Cơ hội kích cầu du lịch từ thị trường mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khi thị trường du khách truyền thống đang có dấu hiệu “dậm chân tại chỗ”, ngành Du lịch nước ta cần tìm kiếm và đẩy mạnh những thị trường tiềm năng mới nhằm bảo đảm tốc độ phục hồi và mục tiêu phát triển.
Đoàn du khách nước ngoài tham gia tour du lịch city tour bằng xe buýt hai tầng tại TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Tuyết/Baotintuc)
Đoàn du khách nước ngoài tham gia tour du lịch city tour bằng xe buýt hai tầng tại TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Tuyết/Baotintuc)

Thị trường du khách truyền thống chưa đạt kỳ vọng

Năm 2019, Trung Quốc từng là thị trường gửi khách nhiều nhất đến các nước Đông Nam Á. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đón tới 5,8 triệu lượt khách, bên cạnh Thái Lan (10,9 triệu), Singapore (3,6 triệu), Malaysia (3,1 triệu), Indonesia (2 triệu). Còn hiện tại, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 6/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 5,6 triệu lượt, tương đương 69% kế hoạch năm 2023, phục hồi 66% mức năm 2019. Trong đó, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2023 với 1,6 triệu lượt (chiếm 28%); Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, chỉ đạt 557 nghìn lượt (chiếm 9,9%).

So với trước đây, số lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam còn quá ít, mức độ phục hồi rất chậm so với kỳ vọng. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ước tính, số lượng du khách Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2023 mới chỉ đạt 25% so với cùng kỳ năm 2019. Ngành du lịch tại các tỉnh, thành như Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa… từng ghi nhận lượng khách Trung Quốc chiếm đa số, cũng phải chấp nhận thực tế lượng khách từ đất nước tỷ dân vẫn chưa đạt kỳ vọng. Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong 4 tháng qua, trung bình Hà Nội đón 25.500 khách Trung Quốc mỗi tháng, so với khoảng 58.000 khách mỗi tháng vào năm 2019.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách Trung Quốc cũng cho biết tình trạng khách thực tế đạt quá thấp so với kỳ vọng. Đơn cử, đại diện Công ty Tập đoàn Lữ hành Quốc tế Toàn cầu Việt Nam chia sẻ với báo chí, trước dịch, số đoàn khách Trung Quốc đến Hà Nội và TP HCM của công ty này đạt trung bình 20 - 30 đoàn mỗi tháng, cao điểm có thể lên đến 50 đoàn, nhưng hiện nay việc duy trì 4 - 5 đoàn mỗi tháng đã rất khó khăn. Đáng nói, đoàn khách du lịch đúng nghĩa rất ít, chủ yếu là khách hội chợ, khảo sát… Điều này là một trong những yếu tố khiến khả năng chi tiêu của thị trường khách Trung Quốc sụt giảm.

Không riêng Việt Nam, ngành du lịch các nước Đông Nam Á từng phụ thuộc vào khách Trung Quốc trong quá khứ cũng đang chuyển hướng tìm kiếm các thị trường mới bởi tình trạng “đói” khách Trung Quốc. Các thị trường du lịch phục hồi nhanh chóng như Singapore, Thái Lan cũng đều ghi nhận số lượng khách Trung Quốc đến thăm các nước này ở mức đáng thất vọng so với dự kiến. Theo dữ liệu của Hội đồng Du lịch Singapore, trong 5 tháng đầu năm, số khách Trung Quốc đạt hơn 310.000 lượt, chỉ bằng khoảng 20% so với con số 1,55 triệu cùng kỳ năm 2019. Thậm chí, trong mùa cao điểm như dịp nghỉ hè, thị trường khách Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á vẫn không cho thấy sự tăng trưởng đáng kể.

Tìm kiếm cơ hội mới

Trong khi thị trường khách Trung Quốc đang có dấu hiệu “dậm chân tại chỗ”, ngành Du lịch nước ta cần tìm kiếm và đẩy mạnh những thị trường tiềm năng khác nhằm bảo đảm tốc độ phục hồi và phát triển du lịch đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, thị trường khách du lịch cao cấp Campuchia đang cho thấy nhiều tiềm năng phát triển trong nửa đầu năm 2023 khi nước này nằm trong top 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu đến Việt Nam với 198.000 lượt, tốc độ tăng trưởng 338% so với cùng kỳ năm 2019. Điều đáng chú ý là mức chi tiêu của phân khúc du khách này tương đối cao, nhu cầu hưởng dụng các loại hình du lịch khác nhau cũng ngày càng đa dạng.

