Có một Sài Gòn thương...

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần một tháng qua, TP HCM vẫn đang trong thời gian giãn cách xã hội. Đây không phải lần đầu tiên TP HCM tiến hành giãn cách xã hội nhưng có lẽ là lần lâu nhất và là lần nhiều ca bệnh nhất. Trên các trang mạng xã hội là những lời nhắn gửi thân thương: “Sài Gòn chỉ đang bịnh chút thôi”; “Sài Gòn ơi, ráng khỏe lại nhé”…
Sài Gòn những ngày giãn cách nhưng không “cách lòng”.
Sài Gòn những ngày giãn cách nhưng không “cách lòng”.

Bình tĩnh và đồng lòng

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu TP HCM chuẩn bị sẵn sàng kịch bản có 5.000 ca bệnh, phối hợp cùng quân đội lên phương án thành lập bệnh viện dã chiến.

Lãnh đạo ngành Y tế TP HCM cho biết trong đợt dịch này, thành phố đã ghi nhận khoảng 1.500 ca nhiễm trong cộng đồng với 23 chuỗi, ổ lây nhiễm đã được xác định với nhiều mối liên hệ dịch tễ khác nhau. Trong đó chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã phát hiện tổng cộng 520 trường hợp dương tính, đến nay ổ dịch này cơ bản được kiểm soát.

Theo ông Long, nâng cao năng lực xét nghiệm là một trong những giải pháp chiến lược để nhanh chóng khống chế, ngăn chặn dịch bệnh. Theo đó, cần nhanh chóng nâng cao năng lực xét nghiệm với công suất 500.000 mẫu gộp mỗi ngày, kịch bản này đã được đề ra từ trước nhưng cần thực hiện ngay để nhanh chóng chặn đứng nguồn lây. Có thể nói, dịch bệnh bùng phát tại thành phố được xem là “đầu tàu kinh tế” của đất nước, trong bối cảnh hiện tại cần nhất sự bình tĩnh để ứng phó.

Sự lo lắng tăng lên khi những ca bệnh tại các nhà máy ngày càng nhiều. Đặc biệt hơn khi phát hiện một ca bệnh bán trái cây trước cổng một nhà máy có đến 56.000 công nhân. Chưa kể, lực lượng công nhân ở TP HCM rất đông đúc, con số thực tế là 2,2 triệu người. Con số khổng lồ này là “báo động đỏ” cho việc phòng dịch tại doanh nghiệp, đây là vấn đề hết sức cấp thiết, nếu lơ là, điều tồi tệ sẽ đến và hậu quả sẽ rất khôn lường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: “Các quyết định giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa phải trên tinh thần cố gắng gọn nhất có thể. Mục đích của việc giãn cách xã hội là để làm chậm tốc độ lây lan của dịch, xác định các ổ dịch, các nguồn lây, quy mô, để khoanh thật gọn, thật chặt, phấn đấu không để tiếp tục kéo dài tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng”.

Đặc biệt, TP HCM có thể sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm cách ly các F1 tại nhà. Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết giải pháp thực hiện cách ly tại nhà cho cả F1 là “có thể thực hiện”.

Theo lý giải của ngành y tế địa phương, việc thí điểm này sẽ vừa giải toả áp lực tâm lý xã hội, vừa giảm bớt gánh nặng về nguồn lực vừa khiến kinh tế tiếp tục vận hành thay vì “giãn cách on/off liên tục làm suy kiệt nền kinh tế”. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP HCM cũng đã đưa ra một cảnh báo rằng mầm bệnh đang lây lan trong cộng đồng.

Những người chúng ta tiếp xúc hằng ngày có thể trở thành F0 hoặc chính chúng ta trở thành F0 gây lây nhiễm cho người xung quanh. Do đó, mỗi cá nhân cần phải ý thức, xem người đối diện như F0 thì các biện các phòng chống dịch mới có thể được triển khai có hiệu quả. Người dân không tụ tập, không ra ngoài, tiếp xúc khi không cần thiết. Và hơn hết, thật bình tĩnh, không chia sẻ các thông tin hoang mang gây ảnh hưởng đến tâm lý cộng đồng.

