“Con người chỉ có thể trở thành Người là nhờ giáo dục. Con người là những gì được giáo dục tạo nên”. Nhiều ngày, từ lúc bước ra khỏi căn phòng giản dị nằm trong một khách sạn nhỏ trên đường Lê Duẩn, nơi diễn ra cuộc trò chuyện gần 3 giờ đồng hồ với TS Bùi Trân Phượng, tôi đã bị ám ảnh bởi câu nói này của một triết gia người Đức.
Vẫn cách nói nhanh, gấp như sợ thứ ngôn ngữ diễn đạt bằng lời kia không đuổi kịp những dòng tư duy sắc bén đang ào ạt tuôn trong đầu, vị hiệu trưởng ĐH Hoa Sen kể về những trải nghiệm không thể nào quên trong cuộc đời đi học và đứng trên bục giảng của bà.
Tất cả những gì đã làm nên một Bùi Trân Phượng của ngày hôm nay – một trí thức có tư duy độc lập, cư xử và hành động theo điều mình nghĩ là đúng và biết bảo vệ cái đúng đó, được hun đúc từ một hành trình dài của giáo dục gia đình, nhà trường và những nỗ lực không mệt mỏi của một cá nhân trên con đường “tu thân”.
Đối với bà và nhiều cộng sự cùng chung chí hướng khác, giáo dục không chỉ đơn thuần là một công việc, mà hơn cả, nó là một sứ mệnh. Sứ mệnh góp phần tạo nên một thế hệ trí thức mới trưởng thành cả về tư duy và nhân cách để có thể độc lập bước đi trong sự biến động khốc liệt của thời cuộc.
Nhiều SV VN không có năng lực tư duy
PV: Cái tên Hoa Sen có ý nghĩa gì, thưa bà?
Hoa sen trong lịch sử dân tộc VN vốn được coi là một biểu tượng trong sạch. Chúng tôi chọn tên Hoa Sen cho dự án đại học của mình cũng vì muốn tới sự trong sạch và những hoài bão cao đẹp. Thực ra, vào đầu thập niên 90, khi có ý tưởng xây dựng ĐH Hoa Sen theo một mô hình ĐH tiên tiến, hiện đại, thì hoàn cảnh, môi trường VN có nhiều điều kiện không thuận lợi cho sự ra đời và phát triển mô hình này. Thế nên, chúng tôi cũng muốn gửi gắm vào cái tên này những khát vọng vươn lên mạnh mẽ từ điều kiện không thuận lợi đó.
PV: Bà còn nhớ những điều kiện không thuận lợi đó?
TS Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen TP.HCM: "Nhiều SV không có năng lực tư duy đúng với cái lứa tuổi của họ". |
Tôi không biết giải thích với chị như thế nào nhưng tôi có nhớ gần đây, tôi đã trả lời phỏng vấn một tờ báo rằng: cái gốc của ĐH ở châu Âu là xuất phát từ tầng lớp trung lưu của xã hội thời bấy giờ. Họ không phải là những nhà quý tộc có đặc quyền chính trị, mà là tầng lớp nắm trong tay quyền lực kinh tế và tri thức. Họ muốn vươn lên và tự khẳng định họ bằng cái tri thức và bằng quyền lực kinh tế của họ.
Và mô hình trường ĐH Humboldt (Đức) với sự kết hợp giữa văn hóa và phê phán và một tinh thần tự trị cao đã ra đời như một yêu cầu của lịch sử. Đó cũng là cái gốc của mô hình đại học hiện đại ngày nay mà ĐH Hoa Sen muốn hướng tới.
Tuy nhiên, Việt Nam lại là một quốc gia phương Đông chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo với một nền giáo dục ĐH đặt trong bối cảnh chung đó. Như vậy, cách đặt vấn đề của chúng tôi theo một tư duy khác về mô hình đại học sẽ gặp khó khăn trong một bối cảnh xã hội chung như vậy.
Tuy nhiên, trong quan niệm của tôi, Nho giáo hay bất kỳ tư tưởng lớn lao nào đã trường tồn với nhân loại thì đều chứa trong nó những chân lý cốt lõi, những giá trị bền vững lâu dài. Chữ “Đại học” bậc cao theo quan niệm của Nho giáo thì cũng hướng người học đến bậc cao nhất là biết suy nghĩ độc lập.
