Những điều được “hé lộ” chính là nguồn gốc của sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất cùng mối quan hệ làm ăn giữa Cty TNHH Nhất Nhất (hiện nay trụ sở chính số 6A, ngõ 508, đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) và Cơ sở sản xuất Dược thảo Nhất Nhất (Cơ sở DTNN ở Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và quan điểm của Cục Sở Hữu Trí tuệ về hành vi có dấu hiệu xâm phạm mà Cty TNHH Nhất Nhất một mực khẳng định ở bài báo “Công ty Nhất Nhất bị “tố” cạnh tranh không lành mạnh”.
Hợp đồng nguyên tắc giữa bên mua – bên bán |
Vì sao trên bao bì Hoạt huyết Hoàng Thành đề nguồn gốc: Dược thảo Nhất Nhất?
Theo Cty TNHH Dược Thảo Hoàng Thành, “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe - Hoạt huyết Hoàng Thành” (HHHT) được sản xuất bởi Cơ sở DTNN; Cty TNHH Dược thảo Hoàng Thành là đơn vị độc quyền phân phối và tiếp thị. Do vậy, việc đề rõ tên cơ sở sản xuất và chỉ dẫn địa lý trên bao bì là việc tuân theo quy định của pháp luật và một lý do quan trọng đó là Cơ sở DTNN là cơ sở có uy tín nhiều năm trên thị trường với các sản phẩm nổi tiếng như Hoạt huyết Nhất Nhất, bổ huyết Hoapharm, sỏi thận Hoapharm…
Cơ sở DTNN vốn được thành lập ngày 03/12/2008 (Giấy phép số 05E8000382/HKD cấp do UBND huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cấp) do lương y Nguyễn Văn Trường làm chủ cơ sở. Ngành nghề kinh doanh chính: sản xuất, kinh doanh thuốc thành phẩm y học cổ truyền.
Ngày 27/04/2011, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có Văn bản số 6090/QLD-ĐK đồng ý gia hạn hiệu lực số đăng ký thuốc đến 31/12/2013 cho Cơ sở DTNN với 12 loại thuốc như: Hoạt huyết Nhất Nhất, bổ huyết Hoapharm, đại tràng Nhất Nhất, Dạ dày Nhất Nhất… Cùng với đó, ngày 8/11/2012, Cục Quản lý Dược cũng phê duyệt cho Cơ sở DTNN thay đổi hình thức nhãn vỉ 10 viên nén bao phim đối với thuốc Hoạt huyết Nhất Nhất.
Sau một thời gian ngắn thành lập, nhiều sản phẩm của Cơ sở DTNN được khách hàng đánh giá cao nên lương y Trường quyết định tìm kiếm đối tác để tiếp thị, phân phối hiệu quả những sản phẩm của mình, đó chính là Cty TNHH Nhất Nhất do ông Lê Đức Lộc làm giám đốc. Từ tháng 11/2009 đến tháng 12/2013, Cơ sở DTNN (bên sản xuất – bên bán) và Cty TNHH Nhất Nhất (bên độc quyền phân phối – bên mua) liên tục ký hợp đồng mua bán thuốc, danh mục, số lượng hàng hóa sản phẩm đều thể hiện trên từng hóa đơn GTGT.
Trong giai đoạn này (2009 – 2014), mối quan hệ làm ăn giữa Cơ sở DTNN và Cty TNHH Nhất Nhất vẫn bền chặt và phối hợp hiệu quả. Nhưng đến thời điểm 31/12/2013, Cơ sở DTNN không còn quyền sản xuất thuốc thì mối quan hệ này không còn như trước. Cty TNHH Nhất Nhất cũng xây dựng nhà máy sản xuất tại Long An, cho ra đời sản phẩm hoạt huyết dưỡng não với tên gọi “Nhất Nhất” và đến năm 2016, khi Cơ sở DTNN cho ra mắt thực phẩm bảo vệ sức khỏe “Hoạt huyết Hoàng Thành” thì xảy ra chuyện gửi thư khuyến cáo tới khách hàng và nhà thuốc có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.
Đâu là “quyết tâm” gửi thư khuyến cáo?
Đi tìm câu trả lời này, ngày 15/06/2016, phóng viên đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cho biết, Cty TNHH Nhất Nhất (số 3 ngõ 189 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) được cấp 03 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “DƯỢC PHẨM NHẤT NHẤT” cho sản phẩm “thuốc y học dân tộc” ngày 23/05/2004 thuộc nhóm 05; đến ngày 15/06/2010 được cấp nhãn hiệu “NHẤT NHẤT” cho các nhóm 05 (dược phẩm, thực phẩm dinh dưỡng dùng trong y tế) và nhóm 35; ngày 24/04/2013 được cấp nhãn hiệu “HERBAL Hoạt huyết Nhất Nhất, trị thiểu năng tuần hoàn…” cho sản phẩm “dược phẩm, thực phẩm dinh dưỡng dùng trong y tế” thuộc nhóm 05.
Ở khía cạnh pháp lý, luật sư Nguyễn Huy An – Trưởng VP Luật sư Huy An đánh giá: “Việc phân thành nhóm hàng hóa, sản phẩm khác nhau là theo quy định của luật quốc tế và pháp luật hiện hành. Có thể thấy, nhãn hiệu Nhất Nhất và HERBAL Hoạt huyết Nhất Nhất được bảo hộ cho sản phẩm “dược phẩm, thực phẩm dinh dưỡng dùng trong y tế”, còn thực phẩm “Hoạt huyết Hoàng Thành là thực phẩm bảo vệ sức khỏe”. Hai nội dung này được bảo vệ độc lập”.
Với câu hỏi của phóng viên về sản phẩm Hoạt huyết Hoàng Thành có đề dòng chữ “Cơ sở dược thảo Nhất Nhất” có xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ do Cty TNHH Nhất Nhất đã bảo hộ đối với nhãn hàng “Nhất Nhất” hay không? Đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ trả lời rằng: “Cục Sở hữu Trí tuệ chưa đủ cơ sở để xác định hành vi xâm phạm theo đề nghị của quý cơ quan”.
Trong khi mọi việc chưa ngã ngũ, chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng thì hành vi gửi thư khuyến cáo của Cty TNHH Nhất Nhất đã “hủy hoại” hoạt động kinh doanh của Cty TNHH Hoàng Thành, như một ví dụ điển hình của việc “cá lớn nuốt cá bé”, chèn ép trong kinh doanh, trái với đạo đức kinh doanh thông thường, cần phải được xử lý dứt điểm, nghiêm khắc.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.