Một trong những điều cấm đối với luật sư (LS) theo Dự thảo Luật LS sửa đổi đó chính là quy định “Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng...”. Nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc cấm như vậy là không khả thi.
Một trong những điều cấm đối với luật sư (LS) theo Dự thảo Luật LS sửa đổi đó chính là quy định “Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng...”. Nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc cấm như vậy là không khả thi.
|
Hình minh họa |
Chỉ nên cấm đòi hỏi
Như vậy với quy định cấm nêu trên thì khi hoàn thành công việc cho khách hàng, thậm chí là rất thành công, LS cũng không được nhận thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, kể cả đó là khoản mà khách hàng tự nguyện.
LS Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng Văn phòng LS Bảo Châu và cộng sự cho rằng, cần xem lại quy định nói trên. Bởi lẽ, thực tế khi LS nhận ký kết hợp đồng với khách hàng, có thể bản thân họ cũng như khách không thể trù liệu trước những khó khăn cũng như hiệu quả của công việc, nên ấn định một khoản chi phí theo thỏa thuận của hai bên. Tuy nhiên, kết thúc công việc, thành công ngoài dự kiến, khách hàng tự nguyện bồi dưỡng, tại sao lại cấm LS nhận? Vì đó là công sức LS bỏ ra, cũng là tình cảm, thiện chí của khách hàng. LS Châu cho rằng, cấm vòi vĩnh, cấm đòi hỏi thì nên nhưng cấm nhận thì khó khả thi.
Nghiêm cấm LS thực hiện các hành vi sau đây: a) Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là vụ, việc); b) Cố ý cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; xúi giục người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật; c) Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; d) Sách nhiễu, lừa dối khách hàng; đ) Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; ... (trích Dự thảo Luật LS sửa đổi) |
LS Nguyễn Chí Dưỡng (Đoàn LS tỉnh Bắc Ninh) cơ bản ủng hộ 10 điều cấm đối với LS như Dự thảo Luật song ông cũng rất băn khoăn với quy định cấm LS nhận tiền, lợi ích từ khách hàng. “Chẳng hạn không tặng tiền mà khách hàng tặng đồ vật dù có giá trị hay không cũng cấm LS nhận thì liệu có cấm được trên thực tế hay không?” - LS Dưỡng nói.
Nhiều ý kiến cũng phân tích, việc bồi dưỡng thêm cho LS ngoài hợp đồng là không trái với Bộ luật Dân sự, không trái đạo đức xã hội. Có ý kiến cũng đề nghị cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa hành vi nhận và hành vi đòi hỏi, vì bản chất hai hành vi này là hoàn toàn khác biệt nhau. Một bên cấm là nhằm ngăn chặn tình trạng LS lợi dụng nghề nghiệp của mình để trục lợi bất chính, gây bức xúc cho đương sự, do đó cấm là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đối với hành vi cấm nhận bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác là không hợp lý và không khả thi.
Tuy nhiên, khi Dự án Luật được trình ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao quy định nói trên và cho rằng, để bảo đảm phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng xã hội và quy tắc đạo đức nghề nghiệp của LS cũng như bảo đảm tính vô tư, khách quan trong quá trình tham gia tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý, tránh việc LS lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi bất chính, Luật quy định nội dung cấm nói trên là cần thiết.
Đồng tình, LS Trương Trọng Nghĩa (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, quy định này là hợp lý. Hiện nay, thực tiễn nhiều LS vẫn làm là bổ sung khoản thưởng đó vào hợp đồng. Điều đó cũng quan trọng đối với việc quản lý thuế thu nhập cá nhân, tức là LS không được nhận những khoản mà mình sẽ không khai thuế và nếu thân chủ người ta tự nguyện thưởng thêm thì bổ sung vào hợp đồng hoàn toàn dễ dàng.
Nên khoanh định rõ “vùng cấm”
LS Nghĩa cũng cho rằng, Dự thảo Luật có đến 10 điều cấm đối với LS, nhưng chỉ có một điều cấm cản trở nghề LS là “không công bằng”. LS Nghĩa đề nghị quy định bổ sung thêm là cấm và nghiêm trị những hành vi cản trở nhũng nhiễu, gây khó khăn làm chậm trễ việc hành nghề LS. Theo ông, LS Việt Nam chưa có sân chơi bình đẳng tại sân nhà trên một số lĩnh vực. “Dự thảo hiện nay chưa có những quy định đúng mức để giúp đội ngũ LS phát triển đủ sức cạnh tranh và hội nhập với các LS nước ngoài” - LS Nghĩa nhận xét.
Về quy định cấm tiết lộ thông tin, có ý kiến cho rằng, quy định cấm LS “tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề...” là chưa hợp lý, vì trong quá trình hành nghề, có trường hợp LS phải sử dụng thông tin đó để phục vụ cho việc giải quyết vụ việc vì quyền lợi của chính khách hàng. Nhưng theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định như Dự thảo không cấm LS công khai thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được mà chỉ yêu cầu việc công khai đó phải có sự đồng ý của khách hàng.
Riêng với quy định cấm LS có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng, nhiều ý kiến đề nghị cần phải xử lý nghiêm đối với các trường hợp này, nếu không sẽ không bảo đảm tôn nghiêm nơi pháp đình. Ý kiến này đề nghị nếu vi phạm sẽ bị rút thẻ hành nghề LS. Bởi lẽ, nhiều khi bị cấm nhưng do không phân biệt mức độ nặng nhẹ, nghiêm trọng hay không nghiêm trọng nên rất khó khăn trong việc xử lý. Quy định cụ thể thì sẽ dễ dàng hơn trong việc áp dụng
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm các hành vi bị cấm như vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đòi thêm thù lao thông qua ký phụ lục hợp đồng hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng, từ chối bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo… Hy vọng với các hành vi cấm bị chỉ “đích danh”, những vi phạm của LS sẽ giảm. Điều này đồng nghĩa với môi trường hoạt động của LS cũng như cơ quan tố tụng sẽ “trong lành” hơn.
Bình An