Trong hành trình nghiên cứu, khảo sát công phu đi tìm lại sự tích về Bà Chúa Kho, một số nhà sử học đương đại nhận ra ở Hà Nội cũng có một người phụ nữ trong lịch sử chính thức được công nhận là Bà chúa trông coi kho tàng, các quyết định này được thánh chỉ và các đạo sắc phong. Bà Chúa Kho đất Hà Thành được thờ phụng ở đình Giảng Võ (ngõ 612, phố Đê La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba Đình).
Một góc đình Giảng Võ |
Tài sắc vẹn toàn
Bà Chúa Kho được thờ phụng ở đình Giảng Võ tên thật là Lý Thị Châu Nương, sinh ngày 12/2 âm lịch. Cha bà là Lý Quýnh, quê ở làng Cổ Pháp (nay thuộc xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), làm chức Điện hộ binh lương đời nhà Trần, chuyên giữ gìn kho lương cho quân lính. Khi đến đóng quân trong kinh thành, ông cưới vợ ở phường Võ Trại (Giảng Võ ngày nay), rồi hạ sinh bà ở đó.
Thuở nhỏ, Lý Thị Châu Nương theo học ở phường Bích Câu, nổi tiếng là người văn võ song toàn lại có nhan sắc vô cùng diễm lệ. Năm bà 18 tuổi thì người cha mất. Sau thời gian cư tang, bà nhận lời về làm vợ một viên Thái bảo họ Trần, làm chức Đốc bộ ở châu Hoan (nay là Nghệ An và Hà Tĩnh) rồi theo chồng về nơi sinh sống mới.
Đến thời vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308), giặc Nguyên sang xâm lược nước ta. Một cánh tiên phong của quân Nguyên từ Chiêm Thành tiến đánh châu Hoan. Gặp lúc quan Thái bảo bận đi cự giặc ở bên ngoài nên châu Hoan bị vây riết. Không hề nao núng, Châu Nương buộc tóc giả trai, đem hai ngàn gia binh kiên cường chiến đấu, không cho giặc vào cướp phá. Khi Trần Thái bảo trở về, hai vợ chồng hợp quân đánh cho giặc phải lui về châu Bố Chính (Quảng Bình ngày nay).
Được tin quan Thái bảo thắng trận, nhà vua triệu hai vợ chồng về kinh khen thưởng. Trần Thái bảo được giao chức Tiền quân Thánh Dực, chỉ huy một đạo quân hộ vệ nhà vua. Châu Nương thì nhận nhiệm vụ trông coi kho tàng ở kinh đô Thăng Long.
Bấy giờ đạo chủ lực của quân Nguyên từ phía Bắc bắt đầu tiến đánh nước ta. Thế giặc quá mạnh, quân triều đình phải rút khỏi kinh đô để bảo toàn lực lượng. Quan Thái bảo chỉ huy một đạo quân đi chặn giặc ở Thao Giang, không may tử trận ở đó. Nén đau thương, người vợ vẫn đôn đốc quân lính, một mặt đương cự giặc, một mặt bí mật di chuyển, bảo vệ các kho tàng của triều đình. Từ đó cho đến lúc triều đình đại phá quân xâm lược, kho tàng lương thảo của kinh đô dưới sự bảo hộ của Châu Nương vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.
Sau ngày đất nước ca khúc khải hoàn, vì quá thương nhớ, Châu Nương đã dùng một dải lụa hồng, tử tiết theo chồng. Đó là ngày 20/7 theo âm lịch. Vua Trần vô cùng thương tiếc người phụ nữ tài sắc vẹn toàn đã theo công trạng lúc sinh thời mà phong bà là "Quản chưởng Quốc khố Công chúa" (tức Công chúa trông coi kho tàng của nhà nước). Lại sắc cho Võ Trại và vùng châu Hoan lập đền thờ bà, riêng dân chúng Võ Trại được miễn mọi loại thuế khóa, tạp dịch để chú tâm thờ phụng Bà chúa Kho.
Chân dung Bà Chúa kho Hà Thành |
Bà Chúa “kiêm nhiệm” Thành hoàng
Cụ Nguyễn Bá Ngọ, thủ từ đình Giảng Võ, cho biết lúc đầu nơi thờ tự Bà chúa Kho chỉ là đền, sau này dân chúng tôn bà làm "Quốc khố đại vương phu nhân Thánh mẫu" tức là bậc Thành hoàng nên đền được dựng thành đình. Thể theo ý dân, nhà vua đã xuống 13 đạo sắc, phong bà là "Anh linh hiển ứng kho nương Công chúa". Tiếc là qua thời gian chiến tranh loạn lạc, các đạo sắc phong cũng như nhiều công trình cổ đã bị thất lạc, tàn phá.
