Có phải bọ xít ’thích’ hút máu người?

QTV - Bọ xít hút máu có thể tấn công người nhưng chỉ trong tình huống bắt buộc, chứ chúng không chủ tâm tìm người để hút máu, chuyên gia côn trùng học Phạm Bình Quyền khẳng định.

QTV - Bọ xít hút máu có thể tấn công người nhưng chỉ trong tình huống bắt buộc, chứ chúng không chủ tâm tìm người để hút máu, chuyên gia côn trùng học Phạm Bình Quyền khẳng định.

Trước thông tin phát hiện những ổ bọ xít hút máu người lên đến cả ngàn con, không ít người dân đã hoang mang, lo lắng. Vậy thực chất loại bọ xít này có đáng lo như vậy? Đất Việt đã có cuộc trao đổi với chuyên gia côn trùng học, tiến sĩ Phạm Bình Quyền, Viện trưởng viện Môi trường và phát triển bền vững, xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, Hà Nội liên tiếp phát hiện các ổ bọ xít hút máu người tại nhà dân, có ổ lên tới 1.000 con. Nhiều như vậy thì nguy cơ bệnh tật, tử vong cho người sẽ rất lớn? 

- Trước hết, tôi đề nghị “trả lại tên” cho giống bọ xít này. Các báo đều đưa tin là loài bọ xít hút máu người, nhưng thực ra chúng là bọ xít hút máu hoặc là bọ xít ăn dịch của động vật và vật chủ ưa thích của nó là chuột, sau đó đến sâu bệnh, gà, chim… chứ không phải là người. Vì vậy, chúng ta không nên lo ngại. Trên thế giới tồn tại ba giống bọ xít hút máu, gồm Rhodinius, Triatoma và Panstrongylus. Ở Việt Nam chủ yếu là giống Rhodinius nhưng cũng có lẻ tẻ một số loài trong ba giống trên tồn tại. Ở ngoài tự nhiên, chúng hút máu các loại động vật, chủ yếu là chuột, nên bọ xít hút máu thường sống trong các bụi cây, cành khô, cây khô… là những nơi chuột hay qua lại. Từ trước tới nay, bọ xít hút máu có nhiều ở miền núi, trung du. Hiện nay, do môi trường sống bị xáo trộn nên chúng có ở thành thị, nơi đông người. Thực tế, trong tự nhiên, bọ xít hút máu là loài có ích, tiêu diệt các loại côn trùng gây hại, sâu bệnh.

Chuyên gia Phạm Bình Quyền.
Chuyên gia Phạm Bình Quyền.

- Thực tế nghiên cứu cho thấy, ổ bọ xít phát hiện gần đây nhất 1.000 con lại không thấy có hang ổ của chuột và nhiều người đã bị bọ xít đốt, thưa ông?

- Mọi người thấy có nốt sưng, tìm thấy bọ xít thì bảo là do bọ xít đốt. Vậy đã có ai tận mắt nhìn thấy bọ xít đang hút máu người và có vết sưng như vậy chưa? Bọ xít có thể tấn công người nhưng chỉ là tình huống bắt buộc, chứ bọ xít hút máu không chủ tâm tìm người để hút máu. Tôi khẳng định là chúng chủ yếu hút máu từ chuột thôi, nên từ trước đến giờ, người dân chỉ phát hiện bọ xít hút máu ở các ngóc ngách gần nơi qua lại của chuột. Nếu chúng chủ tâm hút máu người, thì chúng sẽ trú ngụ ở giường, chiếu, tủ…

- Qua xét nghiệm máu từ bọ xít hút máu, người ta tìm thấy một số ký sinh trùng gây bệnh đường huyết. Vậy nếu người bị chúng tấn công, có bị mắc bệnh không?

- Hiện tại, chưa có một thí nghiệm nào kết luận chúng gây ra bệnh cho con người. Đúng là loại này có thể truyền một số bệnh về ký sinh trùng đường huyết, nhưng chủ yếu gây ra các bệnh ở gia súc. Chúng truyền các ký sinh trùng đường máu vào vật chủ, khiến loài vật này bị giảm chất lượng máu, ảnh hưởng tới sức khỏe.

- Như vậy, bản thân bọ xít hút máu cũng có chất độc nào đó nguy hiểm cho sức khỏe con người?

- Tất cả các giống bọ xít hút máu đều chứa chất độc và chất chống đông máu, nên khi  chúng hút máu, chất độc này làm người bị đốt ngứa, sưng rất lâu, thậm chí là thành sẹo cứng trên da. Chất độc ở trong con bọ xít này cũng có thể làm tăng thêm nguy hiểm thêm cho những người bị bệnh gan, gan yếu và một số bệnh giảm sức đề kháng.

Tuy nhiên, như trên đã nêu, khả năng bọ xít tấn công người là rất hiếm. Vì vậy, người dân không nên lo lắng. Nếu phát hiện thấy bọ xít, chỉ cần áp dụng các hóa chất diệt ruồi và muối là ổn vì bọ xít hút máu mẫn cảm với các chất này. Chúng dễ bị hóa chất ngấm vào cơ thể hơn là ruồi và muỗi.

- Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Đất Việt

Đọc thêm