Trong bối cảnh hiện tại, vaccine vừa chính là liều thuốc vật chất, vừa là liều thuốc tinh thần để tiêm chủng phòng COVID-19. Sau khi tiếp nhận 836.000 liều vaccine từ Bộ Y tế, TP HCM đã gấp rút triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử với tốc độ thần tốc trong 7 ngày, tính từ 19/6. Có thể thấy, mọi hoạt động thiết yếu để chống dịch đã được kích hoạt kịp thời, chính xác…

Tháng ngày đặc biệt và những niềm nhớ

TP HCM vẫn luôn được biết đến với một tên gọi khác: Sài Gòn nghĩa tình. Thành phố hai mùa mưa nắng trước giờ vẫn bao dung, chở che cho biết bao người, giờ thành phố ốm rồi, những người “lấy phố làm nhà”, nhọc nhằn bám đường mưu sinh biết đi về đâu?

Hà Anh Tuấn: Khi mệt, cả Sài Gòn sẽ cùng nhau nấu cơm, mai mình tính tiếp.

Hà Anh Tuấn: Khi mệt, cả Sài Gòn sẽ cùng nhau nấu cơm, mai mình tính tiếp.

Mới đây, ca sỹ Hà Anh Tuấn tiếp tục góp 25 tấn gạo, 50 ngàn trứng gà và 300 lít dầu ăn cho nhiều bếp ăn từ thiện tại TP HCM. Ca sĩ mong muốn lan tỏa thông điệp “Sài Gòn cùng nhau nấu cơm” để cùng sẻ chia với những người có hoàn cảnh sống khó khăn.

Hà Anh Tuấn có những dòng chia sẻ xúc động: “Tôi khởi nghiệp âm nhạc ở Hà Nội, là “người tình” chung thủy của Đà Lạt. Và tôi là người Sài Gòn. Trong một bữa cơm nhiều đồ ăn ngon với gia đình, chúng tôi kể cho nhau nghe về Sài Gòn đang “cảm cúm” và những người lao động nghèo đang bắt đầu kiệt sức. Thế hệ người lớn đã đến thành phố này lập nghiệp ấm no, còn thế hệ mấy anh em tôi thì sinh ra, lớn lên và chạy quanh chợ Bến Thành từ nhỏ.

Bữa cơm bỗng nhiên ngon hơn hẳn khi gia đình và tôi đồng lòng bảo nhau ngay ngày mai hãy sống đúng như Sài Gòn đã dưỡng dạy. Chúng tôi đã cậy nhờ công sức và tâm huyết của các anh chị, bạn bè ở các tổ chức, đóng góp chút ít cùng nấu, phát và giao cơm cho Sài Gòn. Khi mệt, cả Sài Gòn sẽ cùng nhau nấu cơm, mai mình tính tiếp. Tôi viết lên đây để nếu bà con nghèo biết để nhận cơm và tiếp tục ủng hộ những nơi đang xung phong thổi bếp. Và để biết, tôi đã được Sài Gòn nuôi dưỡng ra sao! Sài Gòn làm ta nhớ nhau vô cùng”.

Cuối tháng 5 vừa qua, Hà Anh Tuấn đã cùng một số bạn bè đã trao tặng vật tư y tế cần thiết, tổng trị giá 1 tỉ đồng cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Trước đó, tháng 4/2021, trên sân khấu của Veston concert của mình, Hà Anh Tuấn tuyên bố dành tặng số tiền 500 triệu đồng ủng hộ Quỹ vắc xin COVID--19. Năm 2020, anh cũng đã đóng góp, tài trợ cho các áp lực âm hỗ trợ điều trị các bệnh nhân COVID-19.

Bên cạnh đó anh còn nghệ sĩ đầu tiên ủng hộ 3 tỷ đồng để chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” được tiếp tục. Chiến dịch “Rừng Việt Nam” của anh khởi xướng cũng đang được thực hiện. Và còn đó, cư dân thành phố này chia sẻ: Thành phố này cho anh những bữa cơm hai ngàn, cho từng ly trà đá miễn phí, từng cái khẩu trang để anh vững vàng mùa Covid. Thành phố kể anh nghe câu chuyện người đàn ông nạn nhân bị tạt đầu ô tô, không những không truy cứu mà lại mua xe mới tặng cho người va quệt.

