Cổ phiếu họ “FDI”: Không hiệu quả, không minh bạch?

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau một thời gian hoạt động tại Việt Nam đã chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần, một số doanh nghiệp đã niêm yết, tạo thành nhóm các cổ phiếu “FDI” trên hai sàn tập trung.

Sau khi lên sàn, nhiều cổ phiếu “FDI” không gây được ấn tượng với các nhà đầu tư nội địa - Ảnh: Hoài Nam.
Sau khi lên sàn, nhiều cổ phiếu “FDI” không gây được ấn tượng với các nhà đầu tư nội địa - Ảnh: Hoài Nam.

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau một thời gian hoạt động tại Việt Nam đã chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần, một số doanh nghiệp đã niêm yết, tạo thành nhóm các cổ phiếu “FDI” trên hai sàn tập trung.

Tuy nhiên, sau khi lên sàn, nhiều cổ phiếu “FDI” không gây được ấn tượng với các nhà đầu tư nội địa, thậm chí một số thường xuyên cầm “đèn đỏ” khi làm ăn thua lỗ triền miên.

“Vũng lầy” cổ phiếu “FDI”

Vào tháng 2/2006, TYA là cổ phiếu “FDI” đầu tiên được niêm yết trên HOSE, đánh dấu việc lên sàn sau đó của một loạt cổ phiếu “ngoại” khác: CYC, FPC, TCR, TKU, IFS (năm 2006); RIC (năm 2007); SBT, KMR (năm 2008)…

Hiện tại, trên hai sàn niêm yết đang có 9 mã cổ phiếu “FDI”, duy nhất SBT đến từ Pháp, xuất xứ từ châu Á chiếm tỷ lệ áp đảo 8/9 doanh nghiệp.

Xét về ngành nghề, nhóm cổ phiếu “FDI” khá đơn giản với nhóm vật liệu, xây dựng có 5/9 doanh nghiệp, hàng tiêu dùng và gia dụng chiếm 2/9 doanh nghiệp, duy nhất RIC hoạt động trong ngành dịch vụ.

Từ trước khi niêm yết, TYA nhận được sự kỳ vọng khá lớn của giới đầu tư - trở thành một blue-chip dẫn dắt thị trường, tương tự như cổ phiếu cùng ngành nghề có vai trò rất lớn khi đó là SAM. Tuy nhiên, TYA và dòng cổ phiếu “FDI” nói chung chưa bao giờ tiệm cận tới các vị trí kỳ vọng, dù được mang thương hiệu của tập đoàn mẹ thực sự có tên tuổi: sau khi niêm yết, kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu “FDI” khá nghèo nàn, TYA lỗ 7/18 quý; FPC lỗ 7/16 quý và buộc tạm ngừng giao dịch từ tháng 5/2010, IFS thua lỗ 2 năm liên tiếp và mới phải tạm ngưng giao dịch từ giữa tháng 8/2010...

Kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa thể hiện lên giá và thanh khoản của nhóm cổ phiếu “FDI”. Hiện nay, phần lớn thị giá đã lùi về sát hoặc dưới mệnh giá với thanh khoản rất thấp.

So sánh với phần còn lại của thị trường, cổ phiếu họ “FDI”, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất phát từ châu Á có một số điểm chung khá tương đồng. Đó là việc các doanh nghiệp này rất ít công bố thông tin ra thị trường, phần lớn thông tin cung cấp cho nhà đầu tư và các cổ đông chỉ ở mức độ tối thiểu, là các thông tin công bố theo yêu cầu, thậm chí cũng phải trì hoãn nhiều lần.

Đơn cử, IFS tới tận ngày 28/8 tới đây mới tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2009 và cuối tháng 7 vừa qua mới có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2009. Mục công bố thông tin của IFS trên website của HOSE thời gian qua phần lớn là các thông tin liên quan đến giải trình và xin gia hạn nộp báo cáo tài chính và báo cáo thường niên.

