Có nên đuổi học học sinh đánh bạn?

(PLO) -Nữ sinh lớp 9 ở Kiên Giang dồn bạn vào nhà vệ sinh để đánh, trẻ 4 tuổi dùng gậy đồ chơi đánh bạn đến thâm tím người ở Bắc Giang. Thời gian gần đây rất nhiều những clip “anh chị” trong lớp học như vậy  thường xuyên được đưa lên mạng. Tuy nhiên, dư luận đang băn khoăn có nhất thiết phải đuổi học sinh thay vì kỉ luật, giáo dưỡng?
 
Nữ sinh lớp 9 đánh bạn dã man ở Kiên Giang bị buộc thôi học 1 năm, có quá nặng? (Ảnh minh họa)
Nữ sinh lớp 9 đánh bạn dã man ở Kiên Giang bị buộc thôi học 1 năm, có quá nặng? (Ảnh minh họa)

“Đầu gấu” từ… mầm non

Mới đây, UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã công bố thông tin chính thức vụ việc bé gái 4 tuổi bị đánh bầm tím khắp thân thể tại Trường Mầm non xã Ngọc Sơn gây xôn xao dư luận những ngày qua. Theo đó, cháu L.T.D bị các bạn đánh bởi một chiếc gậy nhựa, chứ không phải do cô giáo đánh.

Tiếp đó, dư luận lại lần nữa “dậy sóng” trước việc 2 nữ sinh lớp 9 Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đánh dã man 3 nữ sinh lớp 7 và phải nhận hình thức kỷ luật buộc thôi học có thời hạn.

Khi những clip với cảnh học sinh nam có, nữ có, mặc đồng phục đánh bạn dã man, trước sự chứng kiến của nhiều bạn và đánh ngay trong nhà trường, chúng ta đều cảm thấy man rợ, kinh hoàng. Điều đáng nói, đó là môi trường học đường, nơi có đầy đủ lực lượng giám sát theo tiêu chuẩn của trường học, vậy mà học sinh vẫn bị bạo lực, tra tấn, làm nhục đến nhường ấy. Các cô giáo trường mầm non trông trẻ ra sao mà có thể để các bé mới 4 tuổi đã biết đánh bạn dã man và vô cảm tới vậy? Những vết bầm tím của bé đã có từ khá lâu trước đó nữa. Tại sao một đứa trẻ bị bạn bè bạo hành đến nhường ấy mà cô giáo không hay biết? Dường như, từ trước tới nay, giáo viên, ban giám hiệu chỉ biết khi những hình ảnh phản cảm này được tung lên mạng xã hội. 

Ai đó nói “bạo lực sinh ra bạo lực”, khi mà ngay từ trong gia đình, nhà trường, những đứa trẻ từ nhỏ đã chứng kiến hoặc chịu bạo hành từ nhỏ. Một nghiên cứu cho thấy 68% trẻ em Việt Nam chịu ít nhất một loại hình trừng phạt từ thành viên trong gia đình; 59% trẻ 8 tuổi chứng kiến giáo viên dùng đòn roi để trừng phạt học sinh; 26,3% học sinh bị thầy cô trừng phạt với các hình thức khác nhau như cốc đầu, véo tai…

Đó là những con số được đưa ra từ lễ khởi động “Sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Tầm nhìn thế giới về chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” do Tổ chức World Vision và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây tại Hà Nội. Một đứa trẻ trở nên vô cảm trước nỗi đau của bạn bè đồng loại, phải chăng bởi chính từ môi trường, từ cuộc sống hôm nay, một đứa trẻ gắn bó nhiều hơn với thế giới ảo và trong môi trường khép kín từ nhà tới trường? Và bởi chính không ít người lớn đang vô cảm?

Theo TS. Vũ Thu Hương - Đại học Sư phạm Hà Nội, để bạo lực học đường xảy ra, lỗi thuộc về người lớn, trong đó cả gia đình chứ không chỉ riêng nhà trường. Trẻ con có thể làm đủ các thứ, chỉ có điều các em không ý thức được hành động và mức độ tác hại của hành động đó. Với vụ việc ở Bắc Giang, bé 4 tuổi đánh bạn không phải vì thù ghét bạn, đơn giản có thể giành đồ chơi của nhau, hoặc với trẻ đó chỉ là trêu bạn, một trò vui nào đó.

Tuy nhiên, điều đáng sợ tại sao trẻ con lại nghĩ ra việc cầm gậy để quật vào người bạn chứ không phải dùng tay, hay một trò nào khác để trêu?  Hay nữ sinh có thể đánh nhau dã man, hay vì trẻ đang bị nhiễm thói quen dùng bạo lực để giải quyết mọi chuyện từ người lớn: Có thể trong số các em có hành động đánh bạn đã từng chứng kiến cảnh các anh chị lớp lớn xúm lại đánh nhau, hoặc bố mẹ có hành động bạo lực nên học theo. Đó mới là vấn đề đáng báo động. Khi mà bố mẹ dạy con bằng đòn roi, đánh con đến nỗi nhập viện, chấn thương sọ não. Người lớn động một tí là đánh cãi nhau, khi trẻ con chứng kiến, sẽ tích tụ lại, đến lúc nào đó các con sẽ bộc lộ ra bằng hành động.

Đuổi học có phải là giải pháp?