Đình Giảng Võ ngày nay đã được trùng tu nhiều lần vào các năm 1952 và năm 1994, tuy nhiên kiến trúc vẫn dựa trên những dấu tích cũ. Cổng tam quan mang tên Bảo Khánh Môn khi xưa vẫn còn lại dấu tích của bốn viên đá xanh cỡ lớn. Sân đình có hai miếu nhỏ thờ hai nàng hầu của Bà Chúa Kho. Chính giữa là nhà phương đình được dựng lại năm 1998 với những hàng cột chống to bằng xi măng. Phía sau là tòa đại đình với các nét chạm trổ hổ phù, phượng vũ, mây, cá hóa rồng...
Ngoài ra, trong khuôn viên đình còn có bốn con nghê đá, hai tấm bia đá và một số trụ đá trước đây dùng làm chỗ kê cột đình. Quanh đình cũng còn một số dấu tích như bãi ngựa, khu sọt cỏ, gò cơm, tương truyền là nơi bà Châu Nương buộc ngựa và cho ngựa ăn. Các nhà khảo cổ học cũng đã thám sát khu vực này, phát hiện và sưu tầm được nhiều hiện vật có giá trị như đạn đá, phác vật cổ, nỏ, gốm sứ thời Lê...
Điều đặc biệt, theo cụ thủ từ là dù chiến tranh tàn phá nhưng hậu cung của Bà Chúa Kho hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Nơi đó có long ngai, tượng thờ và họa hình của bà Châu Nương được chép lại từ những thư tịch cổ. Ngoài ra, đình Giảng Võ còn lưu giữ được hai tấm bia cổ không hề có chữ. Cụ thủ từ cho biết: "Người xưa truyền lại rằng hai tấm bia chưa khắc chữ và được đặt nằm xuống. Lý do vì sao thì đến nay vẫn chờ các nhà nghiên cứu giải thích".
Di tích cổ nhất của đình là hai toà nhà tả mạc và hữu mạc nằm bên toà đại đình. Tuy cũng đã qua tu bổ nhưng vẫn còn sót lại một số nét kiến trúc cuối thế kỉ 19, có kết cấu vì kèo quá giang, xây kiểu đầu hồi bít đốc với các trụ xây vuông đỡ mái, trong đó có hai trụ được trang trí lồng đèn và các hình hoa lá, rồng mây, đỉnh trụ là hình hai con nghê quay mặt vào nhau.
Sử sách lưu lại, ngoài nơi thờ phụng chính là Đình Giảng Võ, Bà Chúa Kho Lý Thị Châu Nương còn được thờ vọng ở 22 địa điểm khác. Nhưng đến nay, mới chỉ có Đền Phủ (nằm ở trung tâm thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) biết gốc tích để tìm về góp lễ. Hàng năm, người dân địa phương thường tổ chức các lễ hội đơn sơ, gọn nhẹ nhưng không kém phần thành kính để tưởng nhớ người phụ nữ tiết liệt.
Cụ thủ từ kể chuyện nguồn gốc ngôi đình |
Lễ hội diễn ra vào hai ngày 12/7 và 20/7 âm lịch (ngày sinh và ngày mất của bà). Sau khi được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1994, vì Bà Chúa Kho cũng là Thành hoàng nên địa phương phối hợp với Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam, tổ chức lễ rước bài vị và bát hương của bà, cầu cho quốc thái dân an. Lễ hội này diễn ra vào ngày 23/12 âm lịch hàng năm.
Cụ thủ từ khẳng định: "Theo chính sử, thì bà Châu Nương mới đúng là Bà Chúa trông coi kho lương". Tuy nhiên, việc thờ phụng bà chỉ mang ý nghĩa tướng nhớ công đức của một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đã có công lớn trong việc chống giặc ngoại xâm bảo vệ kho tàng nhà nước. "Bởi vậy, lễ hội vào các ngày sinh, hóa của ngài đều được địa phương tổ chức rất giản dị, không mang ý nghĩa cầu tài, cầu lộc hoặc vay tiền mượn của", cụ thủ từ chia sẻ.
Trần Việt Quỳnh