Thủy chung, Sài Gòn như cái máy nổ bánh ống, đầu này đón lấy mớ vật chất hỗn độn nằm ngổn ngang, đầu kia lại cho ra những tâm hồn dễ cảm thông, sẵn sàng cho hết không cần tính toán. Giữa những ngày Sài Gòn căng mình chống dịch, những câu chuyện tử tế khiến cuộc sống nhẹ nhõm đôi phần. Kể làm sao hết những tấm lòng của bà con trong hoạn nạn, những bếp ăn đỏ lửa miễn phí khắp Sài Gòn. Để cùng dìu nhau đi qua mùa dịch mà không ai bị bỏ lại phía sau. Sài Gòn là thế, người góp sức, người góp yêu thương, người góp chút xíu vật chất… Rồi mấy bữa hết dịch, ta lại mỉm cười vì Sài Gòn đi qua những ngày khó khăn, vẫn ấm tình người đến thế…

Với Hoàng Huy, một công dân lập nghiệp ở Sài Gòn thì Sài Gòn chỉ “bịnh chút thôi”. Thành phố khỏe, mọi người mới khỏe được. Và dịch cũng khiến người ta nhận ra rằng cuộc sống vốn dĩ rất vô thường, không ai biết chắc mọi thứ sẽ biến đổi thế nào. Ít ai ngờ rằng, chỉ sau một đêm, số ca dương tính của Sài Gòn đã lên tới cả trăm. Từ bình thường tới vô thường, mọi thứ qua nhanh như một cơn mưa rào mùa hạ.

Người lạ hay người quen thì bây giờ cũng chỉ nhận được ra nhau bằng đôi mắt, nụ cười giấu đi sau lớp khẩu trang mất rồi. Chào nhau bằng ánh mắt, cười đùa cũng bằng ánh mắt, vui đến mấy cũng không giấu nổi lo âu. Vui sao nổi khi thành phố thương yêu nơi mình sống đang bị mệt. Bây giờ, người ta mới hiểu hết ý nghĩa đắt giá của hai từ “An yên”: Muốn được an toàn thì ngồi yên, nếu mệt quá nữa thì nằm yên. Sài Gòn đang cần chia sẻ, mỗi đứa bớt nghịch ngợm chút đi, bớt chạy nhảy, để yên cho Sài Gòn nghỉ ngơi, mau khỏi bịnh. Các tỉnh, thành khác cũng bớt ghé thăm Sài Gòn lúc này, để yên cho Sài Gòn nghỉ. Sài Gòn không muốn phiền cho ai nên nhớ nhau thì online, không thì viết thơ cũng được, khoan gặp. Lúc khỏe gặp nhau sau, chưa muộn… - Hoàng Huy nhắn nhủ.

“Sau trận Sài Gòn ốm này, mình hứa sẽ không càm ràm mỗi lần kẹt xe, tắc đường nữa. Vì hôm nay, đứng ở ngã tư, một mình, lặng lẽ, tự dưng thấy thèm, thấy nhớ cái cảm giác đông đông khó chịu mọi ngày. Sài Gòn mà vắng thiệt là không có hợp mắt, đông nó quen rồi, giờ tự nhiên vắng ngắt nhìn như Tây mặc áo bà ba, lạ nhưng không đẹp! Mình sẽ giữ thật chặt, thật kỹ một Sài Gòn bình dị, đông đúc, ồn ào nhưng thân thương của mọi ngày…Thôi thì ốm nốt vài nữa thôi, rồi mau khỏe thật nhanh để mọi người cùng được cười trở lại, ráng lên Sài Gòn nha! Thương!”…

Sài Gòn là vậy đó, thành phố kinh tế đầu tàu của cả nước, thân thương và nghĩa tình. Và với cư dân Sài Gòn, thành phố như một người thân “đang bịnh” chút thôi. Bởi Sài Gòn rộng lớn, bao dung, hào phóng đón nhận người từ Bắc, từ miền Trung vào, từ miền Tây lên, từ miền Đông đến. Rồi người tứ xứ và người bản địa cùng làm nên một bản sắc Sài Gòn hôm nay. Sài Gòn của Sài Gòn và Sài Gòn của cả nước. Chỉ cần bước qua sóng gió này thì Sài Gòn sẽ trở lại mạnh mẽ, xinh đẹp và hào sảng như những ngày đông vui trở lại…

Đọc thêm