Nếu thuốc ngủ có thể giải thoát bạn khỏi những “đêm trắng” thì nó cũng có khả năng trở thành “kẻ cắp” làm khánh kiệt giấc ngủ của bạn.
Truy tìm kẻ “đánh cắp” giấc ngủ
Theo Tiến sĩ Ngô Thanh Hồi (Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương) giấc ngủ đối với con người là một tiêu chuẩn bắt buộc đánh giá chất lượng cuộc sống. Nhưng đời sống hiện đại có quá nhiều yếu tố khiến bạn liên tục có những “đêm trắng”. Nguyên nhân gây mất ngủ đó có thể chia theo ba nhóm:
- Yếu tố tâm lý: lo âu, tức giận, sợ hãi, ghen tuông, hận thù, trầm uất… khiến bạn mệt mỏi, căng thẳng khó ngủ.
- Yếu tố thần kinh: các bệnh lý tổn thương thực thể não và hệ thần kinh trung ương hoặc các bệnh gây nên sốt, suy nhược… khiến thể trạng suy nhược, khó chịu.
- Yếu tố thể dịch: biến đổi nội tiết tố, hormone do tuổi tác, do chất kích thích… gây ra hiện tượng suy giảm giấc ngủ.
Với đối tượng trung niên thì stress, áp lực cuộc sống hiện đại và sự suy giảm hormone tăng trưởng là những nguy cơ chủ yếu nhất dẫn tới mất ngủ triền miên. Do đó, thuốc ngủ trở thành vật bỏ túi với nhiều người vì chúng mang lại hiệu quả tức thời hơn các liệu pháp khác (bấm huyệt, uống thuốc Đông y, ăn uống…).
Trong khi người phương tây xem việc sử dụng thuốc ngủ là bình thường thì nhiều người Việt bị chứng khó ngủ vẫn còn mơ hồ, xa lạ và thậm chí nhiều người còn “nghi kị” vì cho rằng thuốc an thần, thuốc ngủ là độc dược. Theo dược sĩ Phạm Thanh Thủy (Chuyên viên tư vấn Botania – Hà Nội) thì hiện tượng trái chiều trong tiếp nhận loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ này là hệ quả của việc dùng thuốc bừa bãi và mù mờ qua nhiều thế hệ của người Việt chúng ta. Từ trước đến nay, nếu người phương tây chỉ có thể sử dụng được thuốc ngủ khi có toa kê bắt buộc của bác sĩ chuyên ngành, thì người Việt thường có tâm lý tự mua tự uống, thậm chí thích uống quá liều để thuốc mau có tác dụng nên việc sử dụng thuốc ngủ trở thành nguy hiểm và từ đó cái mác: “Thuốc ngủ = Nguy hiểm=> lánh xa” trở thành phản xạ của người Việt.
“Ứng xử” với thuốc ngủ
Trong phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương thì uống thuốc ngủ là phương pháp cuối cùng khi những liệu pháp khác không hiệu quả. Bởi chúng là loại thuốc có tính hai mặt rõ rệt: an thần giữ giấc ngủ và cũng lại là độc dược hạng nhất. Do đó vấn đề không phải là dùng hay không dùng mà dùng như thế nào.
Để dùng thuốc ngủ an toàn, bạn nên tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng của bạn và chọn loại thuốc phù hợp.Thuốc tạo được khởi đầu và duy trì giấc ngủ. Không gây tình trạng nhờn, lệ thuộc thuốc và có thể cắt bỏ, đổi loại khác. Sau một thời gian sử dụng thuốc ngủ, bác sĩ sẽ chỉ định kê lại toa cho người bệnh để tránh nhờn thuốc, tránh phản ứng phụ gây rối loạn tâm thần. Đối với những người mất ngủ thường xuyên thể uống đều đặn mới duy trì được giấc ngủ. Nhưng trong trường hợp không phải tối nào cũng mất ngủ, nên dùng thuốc gián đoạn và chỉ uống khi thấy cần.
Lưu ý
- Phụ nữ mang thai, người bệnh hô hấp, gan, thận tuyệt đối không dùng thuốc ngủ. Vì chúng ảnh hưởng tới sự điều hòa chức năng gan, thận, sức khỏe thai nhi.
- Tuyệt đối không sử dụng thuốc ngủ cùng các chất có cồn như rượu, bia. Nếu phải lái xe đường dài hoặc hoạt động thể chất nặng, bạn không nên dùng thuốc ngủ vào buổi tối hôm trước.
- Nhiều người đang dùng thuốc và thấy chưa hài lòng với giấc ngủ, tự ý tăng liều lượng. Đó là mối nguy hiểm nhất trong việc dùng thuốc bởi dễ gây tử vong. Khi liều cũ không thấy tác dụng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đổi toa.
- Mỗi loại thuốc phù hợp với thể trạng, bệnh tình của từng đối tượng. Dùng nhiều loại cùng một lúc dễ gây hại cho sức khỏe, phản ứng thuốc, sốc thuốc../.
Minh Tiến