Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 16/6/2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Sau hơn 4 năm triển khai, Luật số 47 đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu cải cách và đơn giản hóa hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, một số quy định của Luật này đã bộc lộ tồn tại, hạn chế, cần được nghiên cứu, sửa đổi, trong đó có quy định liên quan tới người nước ngoài nhập cảnh theo diện miễn thị thực đơn phương.
Miễn thị thực đơn phương được hiểu là việc một người nước ngoài nhập cảnh vào một nước khác không phải xin thị thực vào quốc gia đó trong khi công dân của quốc gia nhập cảnh này phải xin thị thực của quốc gia mà người nước ngoài nhập cảnh.
Theo quy định hiện nay, Việt Nam miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 nước gồm: Đức, Pháp, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Bê La Rút, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga. Ví dụ như Việt Nam ký hiệp định về miễn thị thực đơn phương với Nhật Bản, theo hiệp định này, công dân Nhật Bản được miễn thị thực khi vào Việt Nam, trong khi công dân Việt Nam không được miễn thị thực vào Nhật Bản mà phải xin thị thực trước khi nhập cảnh vào Nhật Bản.
Theo khoản 1 Điều 20 của Luật số 47 thì người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày. Quy định trên nhằm hạn chế tình trạng người nước ngoài lợi dụng chính sách miễn thị thực đơn phương vào Việt Nam làm việc nhưng không thực hiện quy định của pháp luật về lao động. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cho rằng quy định trên đã gây khó khăn đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để du lịch theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về điều kiện đối với người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực.
Một quy định khác liên quan tới công dân vào Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực là họ có thời hạn tạm trú không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Liên quan tới vấn đề này, trước đó, Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia đã có lần kiến nghị nâng thời hạn tạm trú tại Việt Nam cho công dân 5 nước Tây Âu được miễn thị thực đơn phương gồm: Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha từ 15 ngày lên 30 ngày lưu trú tại Việt Nam. Bởi theo thống kê, lượng khách châu Âu nói chung và Tây Âu nói riêng đến Việt Nam ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2015, có 720.000 lượt khách Tây Âu đến Việt Nam, năm 2016 chúng ta tăng lên được 855.000 lượt khách và năm 2017, 2018 lượng khách Tây Âu đến Việt Nam là khoảng 1,5 triệu lượt.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 47, Bộ Công an đề nghị giữ nguyên mức thời hạn tạm trú 15 ngày, không nâng lên 30 ngày đối với người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực vì dự thảo Luật đã luật hóa quy định về việc cấp thị thực điện tử thời hạn 30 ngày và bỏ điều kiện người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày. Do đó, nếu nâng thời hạn tạm trú lên 30 ngày thì sẽ không thu hút được người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử.
Mặt khác, người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử chưa phát sinh vấn đề phức tạp vì đều được kiểm soát từ khi họ làm thủ tục. Còn đối với người vào theo diện miễn thị thực đơn phương thì dễ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp như hoạt động tôn giáo, báo chí, nhân quyền, kinh doanh du lịch, lao động trái phép…do đó không nên nâng thời hạn tạm trú lên 30 ngày để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, thực tế hiện nay, quy định thời hạn tạm trú là 15 ngày là phù hợp vì tour du lịch thường không dài quá 15 ngày, còn các trường hợp có lý do chính đáng đều được giải quyết gia hạn tạm trú, đảm bảo lợi ích của công dân.