Có một mùa xuân đặc biệt trong đời Bác Hồ

Năm 1961, Bác Hồ về lại Pác Bó, Cao Bằng, nơi 20 năm trước, mùa xuân 1941, Người đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc sau 30 năm ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Hành trình cứu nước của Bác từ đây chuyển sang một bước ngoặt. Sau khi tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Người về Tổ quốc thức tỉnh đồng bào, tổ chức lực lượng toàn dân đấu tranh giành lại đất nước.

Bác Hồ về nước.  Tranh sơn dầu  của Trịnh Phòng.
Bác Hồ về nước.
Tranh sơn dầu của Trịnh Phòng

Đó là mùa xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam để giành lại độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Năm 1961, Bác Hồ về lại Pác Bó, Cao Bằng, nơi 20 năm trước, mùa xuân 1941, Người đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc sau 30 năm ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Hành trình cứu nước của Bác từ đây chuyển sang một bước ngoặt. Sau khi tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Người về Tổ quốc thức tỉnh đồng bào, tổ chức lực lượng toàn dân đấu tranh giành lại đất nước. Cảnh cũ người xưa biết bao xao xuyến, Người đã rất xúc động cảm tác:

“Hai mươi năm trước ở hang này
Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây;
Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu
Non sông gấm vóc có ngày nay”

Lịch sử Đảng ta, lịch sử cách mạng Việt Nam còn ghi lại những sự kiện quan trọng gắn liền với hoạt động của Bác Hồ từ mùa xuân Tân Tỵ 1941 ở Pác Bó. Ngày 28-1-1941, Bác về đến Cao Bằng, chừng mươi ngày “ông Ké” sống với đồng chí, thăm, chúc Tết đồng bào, ngày 8-2-1941, trong sương giá buốt lạnh của miền núi đá biên cương, Người vào sống và làm việc trong hang Pác Bó. Núi rừng hoang vu, hang sâu ẩm ướt lạnh lẽo, hoạt động bí mật, sinh hoạt kham khổ, thiếu thốn “cháo bẹ, rau măng” nhưng tình cảm, ý chí khôi phục giang sơn đất nước giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân theo con đường cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin của Bác thật nhiệt huyết và lãng mạn:

“Non xa xa nước xa xa,
Nào phải thênh thang mới gọi là.
Đây suối Lênin, kia núi Mác,
Hai tay gây dựng một sơn hà”

Để “vạch con đường đánh Nhật, Tây”, cũng tại núi rừng Khuổi Nậm, Pác Bó, Bác chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8, họp từ ngày 15 đến 19-5-1941. Hội nghị này đã quyết định về đường lối, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạo bước chuyển cơ bản trong chuyển hướng chiến lược cách mạng, chuẩn bị lực lượng và phương pháp lãnh đạo toàn dân đấu tranh tiến tới cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành độc lập dân tộc, sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ, thống trị.

Vấn đề có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn vô cùng quan trọng, không chỉ ở thời kỳ Đảng hoạt động bí mật chưa lãnh đạo chính quyền mà vẫn có giá trị cho ngày nay là Bác Hồ đã truyền dạy cho cán bộ của Đảng những kinh nghiệm và bài học về phương pháp công tác, phương thức hoạt động cách mạng. Sự thật, đó chính là kim chỉ nam, những vấn đề có tính nguyên tắc cho tổ chức và hoạt động của Đảng ta. Những điều to tát ấy lại được Bác truyền thụ cho cán bộ rất giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp trình độ, điều kiện hoạt động cán bộ của Đảng lúc bấy giờ. Bác đã chọn lúc hội nghị kết thúc, trước lúc chia tay các đồng chí Trung ương và Xứ uỷ, bên bờ suối trong rừng Khuổi Nậm căn dặn mọi người về cơ sở hoạt động phải ghi nhớ bốn điều:

Một là, đoàn kết thương yêu nhau, gắn bó mật thiết với dân.

