QTV - Người ta thường ví rằng: Nghề giáo là nghề chèo đò lặng lẽ, thì những thầy cô giáo gieo con chữ nơi vùng cao có lẽ là những người chèo đò lặng lẽ nhất. Họ âm thầm làm công việc nhọc nhằn của mình với cả tấm lòng, sự nhiệt huyết và hi sinh. Câu chuyện sau đây kể về cô giáo trẻ Trần Thị Kiều, trường THCS Phong Dụ, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, một giáo viên luôn miệt mài dạy dỗ và vận động các em học sinh đến trường. Cô là một trong những tấm gương trẻ tuổi tiêu biểu trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”của nhà trường.
Cô giáo Trần Thị Kiều đang giảng bài cho học sinh |
Cô Trần Thị Kiều đã giảng dạy ở trường THCS Phong Dụ được 7 năm nên cô Kiều hiểu được sự thiệt thòi của các em học sinh nơi đây. Bản thân cô cũng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này nên ước muốn cho trẻ em nơi đây được học hành, được có kiến thức luôn ở trong tâm trí của cô giáo trẻ. 7 năm qua không biết bao lần cô giáo Kiều đi vận động học sinh tới lớp, các thôn bản đã quen với bóng dáng nhỏ nhắn của cô giáo trẻ, miệt mài đến từng gia đình vận động trẻ đến trường.
Em Choong Thị Hoa, học sinh lớp 7B của trường THCS Phong Dụ. Em là một học sinh thông minh và nắm bắt kiến thức rất nhanh nhưng do quan niệm và thói quen của gia đình nên thời gian trước đây Hoa liên tục bỏ học, ở nhà làm nương rãy. Cô Kiều đã rất nhiều lần đến nhà Hoa vận động, nói chuyện cho gia đình em hiểu tại sao trẻ em phải đến trường, phải học tập. Nghe theo lời cô giáo, Hoa đã đến trường trở lại nhưng cứ đi được một thời gian lại bỏ, cô Kiều lại tiếp tục đến và động viên. Cô mang cả sách vở đến nhà, dạy cho Hoa những kiến thức em đã bỏ lỡ.
Những nỗ lực của cô giáo Kiều đã có kết quả, trong 2 năm học gần đây, Hoa đã đến trường đầy đủ, không hề có việc bỏ học nữa và em liên tục đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, đặc biệt năm học 2008 – 2009, em đã được nhận học bổng của quỹ tài năng trẻ của huyện Tiên Yên. Hoa tâm sự "Từ nay sẽ không bỏ học nữa, cố gắng chăm chỉ để có kiến thức và không phụ lòng cô giáo Kiều”.
Việc nương rãy chiếm phần lớn thời gian của các em học sinh, sân chơi cũng là đồi nương, các em không được học hát, học múa, chơi các môn thể thao như trẻ em thành phố. Hiểu được điều này, cô Kiều nghĩ chỉ còn cách hướng các em vào các hoạt động tập thể. Cũng chính vì suy nghĩ đó mà công tác đội của trường luôn được cô chăm lo. Các em được tập nghi thức đội, được tập văn nghệ…7 năm làm tổng phụ trách, cô giáo trẻ này đã thu hút đươc rất nhiều học sinh đến trường nhờ công tác đội. Cô giáo Trần Thị Kiều chia sẻ rằng trẻ em nơi đây thiệt thòi nhiều, cô chỉ làm những việc xuất phát từ tấm lòng của một người thầy, mong sao các em sẽ có tương lai tương sáng.
Có lẽ công việc của các thầy cô giáo nơi vùng sâu vùng xa khó có thể nói hết bằng lời, bởi họ không chỉ làm công tác giảng dạy mà còn rất nhiều các việc không tên khác họ đã làm vì tương lai của vùng miền núi. Cô giáo Trần Thị Kiều là một trong số các thầy cô giáo luôn mang trong mình tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề và biết hi sinh cho những mầm non của quê hương mình. Những việc làm của cô giáo trẻ này đã phần nào thực hiện lời dạy của bác Hồ kính yêu dành cho thế hệ trẻ "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”
Hoài Minh