Trước đây, phần lớn khách Campuchia sang Việt Nam để khám, chữa bệnh nhưng sau dịch có thêm nhiều du khách tham quan các tỉnh biên giới và các tỉnh, thành khác của Việt Nam với mục đích nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Vietravel, một trong những công ty lữ hành có nhiều năm kinh nghiệm tổ chức tour đưa khách Campuchia tham quan Việt Nam, ước tính tổng chi phí một tour từ Campuchia đi Hà Nội - Hạ Long có thể lên tới 800 - 900 USD mỗi người, tương đương với chi phí tour đi Hàn Quốc.

Nhiều bờ biển đẹp và đồ ăn ngon là những lý do hút khách Campuchia đến Việt Nam. Bên cạnh đó, với lợi thế gần về vị trí địa lý, khách Campuchia đến Việt Nam hiện tại chủ yếu thông qua đường cửa khẩu, khiến chi phí rẻ, có thể di chuyển bằng xe khách thuận lợi, quá trình làm thủ tục thông quan không khó khăn. Một trong những trọng điểm đón khách Campuchia đến Việt Nam bằng đường bộ chính là cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Theo đó, thị trường khách Campuchia đã và đang đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình phục hồi và tăng trưởng du lịch của tỉnh này.

Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh cũng chủ động xác định việc đẩy mạnh khai thác các tour du lịch phục vụ khách Campuchia thông qua các hoạt động như: liên tục tổ chức các đoàn Famtrip kết nối với điểm du lịch của Campuchia, quảng bá hình ảnh du lịch Tây Ninh đến du khách Campuchia, gắn kết các công ty lữ hành của Campuchia và Tây Ninh… Ngành Du lịch TP HCM cũng ngày càng nhìn nhận tầm quan trọng của thị trường khách quốc tế tiềm năng này. Trong tháng 6, đoàn xúc tiến du lịch của Sở Du lịch TP HCM đã đến Phnom Penh công bố các chương trình hợp tác giữa TP HCM và Campuchia, vừa nhằm quảng bá các điểm mạnh của du lịch địa phương, vừa giới thiệu các gói sản phẩm du lịch y tế dành cho dòng khách này.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường Ấn Độ có sự tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 141.000 lượt khách, đứng thứ 10 trong số các thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam. Theo thống kê, năm 2022, tổng số khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt 137.900 lượt, xếp thứ 9/10 thị trường khách quốc tế hàng đầu đến Việt Nam. Hiện 3 Hãng Hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Indigo (Ấn Độ) đang khai thác 21 đường bay thẳng với hơn 60 chuyến bay mỗi tuần kết nối giữa các thành phố lớn của Việt Nam và Ấn Độ.

Qua khảo sát, trao đổi với cơ quan quản lý tại địa phương, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, khách Ấn Độ là đối tượng khách hàng tiềm năng nhưng không dễ khai thác. Muốn nắm bắt được tâm lý, phục vụ tốt nhất đối tượng khách du lịch này, các đơn vị du lịch cần sẵn sàng một đội ngũ nhân lực du lịch hiểu về văn hóa, thói quen sinh hoạt, cũng như ẩm thực của người Ấn Độ. Thực tế ở nước ta hiện nay, đội ngũ hướng dẫn viên có kinh nghiệm phục vụ khách Ấn Độ không nhiều. Các địa điểm kinh doanh phục vụ ẩm thực Ấn Độ còn ít. Do đó, muốn đón đầu “làn sóng” khách Ấn Độ, du lịch Việt Nam cần có kế hoạch đầu tư hạ tầng phục vụ riêng, đáp ứng nhu cầu đặc thù liên quan đến thói quen sinh hoạt, ẩm thực riêng biệt.

Có thể thấy, ngành Du lịch nước nhà vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng của các dòng khách đến từ những thị trường mới. Nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch, lữ hành vẫn chưa đánh giá đúng tiềm năng của các thị trường khách quốc tế mới này, dẫn đến các tour còn đơn điệu, nhiều điểm đến và hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch chưa đa dạng sản phẩm, dịch vụ để tạo lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến tới các thị trường mới cũng còn hạn chế…