Hai là, giữ bí mật, giữ nghiêm kỷ luật.

Ba là, phải hiểu sâu, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng theo đường lối, chủ trương của Đảng.

Bốn là, thực hiện đúng phương pháp công tác: tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Hành trình cứu nước của Bác Hồ, năm 1941 có ý nghĩa thật đặc biệt. Năm 1911, ra đi từ bến cảng Nhà Rồng, trải qua mười năm vừa lao động kiếm sống, vừa hoạt động trong phong trào công nhân và phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức, năm 1920, Bác đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã thấy ở chủ nghĩa Lênin con đường giải phóng dân tộc, cứu dân cứu nước ra khỏi cảnh áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân. Đó là con đường giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp; gắn phong trào yêu nước, phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng, phong trào giải phóng các dân tộc trên thế giới. Và mãi 20 năm sau khi tìm thấy con đường cách mạng giải phóng và trải nghiệm trong thực tiễn đấu tranh cách mạng trên thế giới, Người mới về được đất nước để lãnh đạo Đảng và nhân dân thực hiện sứ mệnh cao cả đó.

Thế là Bác Hồ của chúng ta đã trải qua 30 năm bôn ba ở nước ngoài để khi trở về đất nước, Người tiếp tục tạo ra những nhân tố để đưa cách mạng đến thành công. Chúng ta còn nhớ, từ năm 1925 Bác Hồ đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào yêu nước và phong trào công nhân. Người đã tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng đầu tiên ở nước ngoài và sau đó tiến tới thành lập các tổ chức cộng sản đầu tiên. Năm 1930, Người thống nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam và tổ chức hội nghị thành lập Đảng, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là nhân tố đầu tiên, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đó cũng là sáng tạo lớn đầu tiên của Bác. Phải đến hơn mười năm sau, tại Pác Bó, Cao Bằng, từ mùa Xuân Tân Tỵ 1941, Bác Hồ đã thực hiện “ba sáng tạo” lớn tiếp theo sau khi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ba sáng tạo lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ 1941 đến tháng 8 năm 1945 là:

- Sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất (thành lập Mặt trận Việt Minh)
- Sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân (thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân)
- Sáng lập chính quyền của nhân dân (Uỷ ban dân tộc giải phóng toàn quốc).
Có một mùa xuân đặc biệt trong đời Bác Hồ ảnh 2

Và nữa, có thể nói, từ mùa xuân ấy, xuân 1941, Bác về, Tổ quốc ta, dân tộc ta, Đảng ta do Bác trực tiếp chỉ đạo mới thật sự thực hiện được một chiến lược lớn là đặt cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đứng về phe Đồng minh chống phát xít. Cũng từ Cao Bằng, cách mạng Việt Nam đã liên lạc với lực lượng Đồng minh. Từ khi cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta đứng về phe Đồng minh cũng đã được sự ủng hộ của phe Đồng minh. Đó là cơ sở thực tế và pháp lý quốc tế quan trọng để đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và tuyên bố trước toàn thế giới: Một dân tộc gan góc chống xâm lược mấy mươi năm và đã đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc ấy phải được tự do, dân tộc ấy phải được độc lập.

Vậy là, từ mùa xuân năm 1941, Cao Bằng có vinh dự được đón Bác Hồ sau 30 năm Người ra đi tìm đường cứu nước trở về, được Bác chọn làm căn cứ địa cách mạng đầu tiên, cho đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và tiếp tục mở đường đi tới những thắng lợi huy hoàng cho cách mạng Việt Nam. Cao Bằng là nơi hiện thực hoá những tư tưởng chiến lược về cách mạng giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ mùa xuân ấy, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo đã chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt lên hàng đầu. Để rồi đến mùa xuân 1975 hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, là mùa xuân vĩnh hằng của dân tộc./.

Phạm Văn Khánh

Đọc thêm