Website của CYC (changyih-ceramic.com) dùng để quảng cáo các sản phẩm, cổ đông không thể tìm thấy thông tin nào về hoạt động của Công ty; FPC không hề có trang thông tin điện tử, dù đây là yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp niêm yết...

Mục đích của các doanh nghiệp khi niêm yết là nhằm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu hoặc hướng tới mục tiêu huy động vốn. Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ, việc huy động của các doanh nghiệp vốn FDI đã chuyển đổi thành công ty cổ phần qua thị trường chứng khoán khá hãn hữu, hầu hết nếu có là các đợt phát hành riêng lẻ dành cho đối tác tại chính quốc.

Sau khi niêm yết, cả mục tiêu tăng tính thanh khoản và huy động vốn với nhóm cổ phiếu “FDI” đều chưa như mong đợi. Nhà đầu tư buộc phải đặt dấu hỏi về mục đích các doanh nghiệp 100% vốn FDI chuyển đổi mô hình hoạt động và lên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là gì?

Huy động vốn: Triển vọng mờ mịt

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế Tp.HCM nhận xét, so với phần còn lại của thị trường, hều hết cổ phiếu FDI xuất xứ từ các quốc gia châu Á đang là cổ phiếu “hai không”: không kinh doanh hiệu quả (thể hiện qua báo cáo tài chính); không minh bạch về thông tin (thể hiện ở việc các doanh nghiệp chỉ công bố các thông tin theo yêu cầu bắt buộc ra bên ngoài, thậm chí luôn nộp chậm và xin gia hạn báo cáo tài chính).

Ông Chí đánh giá, ở điểm thứ nhất, hầu hết doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đều là một phần của tập đoàn mẹ ở chính quốc và có quan hệ thương mại qua lại. Chính mối quan hệ đặc thù này khiến việc đánh giá hiệu quả hoạt động thực sự của các doanh nghiệp này qua báo cáo tài chính không hoàn toàn chính xác, khi các doanh nghiệp có thể dùng các bút toán kế toán chuyển lợi nhuận về tập đoàn mẹ để lách thuế.

Về giả thiết này, ông Chí dẫn số liệu của Cục Thuế Tp.HCM cho biết một nghịch lý là có tới 60% số doanh nghiệp có vốn FDI trên địa bàn liên tục báo lỗ, nhưng vẫn đang mở rộng đầu tư, tăng quy mô hoạt động.

Theo ông Chí, nếu điều này xảy ra với các cổ phiếu đã niêm yết thì không chỉ khiến ngân sách nhà nước thất thu, mà còn khiến các cổ đông thiểu số trong nước thiệt hại.

Từng thực hiện một số thương vụ tư vấn cho các doanh nghiệp FDI chuyển đổi mô hình hoạt động và niêm yết, ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc Tư vấn tài chính doanh nghiệp Công ty Chứng khoán Bản Việt đưa ra một cách lý giải khác.

Theo ông Hoàn, kết quả hoạt động kém cỏi của các doanh nghiệp có một phần xuất phát từ lý do quản trị. Ông Hoàn nhận xét, 9 cổ phiếu “FDI” niêm yết, trừ SBT, còn lại là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, 2 năm qua cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng khoảng suy thoái kinh tế thế giới.

Về ngành nghề, nếu như TYA gặp khó khăn thì SAM (lĩnh vực cáp) cũng gặp thách thức tương tự, nếu như IFS thua lỗ thì TRI (lĩnh vực đồ uống) cũng có “thành tích” tương đương.

Ông Hoàn đánh giá, mục đích niêm yết của nhóm cổ phiếu “FDI” là nhằm huy động vốn, tuy nhiên kết quả kinh doanh tồi tệ của một số doanh nghiệp 2 năm qua đã khiến dự định này thực sự phá sản. Với việc hoạt động kinh doanh khép kín, thông tin ít công bố ra bên ngoài khiến các nhà đầu tư trong nước hiện không mấy “cảm tình” với nhóm cổ phiếu “FDI”, triển vọng huy động vốn tại Việt Nam trong tương lai với các cổ phiếu này vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

GIANG THANH(DTCK)

VnEconomy

Đọc thêm