Nhà nho hay các sỹ phu là những người biết suy nghĩ, hành xử theo cái suy nghĩ độc lập của họ và đó là điểm gặp gỡ giữa phương Đông và phương Tây ở một tinh thần ĐH chung là tạo ra những trí thức biết dùng cái đầu của mình để sống và hành xử theo những điều mình nghĩ, mình biết, mình hiểu là nó đúng. Nhưng cũng không coi nó là một chân lý vĩnh viễn mà luôn luôn tự đặt lại vấn đề cái tôi nghĩ, tôi biết ngày hôm qua còn đúng với hôm nay hay không?
PV: Đó cũng là giá trị cốt lõi mà một mô hình ĐH cần hướng đến?
Trong chương trình của SV ĐH Hoa Sen hôm nay có một môn học gọi là tư duy phản biện, theo nghĩa muốn rèn cho người học thói quen luôn phải đặt lại vấn đề và không coi một chân lý nào là vĩnh viễn. Khi học được thói quen đó, người ta sẽ bớt định kiến hơn với những cái khác biệt với mình.
Tôi nói là “bớt” vì mong ai đó hoàn toàn không có định kiến là điều khó theo nghĩa người ta tư duy trên cơ sở những hiểu biết cũ của những người trước. Tư duy trên kinh nghiệm của người khác là lẽ tự nhiên, nhưng đừng làm cái kinh nghiệm đó làm sơ cứng suy nghĩ của mình, làm cho mình không còn nghĩ ra cái gì khác với cái mà cha ông mình để lại.
Nhưng đó lại là một phần “tai hại” của Nho giáo khi hướng người học đến tinh thần thượng tôn quá khứ, thượng tôn người đi trước, lý tưởng hóa kinh nghiệm cũ khiến nó trở thành một cái gì đó nặng nề, áp đặt và “giết chết” phần sáng tạo của người đi sau.
Đó cũng là một trong những điều kiện không thuận lợi cho ĐH Hoa Sen, ngoài chuyện “nghèo” về vật chất, thì những truyền thống văn hóa cũ, tôn ti trật tự, “trứng khôn hơn vịt”… đã ăn sâu vào nếp nghĩ của xã hội cũng là một điều khó khăn cho việc phát triển một mô hình ĐH hướng người học đến sự độc lập, sáng tạo trong tư duy.
Cái khó nhất đến từ người thầy
PV: Khó khăn này đến từ phía người học hay phía giảng viên, thưa bà?
Tôi nghĩ về phía sinh viên thì không có khó khăn nhiều. Nhưng cái nhược điểm lớn nhất của SV, xin cho tôi được nói thẳng, đó là vì nhiều SV không có năng lực tư duy đúng với cái lứa tuổi của họ. Cũng bởi vì họ đã được giáo dục trong môi trường gia đình và xã hội mà người ta coi họ là trẻ con quá lâu.
Tôi hay giao thiệp với người nước ngoài cho nên họ hay chia sẻ với tôi những điều mà tôi thấy cực kì đúng về mặt xã hội học như là có những ông trung niên 50 tuổi mà vẫn sống dựa vào bố mẹ hay chuyện phụ huynh can thiệp quá nhiều vào đời sống con cái dù họ đã qua tuổi trưởng thành.
"Thế giới đang thay đổi rất nhiều và hiện nay người ta học không chỉ để tự khẳng định mình, không chỉ để có tư duy, có kiến thức… mà còn để thích ứng với sự thay đổi". |
Nhiều SV có thể học cao hiểu rộng, có thể biết nhiều kiến thức hơn cha mẹ nhưng trong cung cách cư xử, trong cách sống có điều gì đó vẫn rất trẻ con. Ví dụ như trước đây, trường Hoa Sen có tổ chức buổi thảo luận về cách xưng hô thì nhiều SV phát biểu không thích xưng “tôi” với thầy cô vì nghe không “thân yêu”.
Tôi hiểu, đó cũng là vì thói quen văn hóa, suy nghĩ của nhiều em luôn coi thầy cô như cha mẹ, là bề trên nên khi xưng là “con”, là “em” thì đúng với vị trí thấp của mình so với xưng “tôi” khi mình đặt mình ngang hang với “bề trên” đó.
