Có một hành trình hậu ly hôn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ly hôn, không phải chỉ là lúc cặp vợ chồng ra toà ký vào lá đơn chia tay là “xong”- mà là cả một thời gian rất dài. Từ sự rạn nứt có tên và không tên, thời điểm đổ vỡ, và cuộc gom nhặt lại bản thân của mỗi người sau đó. Rất nhiều khi, giai đoạn khốc liệt nhất là giai đoạn thứ ba…
Có một hành trình hậu ly hôn

Xoay xở trong vụn vỡ và khắc nghiệt

Nhà báo Chu Hồng Vân đã tiếp cận, chia sẻ, đồng hành cùng những người mẹ, người vợ, người chồng, người con… trong quá trình vùng vẫy phục hồi sau đổ vỡ hôn nhân. Mà điều đầu tiên là họ đã dám kể ra câu chuyện và đối diện với vấn đề của bản thân khi chị đi tìm nhân vật cho dự án.

Và chị đã mang đến cái nhìn cận cảnh về ly hôn, kể lại những câu chuyện chân thực sắc nét từ nhiều góc độ, cho thấy những người cha đã vụn vỡ thế nào? Những người mẹ đã chịu đựng điều gì? Và ám ảnh nhất là những đứa trẻ - chúng đã xoay xở để sống với nỗi đau ra sao?

Chân dung của ly hôn không bàn về việc vì sao người ta ly hôn, không phân xử ai là người có lỗi, mà tập trung vào giai đoạn sau khi ký đơn chia tay. Những người lớn đã chịu đựng những gì, họ vượt qua điều đó thế nào, vết thương nào còn hay hết? Và đặc biệt, những đứa trẻ - chúng ở đâu trong quyết định của bố mẹ?...

Chúng ta sẽ gặp ở đây một người mẹ như chị Thanh Tú, chồng đi du học rồi “mất tích” luôn… mười hai năm. Một ngày anh trở về, thản nhiên bước vào nhà. Cuộc ly hôn diễn ra, nhưng tổn thương mà đứa trẻ và người mẹ đã mang khiến cuộc kiếm tìm hạnh phúc mới của họ vô cùng khó khăn.

Chúng ta sẽ gặp Nam, cậu bé cứ đến tiết học cuối là gần như phát điên! Vì đấy là lúc mẹ cậu chờ ở cổng trường chỉ để được nhìn cậu một lát! Bố mẹ cậu ly hôn và bố cấm mẹ gặp cậu. “Đến chết chắc tôi cũng không thể nào quên giây phút cô giáo chủ nhiệm đưa con ra gặp tôi. Con thay đổi khá nhiều trong những ngày xa mẹ khiến tôi mường tượng con đã không được chăm sóc chu đáo. Ý nghĩ đó làm lòng tôi đau như xát muối. Mẹ con tôi ôm nhau. Tôi được ôm đứa con bằng da thịt chứ không phải nằm mơ nữa. Đó là một khoảnh khắc hạnh phúc mà tôi không bao giờ quên”, nhân vật Hằng kể về khoảnh khắc cô gặp lại con kể từ ngày chồng cô mang con đi mất.

Đấy là anh Thảo, người cha bị phá hủy tới trầm cảm sau cuộc ly hôn. “Cuộc đời anh như cỗ xe xuống dốc không phanh. Thảo để lại ngôi nhà cho vợ và con gái, anh dọn về căn hộ tập thể cũ được trường phân cho từ nhiều năm trước… Anh bắt đầu những ngày giải khuây bằng rượu. Không uống, anh không thể nào ngủ được. Có những đêm anh uống rượu cùng thuốc an thần. Thảo bê bết đến mức phải xin nghỉ làm ở trường. Anh không đủ bình tĩnh và sức khỏe để đảm nhiệm công việc”.

Đó còn là trận chiến rùm beng trên mạng xã hội của Minh và chồng cũ. Khởi đầu từ việc cô viết facebook tố chồng cô cấm đoán cô gặp con. Bạn bè, dư luận lao vào phản đối, phê phán bố bọn trẻ khiến cô khá hả hê. Nhưng người chồng cũ cũng không phải dạng vừa, anh gửi đơn kiện vợ cũ ra tòa vì đã vu khống, ảnh hưởng đến uy tín anh.

“Minh mô tả về “thế trận” của cô và chồng cũ: cô có hậu thuẫn của người thân, luật sư, nhân viên của một tổ chức bảo vệ phụ nữ. Anh cũng có một “lực lượng” tương tự như vậy, sẵn sàng tư vấn, bày cách để ứng phó với phe đối đầu khi có bất cứ động thái mới”.

