Cơ quan chức năng bó tay với tình trạng thuê mượn bằng dược sĩ?

(PLO) - Báo Pháp Luật Việt Nam đã có bài phản ảnh tình trạng người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền theo quy định diễn ra khá phổ biến tại Tp. HCM. Người trong nghề cho biết trong số này chủ cho thuê mướn bằng dược sĩ. Tuy nhiên, trả lời báo Pháp Luật Việt Nam, cơ quan chức năng khẳng định ngược lại.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Luật hổng?

Trả lời phóng viên tại phiên họp báo thường kỳ của Sở Y tế Tp. HCM ngày 04/07/2016, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở công nhận tình trạng báo Pháp Luật Việt Nam phản ánh là đúng thực tế và thừa nhận Sở cũng chưa khắc phục được. “Riêng tình trạng dược sĩ cho thuê bằng thì ý kiến của nhà báo hết sức là rất chính xác” – bà Lan xác nhận.

Tuy nhiên, trả lời bằng văn bản cho báo Pháp Luật Việt Nam thì Thanh tra Sở lại nói ngược lại. Sau khi dẫn luật Dược và Nghị định hướng dẫn thi hành tương ứng, văn bản này khẳng định “chưa đủ cơ sở để kết luận “Người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền” với tần số khá cao thực chất chủ yếu thuê mướn bằng cấp.”. Lý do là các quy định về ủy quyền khi dược sĩ vắng mặt tại nhà thuốc không giới hạn số lần vắng mặt và số lần được ủy quyền.

Nghĩa là hiện nay bất kỳ ai muốn mở một nhà thuốc, nếu không phải là dược sĩ thì cứ việc thuê một dược sĩ đứng tên “người quản lý chuyên môn về dược” trong hồ sơ để đáp ứng được yêu cầu theo quy định của luật pháp. Còn lại việc trực tiếp đứng bán thuốc thì ai cũng có thể đứng được. Nếu bị thanh tra thì viện cớ vắng mặt và chịu phạt là xong.

Mức phạt hiện nay chỉ như "gãi ngứa" so với lợi nhuận của việc kinh doanh nhà thuốc nên không có sức chế tài mạnh mẽ. Phó Giám đốc Phạm Khánh Phong Lan cho biết: “Một trong những lý do cũng chính là mức xử phạt cũng còn rất là nhẹ.”. Bà Lan cũng cho biết thêm với tư cách là Đại biểu Quốc hội, bà cũng đã từng đề nghị tăng mức phạt.

Người kinh doanh có thể lách luật như vậy và cơ quan chức năng đành phải bó tay? 

Bà Lan cho biết: “Có một thực tế là muốn đóng cửa một nhà thuốc (rút giấy phép), nếu chỉ căn cứ theo luật thì không dễ. Chúng tôi cũng rất bức xúc.”. Vì thế, cơ quan chức năng chỉ có cách “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng vai trò của các hội nghề nghiệp.”.

Theo bà Phó giám đốc Sở thì ở nước ngoài, việc cấp và quản lý chứng chỉ hành nghề là do hội nghề nghiệp thực hiện trong khi ở Việt Nam thì lại do nhà nước. Đã vậy, trong bối cảnh hiện tại, về nhân lực, “Thanh tra Sở chỉ có 5 dược sĩ đại học, các quận cao lắm cũng chỉ có 1 dược sĩ đại học. Lực lượng quá mỏng nên chưa thể bao phủ hết 5.000 nhà thuốc.”.

Ngoài ra, còn một khó khăn nữa, theo phòng Quản lý dược, “theo quy định hiện nay, Dược sĩ có chứng chỉ hành nghề dược được phép hành nghề tại 1 địa điểm trên phạm vi cả nước, do đó có rất nhiều dược sĩ có chứng chỉ hành nghề do Sở y tế các tỉnh cấp đang hành nghề trên địa bàn TP.HCM, gây khó khăn cho công tác quản lý vì sau khi được cấp phép. Dược sĩ trở về lại địa phương sinh sống, làm việc, một số cơ sở không thực hiện việc uỷ quyền theo quy định.”.

“Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc” có tên dược sĩ quản lý chuyên môn nhưng rất có thể cái tên này chỉ ở trên giấy chứ thực tế thì không quản lý gì ở nhà thuốc mà cơ quan chức năng vẫn phải bó tay
“Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc” có tên dược sĩ quản lý chuyên môn nhưng rất có thể cái tên này chỉ ở trên giấy chứ thực tế thì không quản lý gì ở nhà thuốc mà cơ quan chức năng vẫn phải bó tay

