảnh ruộng bậc thang thấp thoáng, chừng như lọt thỏm giữa những ngọn đồi, những cung đường khúc khuỷu, dốc núi ngoằn ngoèo, dựng đứng…

Trường học không giống như tưởng tượng của một giáo sinh vừa ra trường khi ấy. Lớp học được làm bằng vầu, mái Fibro xi măng. Phòng ở của giáo viên không phải là nhà, cũng không được gọi là phòng, nó là một túp lều bằng nứa, xung quanh quây những miếng bạt rách che những lỗ thủng. Cửa không có then cài, chỉ có thể khép hờ rồi dùng thanh cây vầu chống. Điện thì không có. Lúc nhìn thấy các em học sinh, thân hình bé nhỏ, gầy gò đang chơi đùa, mình cảm nhận được sự khó khăn của gia đình các em.

Nhớ lại ngày đó, trường mới thành lập được hơn hai năm, đội nghi lễ chưa có, tất cả những gì liên quan đến đội chỉ có một bộ trống đã cũ. Mình bắt đầu xây dựng các loại hồ sơ, đưa hoạt động đội vào nhà trường. Bắt đầu là cái đài chạy bằng pin tích điện, cứ sáng sớm mở nhạc, các em hào hứng lắm, đứng xung quanh cái đài ghi chép bài hát cô giáo mở. Bài hát đầu tiên mình dạy các em là bài “Đi học xa”, bài múa cho hoạt động giữa giờ là bài “Hoa vườn nhà Bác”.

Khi dạy múa, có bạn còn đứng khóc, hoặc không thực hiện theo cô giáo. Mình nhẹ nhàng cầm tay dạy các em, dần dần hoạt động giữa giờ không đơn điệu là bài thể dục bảy động tác nữa, mà thay vào đó là các bài múa, bài nhảy aerobic, bài dân vũ. Vậy là phần múa hát đã cơ bản, mình bắt đầu dạy trống, nghĩa là cầm tay các bạn dạy từng nhịp trống, dạy từng câu cho Liên đội trưởng....

Với sự bền bỉ và lòng yêu nghề, năm 2012, học sinh tham gia cuộc thi Chỉ huy đội giỏi cấp huyện và đạt giải Ba cấp huyện. Thời điểm đó trường vùng cao như Pa Cheo được mọi người biết đến nhiều hơn”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thuỷ (giữa) tận tình chỉ dạy học sinh ngoài giờ học.

Cô giáo Nguyễn Thị Thuỷ (giữa) tận tình chỉ dạy học sinh ngoài giờ học.

Phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Xã Pa Cheo- Bát Xát bà con nơi đây 100% là dân tộc Hmông, đa phần là hộ nghèo. Người dân Pa Cheo sống chủ yếu bằng nghề nông (trồng lúa 1 vụ/năm, trồng ngô 2 vụ/năm, trồng thảo quả 1 vụ/năm), chăn nuôi không phát triển do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Lúc nông nhàn, người dân đi làm thuê cho các công trình xây dựng ở địa phương, hoặc sang Trung Quốc làm cửu vạn. Do là lao động chính trong gia đình nên cứ đến ngày mùa là các em nghỉ học. Đặc biệt với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, các em gái phải ở nhà để giúp bố mẹ, hoặc đi lấy chồng.

Cô Thủy đã đề xuất với nhà trường thành lập Câu lạc bộ bạn gái để giáo dục kĩ năng sống cho các em từ việc tăng cường tiếng Việt cho các em. Với các em học sinh nữ bình thường đã ngại chia sẻ, thì các bạn học sinh nữ người dân tộc H’mông càng ngại chia sẻ hơn, hầu như các em khi đến tuổi dậy thì thường hay sống khép kín, khi cơ thể có sự thay đổi các em còn có tâm lí lo sợ.

Câu lạc bộ Bạn gái là nơi diễn ra các hoạt động tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, trang bị cho các em kiến thức về mọi mặt trong cuộc sống. Đặc biệt là những kiến thức về tâm sinh lý vị thành niên, tình bạn, tình yêu, tình dục an toàn, cách phòng tránh các tệ nạn xã hội, HIV/AIDS, phòng tránh buôn bán phụ nữ, trẻ em, các biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính. Những ngày đầu, thậm chí cô Thủy còn phải khóa cửa lớp học để các em khỏi chạy vì xấu hổ khi học về vệ sinh cá nhân.

Cùng với đó, một số trường hợp các em học sinh nữ có ý định bỏ học về nhà lập gia đình. Thế nhưng nhờ sự can thiệp, kịp thời của các thành viên CLB các thầy cô giáo trong trường mà các em và gia đình đã hiểu về kế hoạch hóa gia đình.