Thực tế, tình yêu và hôn nhân là một mối quan hệ phức tạp. Khi người ta gắn kết mình với một người xa lạ về dòng tộc, người ta đặt vào đó rất nhiều niềm tin và cả một phần bản ngã của mình. Vì thế khi mối quan hệ đổ vỡ, nó kéo theo sự sụp đổ niềm tin và cả sự mất mát bản thể. Điều ấy thường gây ra những cảm xúc cực đoan và hành xử điên rồ.

Bởi thế, ly hôn không bao giờ là “xong” ở thời điểm lá đơn được ký, nó là cả một quá trình sắp xếp, hàn gắn, phục hồi, gom nhặt lại bản thân sau đổ vỡ. Nhưng người ta có thể thành công, hoặc không.

Nhiều nhức nhối hơn thế…

Chân dung của ly hôn không gợi ý việc cố gắng níu giữ cuộc hôn nhân không còn hạnh phúc. Mà chỉ tập trung chỉ ra các vấn đề mà người cha, người mẹ, những đứa con có thể gặp phải. Để từ đó cha mẹ có cách hành xử phù hợp để vẫn có thể đón nhận hạnh phúc phía trước và điều quan trọng: hãy nhìn về phía những đứa trẻ.

Nhà báo, tác giả Chu Hồng Vân. (Ảnh: VH)

Nhà báo, tác giả Chu Hồng Vân. (Ảnh: VH)

Ám ảnh và xót xa nhất trong những câu chuyện này luôn luôn là những đứa trẻ. Chúng ở đâu trong quyết định của bố mẹ? Chúng phải lựa chọn sống với ai trước tòa? Chúng làm gì khi bị bố cấm cản gặp mẹ? Chúng loay hoay để tồn tại ra sao khi bố mẹ mê mải “chiến đấu” với nhau, về việc ai nuôi con bao nhiêu ngày, ai bỏ ra bao nhiêu chi phí…

Như cô bé Hà, xấu hổ bỏ học vì nợ học phí. Nhưng không phải do gia đình thiếu tiền, mà là vì bố mẹ cô “đấu nhau” xem ai phải chi khoản đó. Đấy là cậu bé Tuấn, phờ phạc trước ngày bố mẹ ra tòa, cũng là ngày cậu phải trả lời với tòa rằng cậu muốn ở với ai…

“Những đứa trẻ lớn lên trong sự đổ vỡ của cha mẹ cũng phải trải qua nhiều biến cố, chịu đựng nhiều đau khổ khác nhau. Tổn thương từ đổ vỡ đó có thể được chữa lành, nhưng có thể mãi mãi là nỗi đau cùng những đứa trẻ lớn lên. Kết quả thế nào lệ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết và cách hành xử của những người bố người mẹ: họ sẽ lựa chọn điều gì và khả năng tái lập cuộc sống của họ đến đâu.”, tác giả bảy tỏ.

Đồng thời, sự tinh tế và nhân văn đối với những đứa trẻ khi chúng phải ra tòa cùng bố mẹ để quyết định xem ở với ai vẫn là điều chưa được để ý.

Hay trong nhiều trường hợp được kể, có rất nhiều điều thiệt thòi mà phụ nữ và trẻ em sau ly hôn đang phải chịu. Ví như bị bạo hành, bị cấm cảm chăm sóc, nhưng họ không dám lên tiếng vì lo ngại không được bảo vệ. Thêm nữa, việc hỗ trợ, trị liệu cho người có tổn thương tâm lý hậu ly hôn ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Dù các mô hình hỗ trợ tự phát rất nhiệt huyết nhưng hoạt động khá cảm tính, những người có đào tạo chuyên môn thì rất thiếu.

Chưa kể, định kiến xã hội đối với những người đã ly hôn chưa bao giờ mất đi - suy nghĩ “tuy anh ta/cô ta ly hôn nhưng mà tốt” là một thực tế…

Một hành trình dũng cảm

Nhà báo Chu Hồng Vân tốt nghiệp ngành Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị là phóng viên lĩnh vực giáo dục tại báo Tuổi Trẻ đồng thời là biên kịch các phim truyền hình, chương trình truyền hình.