Gồng mình tăng cường, tăng cường và tăng cường…

Khi cho biết về giải pháp khắc phục thì Ban lãnh đạo Sở chỉ đưa giải pháp là tăng cường thanh tra, kiểm tra. Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết quản lý nhà thuốc quy chuẩn hóa theo GPP, phòng Quản lý dược thì “đã có kế hoạch hậu kiểm theo định kỳ, đặc biệt đối với các nhà thuốc dược sĩ thường xuyên vắng mặt nhưng không thực hiện uỷ quyền theo quy định và dược sĩ có chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế các tỉnh cấp. Ngoài ra, Sở y tế sẽ có công văn chỉ đạo các phòng Y tế tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở bán lẻ trên địa bàn, đặc biệt đối với các đối tượng trên.”; và Thanh tra sở thì “thường xuyên có kế hoạch kiểm tra, phúc tra và xử lý đúng quy định đối với các cơ sở đã được kiểm tra mà có hành vi tái phạm. Đồng thời  giao Phòng y tế quận, huyện thực hiện công tác quản lý nhà nước trên địa bàn: kiểm tra, xử lý đúng quy định đối với các hành vi phạm của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn quản lý.”.

Với các lý do như chính Sở này phân tích là: không ghép được tội thuê mượn bằng dược sĩ, lực lượng mỏng, mức phạt lại nhẹ, đối tượng “người quản lý chuyên môn” thuộc người tỉnh khác... thì có thể thấy các giải pháp như nêu trên hoàn toàn không có tính đột phá. 

Dẫu vậy, khi chúng tôi đi thực tế thì thấy có một số nhà thuốc sau khi bị phạt vì lỗi “Người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền theo quy định của pháp luật”, thì đã treo biển hiệu mang tên nhà thuốc khác. Đây là cách “thay tên đổi họ” để tiếp tục tồn tại. Đơn giản là dược sĩ sau khi bị phạt thì lo sợ bị rút chứng chỉ hành nghề nên không “hợp tác” với nhà thuốc nữa. Chủ nhà thuốc lại “hợp tác” với dược sĩ khác và làm thủ tục xin thành lập nhà thuốc với tên gọi mới. Hiện tượng này là chỉ dấu cho thấy, trong nội dung đang bàn, việc quản lý có hiệu quả hay không là tùy thuộc vào thanh tra viên và các thành viên trong đoàn kiểm tra.

Một số chủ nhà thuốc thuê mướn bằng dược sĩ cho biết thanh tra viên rất có “uy lực”. Họ muốn để cho (nhà thuốc) tồn tại thì tồn tại, họ muốn (nhà thuốc) đóng cửa thì phải đóng cửa.

Vẫn với cách làm cũ thì tình trạng cho thuê/mượn bằng dược sĩ tràn lan như hiện nay tại Tp. HCM hứa hẹn sẽ còn kéo dài. Và mục tiêu nhà thuốc GPP đúng nghĩa sẽ còn xa vời lắm.

Chưa đủ cơ sở để kết luận thuê mướn bằng cấp

Khoản 4 Điều 9 Luật Dược 2005 nghiêm cấm hành vi: Giả mạo, thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc (không là bằng cấp chuyên môn).   

Điểm a Khoản 8 mục II Thông tư số 02/ 2007/TT-BYT ngày 24 tháng 01 năm 2007 của Bộ y tế Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều về điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định của Luật dược và Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược quy định về thay đổi hoặc ủy quyền đối với người làm chuyên môn tại các cơ sở kinh doanh thuốc: 

Trường hợp chủ cơ sở bán lẻ hoặc người quản lý chuyên môn đi vắng, không thể trực tiếp điều hành, cơ sở kinh doanh thuốc phải tạm thời ngừng hoạt động hoặc theo quy định sau:

Nếu thời gian đi vắng dưới 03 ngày thì người quản lý chuyên môn phải ủy quyền bằng văn bản cho người có trình độ chuyên môn tương đương thay thế. 

Nếu thời gian đi vắng trên 03 ngày đến dưới 30 ngày thì người quản lý chuyên môn phải ủy quyền bằng văn bản cho người có trình độ chuyên môn tương đương thay thế, có văn bản báo cáo Sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại cơ sở đang hoạt động kể cả trường hợp cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc do Bộ y tế cấp.   

Nếu thời gian đi vắng từ 30 ngày đến 180 ngày thì người quản lý chuyên môn phải ủy quyền bằng văn bản cho người có trình độ chuyên môn tương đương thay thế, có văn bản báo cáo cơ quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và phải được cơ quan này chấp thuận bằng văn bản.

Nếu thời gian vắng mặt trên 180 ngày thì cơ sở kinh doanh thuốc phải làm thủ tục đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề cho người quản lý chuyên môn khác thay thế và đề nghị cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho cơ sở bán lẻ thuốc và đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc đối với loại hình kinh doanh khác. 

Quy định này không giới hạn số lần vắng mặt và số lần được ủy quyền. 

Do đó, căn cứ các quy định trên thì chưa đủ cơ sở để kết luận “Người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền” với tần số khá cao thực chất chủ yếu thuê mướn bằng cấp.

(Trích văn bản trả lời của Thanh tra sở Y tế Tp. HCM)

Đọc thêm