Cơ quan tiến hành tố tụng vẫn ngăn thực hiện quyền bào chữa?

Dù có Thông tư 70 và Quy chế phối hợp nhưng các LS vẫn phải trình nhiều loại giấy tờ không theo luật định khi đề nghị cấp giấy chứng nhận bào chữa (GCN BC). Có tới 20,7% LS cho biết thường xuyên được cấp GCN BC sau hơn 9 ngày đối với các trường hợp chưa có quyết định khởi tố…

Kết quả “Nghiên cứu đánh giá 1 năm thi hành Thông tư số 70/2011/TT-BCA và Quy chế phối hợp với VKSNDTC” do Liên đoàn luật sư Việt Nam phối hợp với Chương trình đối tác tư pháp (JPP) thực hiện và công bố sáng nay cho thấy, có đến 50,5% LS được hỏi vẫn cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng không tạo điều kiện cho người bị tạm giữ/bị can trong việc nhờ người bào chữa, thậm chí 12,5% LS được hỏi cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng ngăn cản người bị tạm giữ/bị can trong việc nhờ người bào chữa. Nhưng sau khi có quyết định khởi tố, chỉ còn 27,7% LS được hỏi cho rằng, người bị tạm giữ/bị can không đươc tạo điều kiện tiếp cận quyền bào chữa.

Các LS đánh giá cao sự hỗ trợ của cơ quan kiểm sát. Khoảng 90% LS được hỏi cho rằng, VKS tạo điều kiện thuận lợi và tạo điều kiện vừa phải cho bị cáo. Chỉ có 8,7% LS cho rằng bị cáo vẫn không nhận được sự hỗ trợ từ phía các VKS trong việc tiếp cận quyền bào chữa.

Gần 70% LS cho biết, trong giai đoạn điều tra, người bị tạm giữ/bị can từ chối LS là do họ không có tiền để nhờ người bào chữa. Một số trường hợp từ chối là do bị đe dọa (có thể là hình phạt bị tăng nặng). Các lý do này cũng được lặp lại ở giai đoạn truy tố nhưng mức độ thường xuyên đã giảm đi rõ rệt.

Dù có Thông tư 70 và Quy chế phối hợp nhưng các LS vẫn phải trình nhiều loại giấy tờ không theo luật định khi đề nghị cấp giấy chứng nhận bào chữa (GCN BC). Có tới 20,7% LS cho biết thường xuyên được cấp GCN BC sau hơn 9 ngày đối với các trường hợp chưa có quyết định khởi tố…

Bên cạnh đó, các LS cũng cho rằng, việc không cho phép thân nhân của người bị tạm giữ/bị can mời LS, hạn chế điều kiện được gặp thân chủ là ngời bị tạm giữ/bị can của LS, không thực hiện đúng các qui định để LS tiếp cận hồ sơ vụ án, cơ chế trao đổi thông tin và trách nhiệm giải trình còn chưa hiệu quả… đã hạn chế việc thực hiện quyền bào chữa của LS và việc tiếp cận quyền bào chữa của người bị tạm giữ/bị can.

Theo các LS, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình hành nghề của LS ở giai đoạn điều tra và khởi tố sẽ đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, bị can, quyền bào chữa của LS, nâng cao mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa Liên đoàn LS VIệt Nam, các đoàn LS địa phương với các cơ quan điều tra, kiểm sát các cấp nhằm bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa tại Việt Nam.

H.Giang

Đọc thêm