Đó là một biểu hiện của việc SV làm “trẻ con” quá lâu và nó trở thành một lực cản, nhưng thực ra cái lực cản đó rất dễ vượt qua nếu chúng ta tạo điều kiện cho họ trở thành “người lớn”.
Vậy, cái khó nhất không nằm ở học trò mà nằm ở người thầy.
Bao giờ cũng thế, khi bạn đang ở một vị trí trên mà cái uy quyền tri thức, uy quyền hiểu biết của bạn bị chao đảo bởi những người có “vị trí thấp hơn" thì nó sẽ gây khó chịu cho bạn. Để vượt qua những điều này thì phải rất cần đến cái TÂM của người thầy, theo ý tôi là niềm sung sướng, mừng vui của người thầy khi thấy học trò hiểu biết hơn, khôn ngoan hơn, trưởng thành hơn.
Bản thân tôi là người không bao giờ chấp nhận một cách suôn sẻ việc tổ chức tặng hoa, tặng quà cho giáo viên vào ngày 20-11. Tôi chỉ nhận một món quà khi đó là một bó hoa từ tập thể lớp chứ không bao giờ tôi nhận bất cứ một cái gì từ cá nhân.
Một số SV tỏ ra khó chịu và cho đó là thành tâm của các bạn, thì tôi đã chia sẻ lại rằng tôi không muốn sự thành tâm đó bộc lộ trong ngày này, vì lẽ nó sẽ duy trì một quan hệ "thầy là cha" và học trò chịu ơn thầy, mà là sự chịu ơn một chiều thì tôi cho là không đúng. Bởi vì quan hệ thầy trò đúng nghĩa là quan hệ cùng nhau khám phá tri thức mới, cùng học lẫn nhau để cùng nhau tiến bộ.
PV: Nói như vậy thì hóa ra có nhiều truyền thống cũ đang được xã hội tôn thờ lại là rào cản lớn để áp dụng những phương pháp dạy và học tiên tiến vào thực tế?
Đúng, tôi nghĩ nó là rào cản nhưng không có nghĩa là trong một ngày chúng ta tuyên bố bỏ cái này bỏ cái kia, mà mỗi người học hay mỗi người dạy phải có một tư duy phản biện để gạn lọc những điều hay, lẽ dở. Có những điều chúng ta quen nghĩ là nó đúng, vậy sao chúng ta không thử đặt nó từ một góc nhìn khác xem nó còn đúng nữa hay không? Hay nó có mặt này được và mặt kia chưa được
PV: Vậy theo bà, sứ mệnh của ĐH VN nói chung trong giai đoạn hiện nay với thế hệ trẻ và cả tương lai phát triển của dân tộc là gì?
Tôi hiểu rằng là thế giới đang thay đổi rất nhiều và hiện nay người ta học không chỉ để tự khẳng định mình, không chỉ để có tư duy, có kiến thức… mà còn để thích ứng với sự thay đổi. Trường ĐH cũng đang thay đổi nhanh chóng thành ra tôi cũng không nói được cụ thể mô hình ĐH VN trong thế kỷ 21 là như thế nào, sứ mệnh của nó ra sao. Năm vừa rồi chúng tôi cũng có tổ chức hội thảo “ĐH nào cho VN trong thế kỷ 21” .
Trong thực tế, mặc dù mô hình ĐH phương Tây đã quá già cỗi nhưng VN vẫn đang “bê nguyên” những kiểu mẫu đó. Có những người vẫn “khư khư” đi theo môi trường ĐH mà họ biết thời thanh niên khi mà bây giờ họ đã qua tuổi trung niên. Trường ĐH mà tốt cho SV 20 tuổi ngày hôm nay không thể giống trường ĐH tốt cho chúng tôi hồi 20 tuổi của 60 năm về trước được.
Vậy thì, chúng ta phải luôn luôn tự đặt lại vấn đề, luôn luôn suy nghĩ, luôn luôn đặt câu hỏi ĐH của VN, đất nước VN, và thế giới đang đi về đâu và phải thay đổi như thể nào để thích ứng, để chuẩn bị cho xã hội hiện tại và tương lai những con người “hợp” chuẩn.
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Sơn Khê (Thực hiên)