Có nên hoang mang về trái cây nhập?

Thông tin từ lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) ngày 20/3 cho biết vẫn kiểm soát được chất lượng trái cây nhập ngoại (nhất là trái cây từ Trung Quốc) khiến cho người tiêu dùng phần nào yên tâm, song những đồn đoán về trái cây sử dụng thuốc bảo quản hoặc tồn dư hóa chất độc hại làm cho nhiều người vẫn rất e dè, nghi ngại.

Thông tin từ lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) ngày 20/3 cho biết vẫn kiểm soát được chất lượng trái cây nhập ngoại (nhất là trái cây từ Trung Quốc) khiến cho người tiêu dùng phần nào yên tâm, song những đồn đoán về trái cây sử dụng thuốc bảo quản hoặc tồn dư hóa chất độc hại làm cho nhiều người vẫn rất e dè, nghi ngại.

Từ 12 bước kiểm nghiệm xoài...

Là một nước có thổ nhưỡng và khí hậu rất khó khăn về trồng các loại cây ăn trái, Hàn Quốc (HQ) đang rất chú trọng về chuyện nhập khẩu trái cây để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. VN, với lợi thế là một quốc gia nhiệt đới, có sản lượng trái cây lớn và phong phú về chủng loại, là một trong những quốc gia mà HQ nhắm đến để nhập trái cây.

Tuy nhiên, người Hàn rất cẩn trọng trong việc tiêu thụ trái cây nhập ngoại. Chính ông Trần Trọng Toàn-Đại sứ VN tại HQ, trong một lần tiếp xúc với báo giới trong nước vào năm ngoái đã cung cấp một thông tin thú vị: HQ đang có chương trình nhập khẩu xoài VN và họ phải xây dựng một đề án kiểm nghiệm xoài Việt với 12 bước, trước khi quyết định nhập vào thị trường HQ. Điều ấy cho thấy HQ rất cẩn trọng với việc cung ứng cho người dân loại trái cây gì và được kiểm nghiệm ra sao.

Về thông tin trên, Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết, đến đầu tháng 3 vừa qua, để xoài VN nhập vào HQ, phía VN đã hoàn tất bản danh sách dịch hại, sâu bệnh có trên trái xoài gồm 12 loài: Ruồi đục quả (7 loài), bọ vòi voi (3 loài), nấm bệnh (2 loài) cùng các giải pháp loại trừ và chống tái nhiễm. Cơ quan bảo vệ thực vật HQ cũng đã qua VN khảo sát các vườn trồng và đánh giá quy trình sản xuất, bảo quản, đóng gói của VN.

Như vậy, với yêu cầu từ phía HQ, trái xoài VN phải đáp ứng các điều kiện xuất khẩu. Sự khảo sát tận vườn trồng của nông dân cho đến quy trình sản xuất trái xoài là động thái cho thấy HQ rất chú trọng đến sự an toàn cho người tiêu dùng nước họ. Đề cập đến chuyện này, lão nông Nguyễn Duy Thắng ở Gò Công Đông (Tiền Giang) cho rằng: “Điều kiện mà phía HQ đưa ra rất khắt khe đối với các chủ vườn. Nhưng nếu đạt được tiêu chuẩn của họ, thì nhà vườn sẽ bán được xoài với giá rất cao, gấp từ ba đến bốn lần so với xoài bán trong nước”.

Thông tin của ông Thắng khiến người viết liên tưởng đến giá trái quýt được bán ở đảo JeJu (HQ) trong một lần tham quan hòn đảo này mới đây. Quýt được trồng trên đảo JeJu được đựng trong túi lưới khoảng 1/2kg, có màu vàng rất bắt mắt, rất ngọt nhưng không được thơm như quýt được trồng ở các vườn tại Tiền Giang, Bến Tre...và được bán với giá 160 ngàn VND/túi. Với giá trái cây nội địa như vậy, người HQ chắc chắn có khả năng tiêu thụ trái cây VN với giá rẻ hơn rất nhiều, nếu đảm bảo được các yêu cầu của họ đưa ra.

Sự hoang mang về trái cây nhập

Có thể nói, lượng trái cây từ Trung Quốc (TQ) nhập theo con đường không chính thức vào rất nhiều để tiêu thụ ở VN là một thực tế ẩn chứa nghịch lý đáng buồn. Theo đánh giá của các chuyên gia, lượng trái cây của vùng châu thổ Cửu Long có thể cung ứng cho nhu cầu trái cây của cả nước, nếu có kế hoạch khuyến khích và bảo hộ sản xuất thật tốt.

Tuy nhiên, lượng trái cây nhập ngoại, không rõ nguồn gốc hầu như đang từng bước đánh bật trái cây nội địa. Với lượng cung quá nhiều lại rẻ, trái cây TQ tràn ngập khắp nơi. Có chứng kiến hàng đoàn xe tải đổ xô vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Tam Bình (Thủ Đức,TP HCM) mới thấy được quy mô nhập khẩu theo đường tiểu ngạch dường như đang lấn át cả số lượng trái cây nhập theo đường chính ngạch.

