Có phiền phức khi cứ hỏi cung là bật máy ghi hình?

(PLO) - Một trong những giải pháp được đưa ra trong Bộ luật TTHS sửa đổi để chống bức cung, nhục hình là yêu cầu ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung. Quy định đưa ra với mục đích tốt, nhưng liệu có khả thi?. Đây là câu hỏi nhiều ĐBQH còn băn khoăn. 
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình)
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình)
Góp ý kiến về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Dự thảo luật Tố tụng Hình sự), ĐB Trần Đình Sơn (Đăc Lăk) nói: “So với điều kiện thực  tiễn ở Việt Nam, quy định ghi âm, ghi hình khi hỏi cung cần có lộ trình. Trước mắt chỉ nên quy định ghi âm, ghi hình đối với một số án có tính chất đặc biệt như phạm tội có tổ chức, hành vi phản bội Tổ quốc….
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (Tp Hồ Chí Minh) đồng ý về tinh thần chung, nhưng đề nghị Dự thảo, cần ghi rõ mỗi lần hỏi cung đều phải ghi âm, ghi hình hay chỉ một lần nào đó. 
“Nếu mỗi lần hỏi cung lại một lần ghi hình thì phức tạp. Mỗi lần lấy cung thường là 4 trang giấy. Mỗi trang giấy là 1 tiếng đồng hồ hỏi cung trong thực tế. Như vậy, một cuộc hỏi cung thường kéo dài 4, 5 tiếng đồng hồ. Ghi như vậy thì dữ liệu của cuộc ghi âm, ghi hình sẽ bảo quản như thế nào?. Việc sử dụng tài liệu đó ra sao? Khi chuyển qua tòa án thì có chuyển luôn băng ghi hình này cùng hồ sơ không? Nếu không ghi âm, ghi hình là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, thì việc xử lý như thế nào, Tòa án hủy để điều tra lại, coi đó là điều tra vô hiệu không?”, ĐB đặt một loạt câu hỏi. 
Thêm một vấn đề nữa ĐB của Tp Hồ Chí Minh băn khoăn là nếu quy định là thủ tục trong quá trình điều tra, thì có cơ chế gì để giám sát việc thực hiện ghi âm, hình không trung thực?.
Đồng quan điểm này, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng không cần thiết phải ghi âm, ghi hình trong mọi trường hợp. Theo nguyên tắc của việc hỏi cung, khi lấy cung xong, cán bộ điều tra phải đọc lại biên bản. Nếu ghi âm, ghi hình là thủ tục bắt buộc thì cũng phải cho xem, nghe lại đoạn ghi âm, ghi hình đó. Như vậy mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng không nhỏ đến điều tra vụ án.
ĐB cũng lo ngại trong điều kiện hiện nay sẽ  phải đầu tư kinh phí để trang bị thiết bị, nhân lực, “Hạn chế bức cung, nhục hình quan trọng là giáo dục đạo đức, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, và đặc biệt là đề cao trách nhiệm của  người đứng đầu, không nên lệ thuộc vào ghi hình. Do đó, chỉ cần ghi âm, ghi hình ở một số trường hợp và và chỉ thực hiện khi không có người bào chữa tham gia.” – ĐB đưa ý kiến. 
Theo thống kê của UBTP QH, khi góp ý về dự thảo luật TTHS, nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Bộ luật. Một số ý kiến đề nghị chỉ nên quy định việc ghi âm, ghi hình trong những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, kêu oan và bị can không nhận tội.
Có ý kiến đề nghị quy định về ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can cần phải làm rõ một số vấn đề như:  Hậu quả pháp lý nếu không thực hiện việc ghi âm, ghi hình? Vì sao người bào chữa nói chung và luật sư nói riêng không được quyền yêu cầu ghi âm, ghi hình? Việc ghi âm, ghi hình được thực hiện trong khoảng thời gian nào trong buổi hỏi cung bị can, từ đầu tới cuối buổi hỏi cung liên tục hay từng giai đoạn?
Có ý kiến đề nghị trường hợp phải ghi âm, ghi hình hoặc thực hiện cả hai việc này; nghiên cứu bổ sung quy định kết nối âm thanh, hình ảnh cuộc hỏi cung từ phòng hỏi cung của cơ quan điều tra đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để Viện kiểm sát kiểm tra, giám sát kịp thời họat động hỏi cung của cơ quan điều tra.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc điều kiện thực tế của nước ta hiện nay để có đánh giá chính xác về tính khả thi làm căn cứ quy định cho phù hợp. Đề nghị Ban soạn thảo tiến hành khảo sát, đánh giá, báo cáo cụ thể về kinh phí phục vụ việc ghi âm, ghi hình để Quốc hội xem xét và quyết định.

Đọc thêm