Có nên vội thử nghiệm?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đường Lê Lợi dài chừng 1km, gần chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, là một trong những tuyến phố thương mại, dịch vụ sầm uất bậc nhất trung tâm TP HCM; có thể gọi là một phần bộ mặt đô thị TP.
Đường Lê Lợi. Ảnh: Ngọc Dương/Thanh Niên
Đường Lê Lợi. Ảnh: Ngọc Dương/Thanh Niên

Nhiều năm qua, tuyến đường này bị rào chắn để thi công ga ngầm Metro số 1. Nửa năm trước, công trường hoàn trả mặt bằng, UBND quận 1 đề xuất chuyển con đường này thành con phố đi bộ để thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế đêm, có nhiều mảng xanh.

Tuy nhiên, mới đây Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) cho rằng, với hiện trạng không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước, nên đề xuất lắp mái che vừa che nắng mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho hoạt động thương mại - du lịch bên phần đường Lê Lợi cùng hướng chợ Bến Thành.

Mái che sẽ có kết cấu khung sắt lợp tôn, đóng trần phía dưới. Kích thước mái che dọc hai bên vỉa hè mỗi bên trung bình 5,5 - 6m. Kinh phí ước tính 20 - 30 tỷ đồng (gồm chi phí vật tư, nhân công, thi công...). Sở QH-KT cho rằng phương án lắp mái che là phù hợp với “tầm quan trọng của đường Lê Lợi là tuyến đường trọng điểm trong khu vực trung tâm TP, cần thiết phải thiết kế cảnh quan phù hợp nhằm tăng tính hấp dẫn, tiện ích cho người dân, tạo không gian thương mại mua sắm dọc phố sinh động. Ngoài ra còn hướng tới mục tiêu đồng bộ với các tuyến đường xung quanh như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi thành không gian đi bộ lớn của TP đảm bảo tính hiện đại, bảo tồn các kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử”.

Một số TP lớn trên thế giới đã lắp mái che vỉa hè, nhưng chỉ ở khu vực đã có metro hoặc mạng lưới giao thông công cộng đồng bộ. Lợp mái giúp che nắng mưa, thuận tiện cho người đi bộ, hoặc dừng chân nghỉ ngơi. Nhưng điểm dở của phương án lắp mái che bằng tôn dọc tuyến sẽ làm giảm sự thông thoáng, gây ngột ngạt do thời tiết ở TP HCM vào mùa nắng oi bức. Chưa nói đến chuyện số tiền đầu tư ban đầu, việc lắp mái che sẽ tốn kém cho duy tu, bảo dưỡng. Vào mùa mưa, mái che nếu không được quản lý tốt dễ gây mất an toàn, có thể đổ sập nếu gặp gió mạnh.

Nhiều ý kiến khác cũng không ủng hộ đề xuất của Sở QH-KT làm mái che dọc vỉa hè đường Lê Lợi, vì có thể gây xáo trộn, làm mất các nét kiến trúc đặc trưng ở trung tâm TP. Mái che sẽ làm không gian ở khu vực vốn đông người xe qua lại thêm bức bí, gây ra cảnh nhếch nhác. Nếu chỉ cần tạo bóng mát cho đường Lê Lợi, việc bố trí mảng xanh sẽ không tốn quá nhiều thời gian. Thay vì trồng các loại cây nhỏ từ đầu, chờ trưởng thành thì có thể chuyển những cây lớn 3-4 năm tuổi từ nơi khác đến. Nếu chăm sóc tốt, cây sinh trưởng nhanh chỉ cần thêm 1-2 năm giúp khu vực rợp bóng mát. Giải pháp này cũng góp phần cải thiện môi trường ở trung tâm TP vốn đang rất thiếu mảng xanh; và đã được rất nhiều nơi thực hiện.

Quan điểm của Sở QH-KT là rất sáng tạo, có sự tìm hiểu tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhưng có nên thử nghiệm với đường Lê Lợi hay không, thì là chuyện đáng phải suy nghĩ. Ngay Sở QH-KT cũng đánh giá “là trục đường thương mại dịch vụ, đường Lê Lợi thường xuyên là nơi dừng chân của du khách du lịch, là cầu nối giữa các công trình trọng điểm của TP như chợ Bến Thành, Nhà hát Lớn TP và phố đi bộ Nguyễn Huệ”; thì có lẽ không nên thử nghiệm phương án mái che với tuyến phố là bộ mặt đô thị TP HCM. Một đặc trưng trước đây của đường Lê Lợi là hai bên hàng cây xanh rợp bóng mát. Hiện một bên tuyến vẫn tồn tại hàng cây cũ nên phía còn lại cần trồng cây xanh tương tự để khôi phục lại cảnh quan cho đường như xưa.

Đọc thêm