Từ đây, trái cây nhập từ TQ sẽ toả đi khắp nơi, từ các chợ lớn cho đến các chợ cóc, các quầy trái cây trên khắp các quận huyện ở TP HCM. Thậm chí, có khi trái cây TQ còn vươn về cạnh tranh với trái cây ở các vùng miền vốn là nơi sản xuất trái cây nổi tiếng ở miền Đông và miền Tây Nam bộ.

Mới đây, dư luận lại rộ lên chuyện các loại trái cây như táo, lê có xuất xứ từ TQ để trong điều kiện bình thường đến mấy tháng vẫn tươi, không hề có biểu hiện héo úa. Thông tin ấy khiến người tiêu dùng rất hoang mang và ngay sau đó, lãnh đạo Cục bảo vệ thực vật liền lên tiếng cho rằng thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật vẫn theo sát việc kiểm tra sản phẩm hoa quả trên thị trường và kết quả ban đầu cho thấy không phải chất bảo quản nào cũng độc hại. Bởi vì có nhiều chất bảo quản là thành tựu của tiến bộ khoa học phục vụ ngành nông nghiệp.

Hiện cơ quan này đang khuyến khích doanh nghiệp đăng ký việc sử dụng các chất bảo quản an toàn để ứng dụng tại Việt Nam. Còn về sự e ngại của người tiêu dùng trong nước với trái cây có xuất xứ từ TQ, Cục Bảo vệ thực vật thông tin thêm là hiện chưa có doanh nghiệp TQ đăng ký chất bảo quản sử dụng trong hoa quả xuất sang Việt Nam và cơ quan chức năng VN đang khuyến khích các doanh nghiệp nước này đăng ký.

Điều đó cho thấy, trái cây TQ trên thị trường trong thời gian qua vẫn chưa được kiểm nghiệm và các doanh nghiệp TQ sử dụng chất bảo quản gì, liều lượng ra sao vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Thực tế ấy đã đặt người tiêu dùng vào một thế khó lựa chọn. Bởi trái cây TQ nhìn rất bắt mắt, giá rẻ. Chính vì vậy, khi trả lời báo chí, lãnh đạo Cục vệ sinh an toàn thực phẩm đã từng khuyến cáo rằng trước khi ăn trái cây phải được rửa sạch, gọt vỏ, vì vỏ là nơi tiếp xúc với các hoá chất bảo quản.

Ngày 20/3, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong số 1.500 mẫu đã tiến hành kiểm tra, kết quả ban đầu cho thấy tỉ lệ trái cây chứa dư lượng bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tối đa cho phép chiếm 7%-8%. Như vậy, số lượng mẫu chiếm 7%-8% được xếp vào loại nguy hiểm cho sức khỏe người, tỉ lệ còn lại là an toàn.

Khuyến khích nông dân mặn mà với VietGap

Có thể nói, chương trình VietGap (tiêu chuẩn toàn cầu và tiêu chuẩn VN về chất lượng trái cây) là một lối ra cho nhà vườn khi muốn xuất khẩu trái cây đến các nước và cạnh tranh với trái cây TQ ngay trên “sân nhà”. Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia chương trình này, nhiều nông dân đã “xin ra khỏi VietGap”.

Lý do rất đơn giản là họ phải thực hiện theo đúng chương trình với hàng loạt yêu cầu rất khắt khe và rất cực nhọc trong quá trình sản xuất, nhưng khi bán ra thị trường, giá cả của các sản phẩm theo VietGap vẫn chỉ bằng giá của các loại trái cây bình thường khác.

Vì thế, có rất nhiều nhà vườn trồng các giống vú sữa Lò Rèn (Vĩnh Kim, Tiền Giang), bưởi năm roi Mỹ Hoà (Bình Minh, Vĩnh Long) và khoảng 300 hộ nông dân trồng 150ha cây trái theo mô hình VietGap như nhãn Long Hòa, chôm chôm Tiên Phú, bưởi da xanh Phú Thành, măng cụt Long Thới (Bến Tre)... cũng đã không mặn mà với chương trình rất có ý nghĩa này.

Vì vậy, để khuyến khích nông dân mặn mà với VietGap, không có biện pháp nào hơn ngoài việc phải bảo hộ sản phẩm và tích cực tìm đầu ra cho trái cây sản xuất theo tiêu chuẩn này. Bộ NN và PTNT vẫn đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao nông dân xin ra khỏi VietGap, tuy nhiên theo người viết, để chương trình này lan toả và tồn tại được, cần phải có một nghiên cứu sâu rộng, trong đó phải xác định yếu tố có hay không sự cạnh tranh của trái cây nhập từ TQ đối với các sản phẩm của nông dân có tham gia chương trình VietGap.

Và ở ngay thị trường trong nước, cũng nên khuyến khích người tiêu dùng mua trái cây của nông dân tham gia chương trình này, dù giá có cao hơn một chút, chứ không nhất thiết chỉ là xuất khẩu.

Một khi trái cây sạch được sản xuất dồi dào, đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ trong nước, thì các loại trái cây nhập không an toàn với sức khoẻ người tiêu dùng sẽ bị đánh bật. Đó chính là một trong những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nhất đối với trái cây nhập tiểu ngạch từ TQ đang ồ ạt tràn sang thị trường nước ta.

An Phong

Đọc thêm