Có hiện tượng mua đi bán lại hàng bình ổn giá

Do giá hàng tại các điểm bình ổn giá thấp hơn giá thị trường, nên xảy ra tình trạng tiểu thương lợi dụng vào mua hàng rồi bán lại để hưởng chênh lệch, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết.
Do giá hàng tại các điểm bình ổn giá thấp hơn giá thị trường, nên xảy ra tình trạng tiểu thương lợi dụng vào mua hàng rồi bán lại để hưởng chênh lệch, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết. Theo ông Đồng, điều này không chỉ xảy ra ở riêng Hà Nội, mà tại TP.HCM cũng không tránh khỏi tình trạng này. Sở đã đề xuất các doanh nghiệp khống chế lượng bán ra, với cách thức một người chỉ được mua một số lượng hàng nhất định. PGĐ Sở Công thương Hà Nội cũng cho hay, đến thời điểm này mọi khâu chuẩn bị, dự trữ hàng hóa phục vụ chương trình “bán hàng bình ổn giá” trong dịp Tết Nguyên đán tới đây đã cơ bản hoàn thành.
Năm 2010 Hà Nội chi 400 tỷ để tạm ứng cho các doanh nghiệp mua dự trữ hàng bình ổn giá
Hiện Sở Công thương đang tiếp tục trình thành phố xem xét cho các doanh nghiệp tạm ứng thêm 50 tỷ đồng, để thực hiện công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội, nâng tổng số tiền lên 400 tỷ đồng chi cho các doanh nghiệp tạm ứng mua hàng dự trữ phục vụ bán hàng bình ổn giá trong năm 2010. Từ ngày 1/7/2010, 13 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đã triển khai được 388 điểm bán hàng bình ổn, với biển nhận diện theo mẫu quy định, hàng hóa đầy đủ, đảm bảo chất lượng. Các điểm bán hàng bình ổn giá không chỉ đặt tại hệ thống siêu thị, cửa hàng mà còn có mặt ở các chợ dân sinh, chợ các huyện ngoại thành. Trong đó có 112 điểm bán hàng lưu động khi thị trường xảy ra biến động về giá để mọi người dân đều được hưởng chương trình bình ổn giá. “Trong 9 nhóm hàng được dự trữ của Hà Nội hiện nay, có thể đáp ứng vượt 15% so với tổng mức tiêu thụ của người dân, nên sẽ không có tình trạng khan hiếm hàng. Đồng thời, các mặt hàng bình ổn sẽ được bán thấp hơn giá trị trường tối thiểu 10%, khi có biến động bất thường về giá cả, nguồn hàng", ông Đồng cho biết thêm. Cũng theo Sở Công thương, trong tháng 10, tổng mức lưu chuyển hàng hóa ước tính khoảng 20.000 tỷ đồng, dự báo trong tháng Tết tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ sẽ tăng thêm từ 20-22% so với các tháng trong năm.Trong khi đó với kinh phí cho bình ổn giá chỉ khoảng 400 tỷ đồng, số tiền này so với tổng mức lưu chuyển là không nhiều. Nên nó chỉ mang tính chất định hướng thị trường, nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời cân đối nguồn hàng, góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá”, ông Đồng nhận định. Sở Công thương cũng đang đề xuất lên Thành phố, cho phép các phương tiện được vận chuyển hàng hoá, lương thực, thực phẩm tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết được phép hoạt động 24/24h, trong các tuyến đường nội thành.
9 nhóm mặt hàng được bình ổn giá

9 mặt hàng thiết yếu được dự trữ gồm: gạo trắng thường, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thuỷ - hải sản, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường, rau củ.

Theo tính toán của Sở Công thương Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng trong thời điểm Tết Nguyên đán cụ thể như sau: Lương thực khoảng 65.000 tấn, thịt lợn khoảng 12.000 tấn, thịt trâu bò khoảng 3.000 tấn, thịt gia cầm khoảng 6.000 tấn…

Theo
Lê Việt
Khoa học Đời sống online

Đọc thêm