Có một thời tôi nhớ

Lần đầu tiên đến nước Nga vào mùa hè năm 1988, dù cảm nhận qua những thước phim tài liệu, những bài học của giáo trình Star ở ngôi trường dự bị, nhưng chúng tôi – những du học sinh Việt Nam vẫn ngỡ ngàng khi nhìn những cánh rừng bạch dương ngút ngàn dọc theo con đường từ sân bay Sheremechevo về trung tâm thành phố, những hàng cây bắt đầu ngả sang sắc thu một màu vàng óng, ngỡ ngàng khi nhìn những đại lộ thênh thang, những ngôi nhà cao vút, điện Kremli tráng lệ, và những vườn táo thơm lừng trên đồi Lênin.  

Lần đầu tiên đến nước Nga vào mùa hè năm 1988, dù cảm nhận qua những thước phim tài liệu, những bài học của giáo trình Star ở ngôi trường dự bị, nhưng chúng tôi – những du học sinh Việt Nam vẫn ngỡ ngàng khi nhìn những cánh rừng bạch dương ngút ngàn dọc theo con đường từ sân bay Sheremechevo về trung tâm thành phố, những hàng cây bắt đầu ngả sang sắc thu một màu vàng óng, ngỡ ngàng khi nhìn những đại lộ thênh thang, những ngôi nhà cao vút, điện Kremli tráng lệ, và những vườn táo thơm lừng trên đồi Lênin.

Sau những ngỡ ngàng ấy, là một cảm giác buồn của những cô cậu sinh viên lần đầu tiên xa nhà, là sự mệt mỏi sau một chuyến bay dài 17 tiếng trên chiếc TU 154 già cỗi phải 3 lần hạ cánh ở sân bay Bombay (Ấn Độ), Karashi (Pakistan) và Tasken (Uzbekistan), là việc thay đổi múi giờ, 9 giờ tối nắng vẫn rực rỡ trên những nẻo đường mà mắt đã díu lại, là sự buồn bã phải chia tay nhau khi mỗi đứa về mỗi hướng. Tôi nhận quyết định về học ở thành phố cảng Odessa, nằm bên bờ biển Đen (hiện nay thuộc Ucraina). Một mình cầm chiếc vé tàu và 3 rúp đi taxi ra ga Kiev, leo lên tàu và nằm ngủ trên hành trình dài gần 2.000km. Mệt mỏi và buồn, tôi không ăn uống gì.

Cùng buồng với tôi, là một người đàn ông hơn 60 tuổi, một phụ nữ và một thanh niên tên là Sergei. Họ hỏi tôi từ đâu đến, sẽ học bao lâu, sao không thấy tôi ăn gì cả. (Quả thật, sau khi vào nhà ăn ở Matxcơva, lần đầu tiên ăn những món béo ngậy đầy bơ và váng sữa là tôi hết muốn ăn gì nữa). Người đàn ông bảo cô phục vụ mang đến cho tôi một cốc trà đen nóng, người phụ nữ bóc trứng bảo tôi ăn. Bà bảo: “Phải một ngày nữa mới đến Odessa, ăn đi con trai ạ”. Người thanh niên khi tàu dừng ở một ga xép, chạy vội xuống mua một cái bánh mì và một chai nước ngọt, nói tôi khi đói thì ăn, ga sau anh sẽ xuống. Những người Nga đầu tiên tôi gặp trên đất nước xa xôi như vậy, họ thân thiện, hiếu khách và có một tình cảm sâu nặng với đất nước Việt Nam. Tự nhiên cảm giác mệt mỏi lo âu, khi một mình đến một nơi xa lạ trong tôi dần tan biến.

Những tháng ngày đại học trôi qua thật nhanh, cũng đến lúc chúng tôi trở về, khi những góc phố, hàng cây, ngôi trường và những người dân ở đây đã trở thành thân thiết, đầy kỷ niệm. Tôi lại ngược đường lên Matxcơva trên chuyến tàu tốc hành, đoạn đường đã trở nên quen thuộc sau bao lần xuôi ngược, đã quen với vị trà đen, đã thích vị béo ngậy của món salat Nga, sự nóng sốt của món súp củ cải đỏ. Chen chúc trên một chuyến xe điện vào giờ tan tầm, tôi hỏi một phụ nữ đường về phố Pamphilova. Bà chỉ dẫn tôi cách đi, đến bến nào thì xuống. Xe dừng ở bến tôi cần, người đàn bà cũng xuống, bảo tôi đi cùng. Trời chập choạng, qua một công trường vắng đầy cỏ dại.

Dù đã quen với nơi này, nhưng tôi vẫn cảm giác chờn chợn. Matxcơva thời kỳ chuyển đổi rất phức tạp, nhiều vụ trấn lột, nhiều tin hình sự. Dù sao tôi vẫn lặng lẽ đi theo người đàn bà ấy, trên một đoạn đường dài gần cây số. Khi nhìn thấy tấm biển phố Pamphilova gắn trên một ngôi nhà, tôi thở phào nhẹ nhõm. Bà bảo: “Đây là con phố cháu cần, bác phải quay trở lại bến xe, đáng lẽ bác xuống ở bến trước, nhưng thấy cháu có vẻ lạ đường nên dẫn đi. Ở đây dạo này phức tạp lắm”. Tôi lặng người, khi chỉ vài giây trước  đã có những ý nghĩ nghi ngại. Chưa kịp nói lời cảm ơn, chưa kịp hỏi bà tên gì, bà đã vội vàng quay lại con đường cũ vì trời đã tối.

Những người Nga, khi tôi đến và khi trở về vẫn tấm lòng như vậy, dù nơi này, nơi khác, lúc này, lúc khác vẫn có những chuyện đáng buồn xảy ra. Sống trong tình cảm của thầy cô, bạn bè và những con người tốt bụng, chúng tôi đã lớn lên và trưởng thành. Cho đến hôm nay, dù ở cương vị nào, địa phương nào, vẫn nhớ về nơi ấy, nơi ghi dấu những kỷ niệm của một thời khó quên, nơi đã cho chúng tôi hiểu hơn về tính cách Nga, con người Nga, về một nền văn hóa đã khắc đậm trong tâm trí của bao thế hệ người Việt Nam. Vì thế, dù có đi qua bao phương trời xa lạ thì đối với chúng tôi mảnh đất mà chúng tôi yêu quý như đất mẹ của mình, chính là nước Nga.

Trà Xuân Phương

Đọc thêm