Có nên thu phí cao tốc đầu tư từ ngân sách?

(PLVN) - Việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất thu phí đường cao tốc đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước đang tạo ra nhiều phản ứng thuận, ngược khác nhau. Một số chuyên gia tài chính thể hiện sự phản đối, trong khi các giới am tường lĩnh vực giao thông thì cho đây là chủ trương đúng, vấn đề cách thu sao cho hợp lí.
Nhiều người lo phí chồng phí nếu tiến hành thu phí cao tốc đầu tư từ ngân sách.

Bộ GTVT rất quyết tâm

Đang có những động thái cho thấy Bộ GTVT đang quyết tâm thu phí đường cao tốc được đầu tư bằng vốn ngân sách. Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí vào Danh mục phí, lệ phí tại Luật Phí và lệ phí.

Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trực thuộc như Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Vụ Đối tác công - tư, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Viện Chiến lược, Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án.

Các nguyên tắc thu phí đường cao tốc được Bộ GTVT xác định là chỉ thu phí đối với các đường cao tốc đi song song với đường quốc lộ do ngân sách Nhà nước đầu tư để người dân có quyền lựa chọn; việc thu phí được thực hiện tại trạm thu phí trên tuyến đường cao tốc. Mức phí phải phù hợp với chất lượng dịch vụ, nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc.

Xung quanh vấn đề này, TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, thể hiện rõ sự băn khoăn khi cho rằng: Ngân sách Nhà nước cũng là tiền người dân; nay dùng ngân sách đầu tư hạ tầng, nhưng vẫn thu tiền người dân thì không hợp lí, bởi tiền ngân sách phải bỏ ra xây dựng giao thông, hạ tầng là việc đương nhiên.

Một số ý kiến khác thì lập luận rằng, chủ các phương tiện ô tô hiện nay đã phải đóng nhiều khoản thuế, phí. Nếu tới đây thu thêm phí khi đi trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư thì sẽ tăng thêm chi phí vận tải, cuối cùng người dân, doanh nghiệp chính là những đối tượng phải trả thêm các khoản tăng này. 

Chuyên gia gợi ý 4 tiêu chí để thu

Tuy nhiên, giới am hiểu lĩnh vực giao thông lại ủng hộ chủ trương thu phí trên cao tốc do Nhà nước đầu tư. TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị cho biết, qua một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, ông ủng hộ chủ trương thu phí trên cao tốc do Nhà nước đầu tư. Theo ông Thủy, Nhà nước đã bỏ tiền ra đầu tư các đường quốc lộ, nay bỏ tiền ra đầu tư thêm đường cao tốc rộng hơn, đẹp hơn thì cũng cần phải tính toán.“Nói vui, anh nào nhà giàu, có tiền thì đi đường này, nếu không anh vẫn có thể đi đường khác”, ông Thủy nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này, thu trên đường cao tốc nào thì cần cân nhắc và xây dựng tiêu chí cụ thể. Theo đó, ông gợi ý bốn tiêu chí đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách có thể thu phí. Thứ nhất, đường cao tốc từ địa điểm A đến địa điểm B cần có hai đường, tức không thu trên đường độc đạo, tạo điều kiện để người dân có quyền lựa chọn. Thứ hai, mức thu phí phải thấp để người dân “dễ thở” và không trở thành gánh nặng chi phí. Do là tiền ngân sách nên thời gian thu phí có thể kéo dài, đây cũng là điều kiện để mức thu phí thấp xuống. 

Thứ ba, phải thực hiện thu phí không dừng để minh bạch việc thu, tránh thất thoát tiền thu được. Cuối cùng, các điểm thu phí phải đúng vị trí, tránh tình trạng đặt trạm thu phí bất hợp lý như từng xảy ra ở nhiều dự án BOT khiến người dân bức xúc. “Thu ít, thu chậm, mục tiêu xây dựng cao tốc vẫn là để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại là chính, không mang nặng vấn đề thu được bao nhiêu trong thời gian bao lâu. Đặt mục tiêu chính là thu được bao nhiêu là không được”, ông Thủy nhấn mạnh.

Vị này cũng cho rằng, người dân và doanh nghiệp cần thông cảm cho Nhà nước vì hiện nay tiền ngân sách không nhiều mà hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam còn đang rất thiếu, cần nhiều nguồn lực để đầu tư.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, mô hình thu phí trên cao tốc được đầu tư từ ngân sách đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Liên quan đến việc có phí chồng phí hay không, ông Đông cho biết, hiện phí bảo trì đường bộ các xe đang đóng hàng năm là thu để bảo trì cho toàn bộ các đường khác nhau, gồm đường xã, thôn, tỉnh, huyện. “Việc thu phí này là cả mạng lưới đường, còn anh đi cao tốc thì anh chỉ trả cho phần anh đi đường riêng, an toàn, nhanh hơn”, ông Đông giải thích.

Đọc thêm