Kiểm sát viên và luật sư phải ngang hàng
Với quan điểm cải cách tư pháp và đã được khẳng định trong Hiến pháp, Tòa án là cơ quan tư pháp duy nhất, nhân danh Nhà nước để thể hiện quyền tư pháp nên các chuyên gia trong và ngoài ngành Tòa án đều thống nhất, trong phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) phải ngồi cao nhất. Bên công tố viên và bên luật sư (LS) có thể hỗ trợ nhau trong quá trình xét xử và ngồi ngang hàng. Thư ký tòa án ngồi trước mặt phòng xét xử. Bục khai báo ở dưới đối diện phòng xét xử.
Ngoài ra, khi xét xử bị cáo là người chưa thành niên thì không nhất thiết HĐXX phải ngồi riêng và trang phục riêng để tạo tâm lý thoải mái, cởi mở, tự tin cho bị cáo trong vấn đề khai báo. Nếu quy định về phòng xử án ngay trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) sẽ có hiệu quả hơn.
Cùng chung quan điểm trên, LS.Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, vị trí chỗ ngồi hiện nay trong phòng xét xử không phản ánh đúng vai trò của từng thành phần tham gia tố tụng, gây ra lầm tưởng rằng: cả kiểm sát viên (KSV) lẫn thư ký phiên tòa đều thuộc HĐXX, đang điều khiển phiên tòa.
“Thay đổi chỗ ngồi sẽ nâng cao trách nhiệm của KSV trong việc bảo vệ quan điểm cáo trạng. LS hay người bào chữa ngang hàng với KSV sẽ có vị thế bình đẳng khi tranh luận, tìm ra sự thật” - LS Nguyễn Văn Chiến khẳng định.
Lưu ý vị trí để báo chí tác nghiệp chính xác
TS.Lưu Bình Nhưỡng (Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương) cũng nhận thấy việc bố trí lại vị trí của các chủ thể trong các phiên tòa là hết sức quan trọng, cần thiết vì “nó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tư pháp; khắc phục những bất cập, ý kiến khác nhau trong thời gian qua về tổ chức các hoạt động tư pháp nói chung, tổ chức các phiên tòa nói riêng”.
Ngoài ra, vị trí của phóng viên báo chí cũng quan trọng không kém. Vì thế, phóng viên cần được bố trí thích hợp để có thể tác nghiệp nhằm đưa tin chính xác về diễn biến phiên tòa. Theo kinh nghiệm của một số nước, vị trí này ở phía tay phải phòng xử (tính phía bục của thẩm phán), có bục quan sát cao, thậm trí cao hơn cả vị trí của thẩm phán.
Theo Đại tá, TS. Mai Văn Bộ - Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, cần có thay đổi về mặt nhận thức về tư duy để thực thi những quy định liên quan đến chỗ ngỗi và vị trí, vai trò của từng chủ thể tại phiên xét xử. Bên cạnh việc sắp xếp lại vị trí chỗ ngồi, nhiều ý kiến cho rằng cần bãi bỏ việc sử dụng “vành móng ngựa” bằng “bàn bị cáo” để tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo trong quá trình xét xử.