Có nên kiềm chế xuất tinh?

Khả năng cương cứng và xuất tinh là do hệ thần kinh điều khiển. Có người cho rằng, trong những cuộc “mây mưa”, dù có hứng khởi đến mấy, người đàn ông chủ động không xuất tinh thì sẽ rất tốt cho sức khỏe. Vậy có nên chủ động không xuất tinh để giữ sức khỏe không?
Khả năng cương cứng và xuất tinh là do hệ thần kinh điều khiển. Có người cho rằng, trong những cuộc “mây mưa”, dù có hứng khởi đến mấy, người đàn ông chủ động không xuất tinh thì sẽ rất tốt cho sức khỏe. Vậy có nên chủ động không xuất tinh để giữ sức khỏe không?

 

 

Như chúng ta đã biết, hoạt động tình dục là một bản năng của con người, thuộc yêu cầu sinh lý bình thường. Sinh hoạt tình dục không chỉ đem lại niềm hạnh phúc cho cả hai vợ chồng mà còn có lợi cho sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Nhưng, vấn đề là ở chỗ, hoạt động tình dục phải hết sức hài hòa và điều độ.

 

Hài hòa có nghĩa là cả vợ và chồng đều bảo trì được sự nhất trí về các mặt ham muốn, cảm hứng và cao trào tình dục. Điều độ có nghĩa là không thái quá hoặc bất cập về tần số, thời gian, cường độ... sinh hoạt. Điều quan trọng là làm sao sau mỗi cuộc “hành phòng” cả hai người đều cảm thấy thỏa mãn cả về tinh thần và thể xác, giấc ngủ sâu hơn, buổi sáng thức dậy thấy tinh thần thư thái, không đau đầu chóng mặt, không đau lưng mỏi gối...

  

Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, có khá nhiều người không thực hiện được điều này bởi những lý do khác nhau, thậm chí mang tính cực đoan. Có người ham mê sắc dục một cách thái quá, buông thả, không có sự hạn chế. Phép dưỡng sinh tình dục phương Đông gọi đó là “dục vọng phóng túng” và cho rằng: “Giao hợp nhiều thì tổn thương đến gân cốt, cơ bắp; tiết tinh nhiều thì tổn hại đến tinh lực khiến người ta sớm lão suy và đoản thọ”.

 

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, sinh hoạt tình dục vô độ, phóng tinh nhiều lần, một mặt làm cho cơ thể hao tổn một lượng khá nhiều năng lượng và các chất có vai trò quan trọng trong việc điều tiết hoạt động sinh lý của các cơ quan quan trọng và các quá trình chuyển hóa trong tế bào như prostaglandin, kẽm...; mặt khác còn làm tăng gánh nặng của tinh hoàn, kích thích bài tiết quá nhiều androgen tạo nên phản ứng ức chế ngược (feedback), ảnh hưởng bất lợi tới sự hoạt động của tuyến yên, từ đó tác động xấu tới các tuyến sinh dục, đặc biệt là tinh hoàn.

 

Có người, như trên đã nói, do hiểu không đúng quan điểm “tiết dục bảo tinh” của phép dưỡng sinh tình dục phương Đông, lại chủ trương cấm dục, hạn chế sinh hoạt nam nữ và khuyên nếu có “động phòng” thì chủ động không nên xuất tinh để bảo toàn tinh lực. Trong thực tế cuộc sống, khi sinh hoạt tình dục, người chồng nếu chưa đến giai đoạn phóng tinh đã ngừng giao hợp thì gọi là giao hợp không hoàn toàn. Cách giao hợp này không làm cho hai bên đạt được sự thỏa mãn đầy đủ về tinh thần và thể xác nên rất có hại.

 

Trên góc độ y học hiện đại mà nói, ngừng giao hợp trước khi xuất tinh khiến cho sự xung huyết toàn thân và tại khoang chậu không được nhanh chóng giải phóng; hệ thống thần kinh trung ương, đặc biệt là vỏ não, vẫn giữ trạng thái căng thẳng suốt một thời gian dài, các bộ phận sinh dục như tinh nang và tuyến tiền liệt không tiết dịch nên cũng lâm vào tình trạng ức chế. Như vậy, đối với người chồng, trạng thái hưng phấn quá dài không được giải tỏa sẽ nảy sinh cảm giác mệt mỏi, thậm chí lâu ngày có thể gây nên các bệnh lý như viêm tuyến tiền liệt, viêm túi tinh mạn tính, viêm đường dẫn tinh, viêm tinh hoàn, liệt dương...

 

Với người vợ, cách sinh hoạt tình dục này không đem lại sự thỏa mãn dễ làm nảy sinh trạng thái lãnh cảm, rất khó đạt tới cao trào khoái cảm thực sự, thậm chí do khung chậu bị xung huyết kéo dài mạn tính dễ gây ra chứng đau lưng, đau bụng, đau đầu và trạng thái thần kinh không ổn định...

 

Từ xa xưa, các nhà y học cổ đại cũng đã chỉ ra rằng: sinh hoạt tình dục phải đạt đến độ âm dương giao hòa tuyệt đối thì mới tốt cho sức khỏe, nếu âm dương bất giao thì sẽ sinh bệnh. Tôn Tư Mạo, danh y đời Đường (Trung Quốc) đã nói: “Những người thể chất khỏe mạnh, khí lực cường thịnh thì không nên kìm nén cố chịu, nếu lâu ngày tinh dịch không tiết ra sẽ gây ung nhọt độc”.

 

Bởi vậy, việc chủ động không xuất tinh một cách thường xuyên là hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, “tiết dục bảo tinh” không có nghĩa là cấm dục, tuyệt dục, chỉ tàng giữ tinh lại không cho tiết ra mà chính là trong phạm vi sinh lý bình thường, hạn chế ham muốn tình dục và xuất tinh quá mức để không làm cho âm tinh nói chung và tinh dịch nói riêng bị hao tổn nhiều quá mà thôi.

 
Theo Dân Trí

Đọc thêm