Cơ hội mới cho hơn 30.000 người lao động tại Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhu cầu tuyển dụng người lao động của nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An tăng cao, ước tính hơn 30.000 người.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 người lao động tới tư vấn việc làm và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Thiên Ý
Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 người lao động tới tư vấn việc làm và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Thiên Ý

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, thời điểm đầu năm, nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Nghệ An tăng cao.

Tính đến thời điểm hiện nay, số lao động mà các doanh nghiệp cần tuyển là hơn 30.000 người.

Các doanh nghiệp tuyển dụng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: may mặc, sản xuất giày da, sản xuất thép, linh kiện điện tử, cơ khí...

Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn chủ yếu là may mặc với gần 8.500 người; sản xuất giày da gần 3.500 người; đồ điện tử, linh kiện gần 2.300 người.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An. Ảnh: Thiên Ý

Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An. Ảnh: Thiên Ý

Ông Trần Hữu Thượng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết, sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, số lượng lao động đến làm chính sách bảo hiểm thất nghiệp và tư vấn việc làm tăng cao, trung bình mỗi ngày khoảng 1.000 người.

Trước tình hình đó, Trung tâm đã phối hợp mời các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng về tổ chức các buổi giao dịch cho người lao động. Đồng thời, đơn vị cũng tư vấn cho các doanh nghiệp cần có các chính sách, chế độ phúc lợi phù hợp để tuyển dụng được lao động.

"Xu hướng tìm việc của người lao động năm 2024 sẽ thay đổi theo hướng làm việc linh hoạt, trong đó mức lương là nhân tố then chốt khi lựa chọn nơi làm việc của người lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải cân nhắc kỹ về lương và chế độ phúc lợi trước khi tuyển dụng", ông Thượng nói.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An làm chính sách bảo hiểm thất nghiệp và tư vấn việc làm.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An làm chính sách bảo hiểm thất nghiệp và tư vấn việc làm.

Theo ông Thượng, người lao động cần liên tục cập nhật về tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng, nắm bắt yêu cầu của nhà tuyển dụng, chủ động học hỏi để phát triển các kỹ ngoại ngữ như tiếng Trung, tiếng Anh và thích ứng với thay đổi về kỹ năng, kinh nghiệm, công nghệ số; đặc biệt là phải nắm bắt các xu hướng làm việc mới.

"Từ mùng 6 Tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay (22/2 dương lịch), Trung tâm đã kết nối tìm kiếm được việc cho hơn 300 người".

Về thị trường lao động ngoài nước, Hàn Quốc được nhiều lao động trong tỉnh Nghệ An lựa chọn, nhất là sau khi Hàn Quốc đã mở cửa trở lại với 3 địa phương ở Nghệ An là Nghi Lộc, Hưng Nguyên và thị xã Cửa Lò. Trước tết, Nghệ An đã tiếp nhận hơn 6.000 hồ sơ đăng ký thi tiếng Hàn và số lao động đăng ký đến từ các địa phương này chiếm khá lớn.

"Hiện nhiều lao động trong tỉnh đang có xu hướng tìm đến thị trường lao động nước ngoài do sức hút về thu nhập cao gấp nhiều lần thu nhập trong nước", ông Thượng chia sẻ thêm.

Năm 2023, toàn tỉnh Nghệ An giải quyết việc làm cho trên 45.500 người. Trong đó, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 24.000 người, chiếm hơn 53% lao động được giải quyết việc làm của tỉnh.

Đọc thêm