Cơ khí xây dựng Thăng long: “Lấy ngắn nuôi dài” để phát triển

 Năm 2010, xí nghiệp cơ khí xây dựng Thăng Long có doanh số hoạt động hơn 216 tỷ đồng, là một trong những đơn vị thành viên Liên minh HTX Hải Phòng về đích sớm và có tốc độ tăng trưởng cao hơn 15% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2010, xí nghiệp cơ khí xây dựng Thăng Long có doanh số hoạt động hơn 216 tỷ đồng, là một trong những đơn vị thành viên Liên minh HTX Hải Phòng về đích sớm và có tốc độ tăng trưởng cao hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Xí nghiệp giải quyết việc làm ổn định cho hơn 100 lao động thường xuyên và 150 lao động thời vụ với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng.

Xí nghiệp là đơn vị hoạt động theo luật HTX. Trước đây, xí nghiệp là HTX cơ khí Thăng Long (quận Hồng Bàng) vang bóng một thời với sản phẩm khung xe đạp và một số loại phụ tùng. Khi chuyển đổi cơ chế , HTX nhanh chóng đi xuống và có nguy cơ “phá sản” do lúng túng trong quá trình chuyển đổi cơ chế, không thích nghi với cơ chế thị trường; lao động đông nhưng không tinh và những thế mạnh trước lại cản trở quá trình đổi mới…Đỉnh điểm của sự khủng hoảng khi xí nghiệp chuyển sang kinh doanh khách sạn, do thiếu kinh nghiệm nên thua lỗ kéo dài, phải trả nợ bằng tài sản cố định cho ngân hàng. Người lao động nghỉ việc và chuyển đi cơ sở khác…ban chủ nhiệm cũ không gánh vác được cũng nghỉ…Trước những khó khăn tưởng chừng khó vượt qua, anh Nguyễn Văn Chung cùng một số thợ bậc cao quy tụ nhau quyết tâm đoàn kết khôi phục sản xuất, vẫn giữ thương hiệu “Thăng Long”. Việc đầu tiên là thanh lý một số thiết bị, nhà xưởng, chỉ  giữ lại địa điểm 57, phố Lý Thường Kiệt là nơi khởi nghiệp lại của quá trình mới theo mô hình kinh tế tập thể, hoạt động theo luật HTX với tên gọi mới . Tận dụng thiết bị, khuôn mẫu còn lại, đội ngũ thợ bậc cao, giám đốc và ban lãnh đạo đóng góp vốn đầu tư để duy trì sản xuất một số sản phẩm truyền thống, tập trung chế tạo các vật dụng để làm một số mặt hàng cơ khí phục vụ lĩnh vực xây dựng cơ bản được thị trường chấp nhận.Có nhiều việc phải làm lại từ đầu như sản xuất những chi tiết  ke cửa các loại , cửa sổ hoa thoáng, bản lề, chốt cửa… Tuy là những sản phẩm nhỏ, doanh số không lớn nhưng lại mở ra một hướng đi mới nhiều triển vọng. Xí nghiệp  mạnh dạn đầu tư thiết bị và phương tiện hiện đại vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, ký hợp đồng sản xuất thi công kết cấu thép cho Nhà máy dệt nhuộm Tân Vĩnh Hưng, Thủy tinh Saminguel Hải Phòng, kết cấu thép VRO tại Hưng Yên, SEIYO Việt Nam , nhà máy Kâiyng Việt Nam…Thị trường được mở rộng, sản phẩm khung thép tiền chế của doanh nghiệp được lắp đặt ở Hải Phòng, Quảng Ninh…đưa doanh số năm 2005 lên tới hơn 44 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 177 triệu đồng.

Công nhân xí nghiệp cơ khí xây dựng Thăng Long vận hàn máng gia công kim loại.
Công nhân xí nghiệp cơ khí xây dựng Thăng Long vận hàn máng gia công kim loại.

Giai đoạn khó khăn nhất đã qua, uy tín của doanh nghiệp dần được khôi phục và khẳng định trên thị trường.Từ năm 2005 đến nay đánh dấu bước phát triển mới của xí nghiệp với phương án táo bạo là liên kết với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất bê tông thương phẩm. Sản phẩm mới ra đời khi thị trường đã có một số doanh nghiệp cung cấp, nhưng với bước đi vững chắc,tự tìm kiếm khách hàng, xí nghiệp  tham gia cunng cấp  toàn bộ bê tông thương phẩm cho các dự án Nhà máy Nhiệt điện Hà Khánh (Quảng Ninh), Trung tâm thương mại Thùy Dương Plaza, công trình âu đà nhà máy đóng tàu Nam Triệu, cầu vượt Quán Toan…Cách thức tiếp cận thị trường của xí nghiệp là từ xa về gần, tìm các khách hàng ở các tỉnh ngoài để gây dựng thương hiệu và giải quyết việc làm, tận dụng hệ thống thiết bị mới đầu tư. Đây là phương thức “lấy ngắn nuôi dài” trong quá trình phát triển, tìm kiếm việc làm theo phương án đa dạng sản phẩm và phương thức dịch vụ. Nhờ đó, xí nghiệp tham gia vào thi công nhiều công trình trên địa bàn Hải Phòng, tạo tốc độ tăng trưởng cao và hoàn thành được các chỉ tiêu năm nay trong điều kiện khó khăn và ảnh hưởng “rơi rớt” của khủng hoảng kinh tế.

Những kinh nghiệm được lãnh đạo xí nghiệp rút ra trong quá trình khôi phục và phát triển bền vững là quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, tuyển dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuât có trình độ chuyên môn giỏi, khả năng cập nhật kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và chăm lo đời sống của người lao động. Đặc biệt là việc lựa chọn đối tác trong quá trình hợp tác đầu tư, chọn phương sản xuất theo từng giai đoạn để  đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng hiện đại, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh và luôn coi trọng ý kiến khách hàng, trong lĩnh vực xây dựng lấy chất lượng và tiến độ để đánh giá năng lực và uy tín của doanh nghiệp.

                                                                           Minh Nguyệt

Đọc thêm