Câu lạc bộ kết hợp với giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách đội, đoàn thanh niên, Ban chấp hành đoàn xã, hội phụ nữ xã, Ban công an xã… để tuyên truyền chăm sóc sức khỏe vị thành niên, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thông qua các hoạt động của CLB, góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác DSKHHGĐ. Đặc biệt là việc cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh ở nam và nữ, từ đó nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

Cô giáo Nguyễn Thu Thủy và những giờ học ngoại khóa thay đổi nhận thức của học sinh nữ PTDTBT THCS Pa Cheo về bình đẳng giới

Cô giáo Nguyễn Thu Thủy và những giờ học ngoại khóa thay đổi nhận thức của học sinh nữ PTDTBT THCS Pa Cheo về bình đẳng giới

“Cô không rời xa các em đâu”

Một ngày của cô Thủy đến lớp dạy chữ, dạy học sinh múa hát, hoạt động đội..., ban tối, đi điều tra phổ cập, vận động trẻ em đến trường. Giờ rảnh, cô cùng các em học sinh nữ trò chuyện, múa hát, hoặc dạy các em học tập. Cô Thủy kể, tuy là cô giáo dạy văn nhưng ở các trường vùng cao, học sinh nói tiếng Kinh còn chưa sõi, viết cái chữ còn sai lỗi chính tả. Lúc đầu nhận ôn học sinh giỏi văn rất khó khăn đối với một cô giáo vừa làm Tổng phụ trách Đội, vừa dạy văn như cô. Mà môn văn lại là điểm yếu của các em, nên liên tục những năm đầu ôn văn, cô không có học sinh giỏi văn cấp huyện.

Giờ đây, học trò cứ lên đến cấp 2, là lại mong ngóng cô giáo Thuỷ dạy văn, xung phong xin vào đội học sinh giỏi của cô Thuỷ. Hiện tại cô đang ôn hai đội học sinh giỏi văn thuộc khối 7 và khối 9. Các em rất chăm ngoan, chịu khó, biết cô giáo không có thời gian ôn chính khoá nên các em chủ động xin ôn ngoài giờ hành chính và buổi tối.

Đến nay, trong các cuộc thi như thi học sinh giỏi, 5 học sinh giỏi cấp huyện thuộc các môn văn hóa thì có đến 4/5 là học sinh nữ. Cuộc thi Nghiên cứu khoa học dành cho học sinh THCS có 3 học sinh đạt giải, có 1/3 là học sinh nữ. Quán quân Rung chuông vàng, các bạn học sinh đạt giải nhì, ba đa phần là học sinh nữ. Đội văn nghệ xung kích, MC nhà trường đa phần là học sinh nữ. Các em học sinh nữ đã có thể tự viết và lên dẫn những chương trình ở nhà trường…

Cô Thuỷ còn dạy học sinh múa hát, hoạt động đội...

Cô Thuỷ còn dạy học sinh múa hát, hoạt động đội...

Pa Cheo những năm gần đây đã có học sinh đỗ nội trú tỉnh, học sinh đi học nghề. Các giải văn hoá có các giải cấp huyện, giải phong trào đã có giải cấp tỉnh. Học sinh Pa Cheo đã không còn sự nhút nhát, rụt rè, mà đã mạnh dạn hơn, hoà nhập hơn với các bạn vùng thấp.

Giờ đây, cô Thủy đã có gia đình riêng với hai con nhỏ. Chồng cô đang công tác tại Trung tâm Viễn thông thành phố Lào Cai. Nhà cô cách trường khoảng 60km nên cô Thủy chỉ về nhà vào cuối tuần.

Năm ngoái, bé gái lớp 1 đã đỗ trạng nguyên cấp tỉnh. Cô nói, bọn trẻ lần lượt xa mẹ về ở với bà ngoại từ 14 tháng tuổi, khi cô bắt đầu cai sữa. Khi phải xa con nhỏ, cô nhớ con thắt lòng, nghe tiếng trẻ khóc cô lại rơi nước mắt. Nhưng thật may, mẹ cô dù không được học hành nhiều, nhưng có lẽ bà đã dạy trẻ bằng tình yêu và những kỹ năng đặc biệt của mình, nên dù con hay cháu ở với bà đều học giỏi.

Về Hà Nội dịp 20.11 vừa qua, học sinh nhớ cô, chỉ lo cô về phố, cô nghẹn ngào nhắn nhủ với học trò mình: “Cô sẽ ở lại với học sinh Pa Cheo đến khi nghỉ hưu! Cô không rời xa các em đâu”…

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy sinh năm 1987 tại Bảo Thắng- Lào Cai. Cô là giáo viên Ngữ văn và tổng phụ trách Trường PTDTBT THCS Pa Cheo (Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai)

Với nhiều sáng kiến và tận tụy hết lòng với bà con Pa Cheo, cô đạt nhiều thành tích cấp trường và cấp huyện.

Cô được Vinh danh trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 do Trung ương Đoàn và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức.

Học sinh PTDTBT THCS Pa Cheo cơ bản đã đủ áo ấm qua các mùa đông lạnh giá

Cô Thủy đã không đành lòng khi nhìn thấy các em đang độ tuổi ăn, tuổi lớn, mặc không đủ ấm, chân đất trong thời tiết lạnh cắt da cắt thịt đến trường, trời lạnh căm căm. Chưa kể, có năm tuyết rơi, nhà các em mất mùa, đến lớp học các em ngồi co ro trong tà áo mỏng, cô Thủy đã vận động cán bộ giáo viên và những người quen biết để xin quần áo cho các em. Cô xin thêm băng vệ sinh, quần áo lót cho học sinh nữ, quần áo diễn văn nghệ cho câu lạc bộ văn nghệ. Dần dần các nhà hảo tâm quen với địa chỉ cô giáo nên chủ động gửi xe hoặc gửi theo bưu điện lên trường cho cô giáo ra lấy. Đến nay, học sinh nhà trường cơ bản đủ áo ấm qua các mùa đông lạnh giá.

Đọc thêm