Cơ hội tạo đà phát triển du lịch Hải Phòng

Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội cận kề, nhiều hoạt động chào mừng đang diễn ra sôi nổi tại các địa phương. Người dân thành phố Cảng tự hào với những công trình chào mừng Đại lễ như Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (Kiến Thụy), tháp Tường Long- chùa Tháp (Đồ Sơn) và đền Gắm (Tiên Lãng).

Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội cận kề, nhiều hoạt động chào mừng đang diễn ra sôi nổi tại các địa phương. Người dân thành phố Cảng tự hào với những công trình chào mừng Đại lễ như Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (Kiến Thụy), tháp Tường Long- chùa Tháp (Đồ Sơn) và đền Gắm (Tiên Lãng).

 

Lễ rước bảo đao của Mạc Thái Tổ về trưng bày tại Khu tưởng niệm

Ảnh: Duy Lân

Từ công trình văn hóa, tâm linh

 

Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Vũ Đình Hưng cho biết, trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại khu vực tháp Tường Long, chùa Tháp. Do vậy, đơn vị xây dựng tháp Tường Long, chùa Tháp đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện những hạng mục như khuôn viên và chùa Tháp, nhà che hố móng tháp... Quận Đồ Sơn và Thành hội Phật giáo Hải Phòng phối hợp chặt chẽ hoàn thành một số hạng mục này, đón người dân và du khách.

 

Cùng với Đồ Sơn, huyện Kiến Thụy có Dự án Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, một trong 3 công trình của thành phố chào mừng đại lễ. Giai đoạn 1 của dự án hoàn thành sau gần một năm thi công. Để chuẩn bị cho sự kiện khánh thành công trình nhà Chính điện đúng dịp diễn ra đại lễ, huyện Kiến Thụy tổ chức lễ cung rước tượng các vua nhà Mạc từ Từ đường họ Mạc về khu vực nhà Chính điện; thực hiện các nghi thức đúc Đại hồng chung; lễ tế, cung rước bảo đao của Mạc Thái Tổ…

 

Một trong những hoạt động tạo sự quan tâm, chú ý không chỉ của những nhà khoa học mà còn đối với đông đảo nhân dân thành phố là hội thảo khoa học “Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam” do Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội, Hội Sử học Hà Nội phối hợp tổ chức tại Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội. Đây là hội thảo tiếp nối các hội thảo trước, khẳng định những đóng góp của Vương triều nhà Mạc thời kỳ ở Thăng Long (1527-1592) cũng như vai trò và đóng góp của nhà Mạc trong lịch sử dân tộc. Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Kể khẳng định, hội thảo là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, không chỉ đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của con cháu hậu duệ họ Mạc trong không khí cả nước hướng tới đại lễ mà còn thể hiện tấm lòng tri ân của thế hệ sau về những đóng góp của Vương triều Mạc đối với lịch sử dân tộc.

 

Cùng với công trình tháp Tường Long- chùa Tháp và khu tưởng niệm Vương triều Mạc, đền Gắm nằm trong 3 công trình của thành phố chào mừng đại lễ. Các đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục chính của đền trước dịp diễn ra đại lễ. Hội thảo khoa học “Đền Gắm – Di tích lịch sử văn hóa thời Lý” với những nghiên cứu về di tích, nét lịch sử, kiến trúc đặc trưng của thời Lý được tổ chức trong dịp này.

 

Đến hoạt động chào mừng đại lễ

 

Những hội thảo và hoạt động văn hóa gắn liền với các công trình, di tích của thành phố chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội được tổ chức thu hút sự quan tâm, chú ý của người dân và du khách. Chắc chắn trong dịp đại lễ, nhiều du khách trong và ngoài nước đến Hà Nội dự đại lễ mong muốn về Hải Phòng tìm hiểu và thưởng ngoạn những công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và kiến trúc gắn liền với thời Lý của dân tộc. Đó cũng là một trong những lý do để tuần lễ văn hóa thể thao và du lịch Hải Phòng lần thứ nhất được tổ chức chào mừng kỷ niệm đại lễ. Nhiều hoạt động được tổ chức như trưng bày gần 250 gian hàng ngoài trời và 30 gian hàng ẩm thực; hội thi lân sư rồng toàn thành phố lần thứ 2; giải bóng đá doanh nghiệp Hải Phòng mở rộng; bóng bàn các đội mạnh thành phố; lễ hội bia; biểu diễn thư pháp- ký họa; trình diễn của các nghệ nhân làng nghề; triển lãm cổ vật; ca múa nhạc thời trang… Đặc biệt, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và du lịch Nguyễn Anh Tuân: Một hoạt động rất ý nghĩa và ấn tượng trong dịp này, đó là lễ hội ẩm thực 1000 hương vị dâng lên đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và sẽ được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là lễ hội có nhiều hương vị nhất từ trước đến nay.

 

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Thương mại ICC, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại DG và gia đình ông Đặng Ngọc Chuyển dâng cúng Đại Hồng Chung nặng 1.500 kg được chế tác tinh xảo với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng, góp phần làm phong phú hiện vật Khu tưởng niệm Vương triều Mạc. Các đơn vị và gia đình ông Chuyển tìm đến các cơ sở đúc đồng truyền thống ở Nam Định, Thanh Hóa, thành phố Huế… tìm chọn nghệ nhân tinh hoa chuyên đúc chuông đồng. Cơ sở đúc đồng của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Sính ở thành phố Huế được lựa chọn. Đây là nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm đúc chuông cho các vương triều, các khu tưởng niệm lớn trong cả nước.

 

Như vậy, Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, bên cạnh ý nghĩa chính trị, sự kiện văn hóa lớn của dân tộc, với Hải Phòng, các công trình, hoạt động thiết thực không chỉ chào mừng và góp phần vào thành công của đại lễ mà còn là cơ hội, cú hích tạo đà để du lịch Hải Phòng phát triển, thu hút ngày càng đông khách du lịch trong nước và quốc tế.

 

Văn Lượng

Đọc thêm