Nói về nguồn cơn dự án Chân dung hậu ly hôn, chị chia sẻ, “nhiều năm nay, là một nhà báo ở mảng giáo dục, tôi quan sát và theo đuổi vấn đề gia đình tác động thế nào đến đứa trẻ ở những lứa tuổi khác nhau. Điều tôi càng ngày càng thấy rõ ràng là môi trường gia đình, với những biến động bên trong nó chi phối đứa trẻ về mọi mặt: thể chất, tinh thần, sự hình thành tính cách, và hệ giá trị mà nó lựa chọn trong tương lai.

Trong vô số những biến động ấy thì đổ vỡ hôn nhân là một câu chuyện nổi bật và tôi cho rằng nó có ảnh hưởng sâu sắc hơn cả đến những đứa trẻ. Vì thế tôi chọn nó làm đối tượng để tìm hiểu. Bi kịch hôn nhân là một quá trình, từ sự đổ vỡ hạnh phúc đến tờ giấy ly hôn và những hệ quả hậu ly hôn. Những đứa trẻ lớn lên trong sự đổ vỡ của cha mẹ cũng phải trải qua nhiều biến cố, chịu đựng nhiều đau khổ khác nhau”...

Gần ba năm với dự án, chị nghe câu chuyện của những người bố, người mẹ, chị lại nóng lòng muốn gặp thêm người con. Chị muốn nghe câu chuyện ở các góc tiếp cận khác nhau: bố mẹ và con cái, những thầy cô giáo, chuyên gia tâm lý hay luật sư, thẩm phán. Cùng một vấn đề, nhưng ở những góc khác nhau, chị lại phát hiện thêm những điều mới mẻ.

Hành trình tìm kiếm, thuyết phục nhân vật rất khó khăn. Có người đã đồng ý nói chuyện lại thay đổi. Có người cáu giận khi chị đặt vấn đề. Đa số mọi người đề nghị đổi tên nhưng cũng có người sẵn sàng để tên thật và địa chỉ cụ thể. Dù vậy sau khi suy nghĩ rất nhiều, chị đều đặt cho các nhân vật tên mới vì muốn bảo đảm những đứa trẻ trong các câu chuyện không bị ảnh hưởng, đảo lộn cuộc sống.

Khi tiếp cận hậu ly hôn, đi sâu vào dự án, nhiều lúc chị phải dừng lại để tự cân bằng. Câu chuyện hậu ly hôn với nhiều bế tắc, ngột ngạt, sự vật lộn đau khổ của các nhân vật khiến chị có lúc chao đảo và rơi vào trạng thái tiêu cực.

Cũng bởi thế chị đặc biệt quan tâm đến những câu chuyện mang màu sắc tươi sáng. Những thanh âm hạnh phúc, dù ít ỏi hơn những giai điệu buồn bã, vẫn giúp chị lấy lại năng lượng. Nó làm chị hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến với các nhân vật chị gặp và chuyện trò.

Như sau cơn mưa trời lại sáng. Như trong bóng đêm sẽ có những vì sao lấp lánh. Như qua đau khổ, mất mát, sẽ thấm thía sâu sắc hơn về sự ngọt ngào của yêu thương, tha thứ. Như những câu chuyện được kể ở chương cuối cùng - Lấp lánh, là một minh chứng rằng tình yêu dành cho con trẻ, lòng bao dung, tình yêu thương nói chung, có sức mạnh chữa lành.

“Khi những mảnh vỡ tung ra, cạnh sắc nhọn của nó có thể làm ta đau đớn. Tổn thương đó có thể sẽ mãi mãi sưng tấy, nhưng cũng có thể lành theo năm tháng, nếu như ta được chăm sóc bằng sự thấu hiểu và yêu thương. Khi ấy những mảnh vỡ không còn mang màu u ám, mà nó có vẻ đẹp lấp lánh và khác biệt. Điều này thật thú vị. Ví như ta cho một chút muối vào ly cà phê có sẵn đường, hai vị mặn, ngọt đó chẳng những không xung đột mà vị muối làm cho ly cà phê có đậm đà hơn”...

Và bên cạnh sự sẻ chia với những người đã đi qua đổ vỡ hay đang trong đổ vỡ, chân dung hậu ly hôn cũng mang đến gợi ý tử tế cho những ai đang đứng trước quyết định quan trọng của đời mình.

Nó cũng gợi ý rằng sự cảm thông và không định kiến của xã hội sẽ luôn là điểm tựa cho người đổ vỡ có thể vượt qua và bước tiếp. Chị cho rằng, chị chỉ là một người kể chuyện, không phán xét hay cố bày tỏ về một “chuẩn” nào. Chỉ mong ít nhiều nó có ý nghĩa nào đó, như một cuộc sẻ chia, hay một sự khơi gợi suy ngẫm về cuộc sống.