Và trước phản ứng dữ dội từ dư luận, chiều 11/12, Hội đồng kỷ luật của Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã  thống nhất hình thức kỷ luật buộc thôi học có thời hạn đến hết năm học 2017-2018 đối với 2 nữ sinh lớp 9 vì đánh dã man 3 nữ sinh lớp 7 cùng trường chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội. Như vậy, cơ hội thi lên lớp 10 của các em trong năm học này đồng nghĩa khép lại…

Có thể nói, vụ việc xảy ra ở Trường THCS Trần Hưng Đạo tại TP Rạch Giá chỉ là một trong số những vụ bạo hành trong môi trường giáo dục, cụ thể là nhà trường, đang xảy ra ngày càng nhiều ở tất cả các cấp học thời gian gần đây. Bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non, thầy cô giáo bạo hành học sinh, học sinh bạo hành nhau. Hơn nữa, chính những người trong cuộc cho rằng, nhà trường nhiều khi bởi thành tích mà thường im lặng không báo cáo lên trên, hoặc không lên tiếng cho tới khi… dư luận ồn ào…

Việc học sinh bị đuổi học ở Kiên Giang nhận rất nhiều ý kiến trái chiều. Một mặt các ý kiến đồng tình phạt nặng, đuổi học hoặc cho đi trại giáo dưỡng là những câu hỏi được đặt ra: Trách nhiệm của tổ trưởng, lớp trưởng, lớp phó kỷ luật ở đâu? Trách nhiệm của nhà trường như giám thị, chủ nhiệm, ban giám hiệu ở đâu?.

Đồng thời, cũng có rất nhiều ý kiến không đồng tình với hình thức kỷ luật của nhà trường. Bởi việc đuổi học sẽ ảnh hưởng các em sau này. Thay vào đó, hãy tăng thêm 2 giờ học kỹ năng sống và tâm lý cho các em. Đuổi học sẽ không giúp ích mà hại thêm cho các em, biết đâu đó lại là cơ hội để các em lêu lổng bên ngoài, sa ngã vào các tệ nạn.

Về vấn đề này, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ quan điểm, việc nữ sinh đánh bạn là sai trái. Khi đang học tập, các em phải biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau chứ không nên đánh nhau như vậy. Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, một khi học sinh có sai trái thì phải có các hình thức giáo dục. Thường ở trong nhà trường có các hình thức phê bình, cảnh cáo, thông báo với phụ huynh học sinh. Nếu vi phạm nặng hơn sẽ đình chỉ việc học tập theo thời hạn (ngắn hạn, dài hạn), có khi cho thôi học một tuần, một tháng, vài tháng, nếu nặng nề quá thì đình chỉ một năm…

Tuy nhiên, ông Nhĩ cho rằng: Nhưng vấn đề đối với học sinh vi phạm bị đình chỉ học không có nghĩa đẩy các em ra ngoài xã hội mà đình chỉ như vậy thì phải tiếp tục phân công thầy giáo chủ nhiệm, những bạn bè đến giúp đỡ học sinh đó, giải thích cho bạn những sai trái mà mình đã gây ra để học sinh tu tỉnh, hối hận việc mình làm sai.

Về việc Hội đồng kỷ luật của Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Rạch Giá buộc thôi học có thời hạn hết năm học 2017-2018, ông Nhĩ cho rằng, hình phạt đó là hơi nặng đối với các em. Bởi theo ông, nhà trường cũng nên căn cứ các em đã từng vi phạm chưa, hơn nữa các em đang là học sinh hết cấp trung học cơ sở. Ông cho rằng, chỉ nên đình chỉ một vài tháng là đủ sức răn đe, một năm thì hơi nặng. Trong thời gian đó yêu cầu học sinh phải tự kiểm điểm bản thân, nhận ra cái sai của mình, đồng thời thầy cô bạn bè giúp đỡ. Chứ nếu một năm nhà trường không có khả năng giúp đỡ để học sinh lêu lổng, hư hỏng thì không có lợi. Hơn nữa, phía gia đình cũng nên có hình thức giáo dục con cái mình.

Những đứa trẻ “ bất hảo” cũng không hoàn toàn khó bảo

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa gần đây cho biết, Bộ đang tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” theo Quyết định số 1501/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; phối hợp với các bộ, ban, ngành tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh; đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục...

Tuy nhiên, trên thực tế, chưa biết những công việc cụ thể của ngành giáo dục tới đâu nhưng những sự việc đau lòng, những clip và bạo lực học đường vẫn diễn ra từng ngày, từng giờ. Tất cả những gì mà chúng ta thấy chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Có nhiều ý kiến các bạn trẻ cho rằng, sở dĩ những clip tung ra càng nhiều, càng khiến các bạn trẻ bị kích động, đua đòi và thể hiện “đẳng cấp anh chị” hơn mà thôi. Và hơn cả, nếu như gia đình, thầy cô quan tâm tỉ mỉ tới con em mình thì những sự cố đã không xảy ra.

Một cô giáo chủ nhiệm kể rằng, cô nhận được tin, một bạn học sinh cá biệt đang có ý đồ hành hung thầy hiệu trưởng. Vậy là cô luôn quan sát và để ý bạn đó. Cho tới một ngày, giờ ra chơi, cô thấy bạn đó đang chuẩn bị cầm cục gạch cho vào túi quần. Cô liền như vô tình đi ra nói: “Cậu chàng đang định làm gì thế? Hôm nay có chuyện gì không?”. Cô cứ đứng nói chuyện vu vơ, tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Cậu bé đỏ bừng mặt, đánh rơi cục gạch. Và diễn biến không đáng có sau đó đã không diễn ra như chủ ý của cậu bé ngổ ngáo tuổi bột phát.

Và theo lẽ thường, những đứa trẻ “ bất hảo” cũng không hoàn toàn khó bảo, nếu thầy cô, người lớn biết cách tìm những hướng đi khác, như sự tôn trọng, sự trắc ẩn…

Đọc thêm