Có nên tính đến mức sàn lương hưu?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Pháp luật hiện hành quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm trở lên được hưởng lương hưu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng. Muốn hưởng mức tối đa 75%, lao động đóng 30 - 35 năm. Định kỳ lương hưu được điều chỉnh tăng dựa theo chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế. Người hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Chỉ tính riêng tại TP HCM, có hơn 222.000 người đang nhận lương hưu với mức hưởng trung bình mỗi tháng gần 6 triệu đồng. Vấn đề nằm ở chỗ có trường hợp hưởng rất cao với hơn 124 triệu đồng, nhưng có người chưa đến 1 triệu đồng. Có hơn 45.000 người nhận lương hưu dưới 3,8 triệu đồng mỗi tháng, thua mức thu nhập chuẩn nghèo của TP. Nhóm thấp chủ yếu rơi vào công nhân do mức đóng thấp và thời gian tham gia ngắn.

Vì vậy, tại cuộc đối thoại giữa đại diện công đoàn một số Cty đóng ở Khu công nghệ cao (Thủ Đức) với BHXH TP HCM mới đây, một số ý kiến đưa ra nên quy định mức lương hưu thấp nhất nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu của lao động khi về già.

Chủ tịch công đoàn một Cty đề xuất cần quy định mức lương hưu thấp nhất, căn cứ vào lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng để tính toán tỷ lệ phù hợp. Với những người hưởng mức thấp cần được nâng lên cho bằng để đảm bảo được cuộc sống.

Theo ý kiến này, Nhà nước có quy định lương tối thiểu (vùng I, ví dụ TP HCM là 4,68 triệu đồng) nhằm đảm bảo cho cuộc sống người lao động ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, nhiều công nhân về hưu lương chỉ 2 triệu đồng, chưa bằng một nửa lương tối thiểu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Lương hưu hàng tháng của người lao động cao hay thấp dựa vào mức tiền lương tháng để đóng BHXH và thời gian đóng, tức tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng. Đại diện công đoàn Cty này cho rằng chính sách cần vận dụng thêm nguyên tắc sẻ chia giữa người lương hưu cao vài chục hoặc cả trăm triệu đồng/tháng và người nhận khoản tiền quá thấp, không đủ sống dù là mức tối thiểu.

“Khi đã có sự chia sẻ giữa các nhóm cần có quy định sàn lương hưu với mức hưởng tiệm cận với lương tối thiểu vùng”, ông đề xuất. Khi người lao động nhìn thấy tuổi già được đảm bảo, ít nhất ở mức cơ bản nhất, họ sẽ tin tưởng và ở lại với hệ thống.

Chủ tịch công đoàn một Cty khác đồng ý kiến, nói lao động tham gia BHXH để khi hết tuổi lao động được hưởng lương hưu là chính sách tốt. Bà luôn khuyến khích, động viên công nhân ở lại với hệ thống, không nên nghỉ việc để nhận trợ cấp một lần. Tuy nhiên, dù rất cố gắng thuyết phục, song không ít trường hợp vẫn ưu tiên chọn BHXH một lần. Trong nhiều lý do để công nhân rời hệ thống phải kể đến số tiền người lao động nhận được khi về hưu rất thấp.

Trong bối cảnh giai đoạn 2016 - 2022 hơn 4,84 triệu lao động rút BHXH 1 lần; và chỉ bốn tháng đầu năm 2023, gần 370.000 lao động đã rút BHXH 1 lần, tăng 20% so với cùng kỳ, theo con số chính thức do BHXH Việt Nam công bố; thì những ý kiến nêu trên là rất đáng cân nhắc xem xét, đảm bảo lợi ích hài hòa vừa giữ vững mạng lưới an sinh, vừa đảm bảo cuộc sống người lao động.

Đọc thêm