Ngày 27/9, ông Dương Đạt, Chánh Thanh tra Sở Y tế Quảng Nam cho biết, cơ quan chức năng đã làm việc với chủ cơ sở bánh mỳ Phượng (địa chỉ 2B Phan Châu Trinh, TP Hội An) thông báo kết luận vụ ngộ độc, các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt.
Trước đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Thanh tra Sở Y tế đã làm việc với chủ cơ sở bánh mỳ Phượng về kết quả kiểm tra, xác minh ngộ độc để hoàn chỉnh hồ sơ xử lý vi phạm.
|
Cơ quan chức năng làm việc với chủ cơ sở bánh mỳ Phượng, TP Hội An. |
Kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm bánh mỳ Phượng của Viện Pasteur Nha Trang, có 7/12 mẫu dương tính với khuẩn Bacillus cereus sinh độc tố và Salmonella SPP. Hai loại vi khuẩn nguy hiểm này được phát hiện trong chả heo, thịt heo xíu, xíu mại, rau răm, xà lách, hành, dưa leo. Đây chính là nguyên nhân làm 313 người bị ngộ độc thực phẩm vào ngày 11/9 vừa qua.
Theo ông Đạt, qua kiểm tra, cơ sở bánh mỳ Phượng đã có 5 hành vi vi phạm về quy định trong vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó hành vi nghiêm trọng nhất là chế biến thực phẩm gây ngộ độc cho hơn 5 người (mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), theo quy định nghị định 115 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
“Tổng mức phạt tiền cơ sở bánh mỳ Phượng là 110,5 triệu đồng. Đồng thời, rút giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm của cơ sở này từ 3 tháng đến 5 tháng”, Chánh Thanh tra Sở Y tế Quảng Nam thông tin.
|
Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng được điều trị tại Bệnh viện Vĩnh Đức. |
Ngoài ra cơ sở còn phải khắc phục hậu quả như chịu chi phí điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc, xét nghiệm mẫu thực phẩm.
Tại buổi làm việc, chủ cơ sở cũng thống nhất với hành vi và mức xử phạt, hình thức phạt bổ sung. Mong muốn xem xét tình tiết giảm nhẹ vì đã chủ động khắc phục, dừng hoạt động, phối hợp để xử lý vụ việc. Đoàn kiểm tra đang củng cố các hồ sơ đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt.
Đến thời điểm này, tất cả bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng đã xuất viện. Chủ cơ sở sản xuất bánh mì Phượng đã có thư xin lỗi gửi đến khách hàng, mong được khách hàng thông cảm, đồng thời cam kết sẽ đem lại những ổ bánh mì tốt nhất, an toàn nhất khi được cho phép mở cửa trở lại.
|
Trong 2 ngày xảy ra ngộ độc hàng loạt là 11/9 và 12/9, cơ sở bánh mỳ Phượng 2 bán ra lần lượt 1.920 và 1.700 ổ bánh mỳ, giá bán từ 20.000 - 35.000 đồng/ổ. |
Như Pháp luật Việt Nam đã thông tin, chiều 12/9, Trung tâm Y tế TP Hội An tiếp nhận thông tin 5 người trong 1 gia đình bị ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng. Sau đó, số lượng bệnh nhân tăng nhanh, đến nay ghi nhận 141 người có biểu hiện ngộ độc.
Thời gian ăn bánh mỳ của các bệnh nhân rải rác từ 8 giờ ngày 11/9 đến 20 giờ cùng ngày. Khoảng cách giữa thời gian xuất hiện triệu chứng và thời gian ăn ít nhất là 2 giờ, nhiều nhất là 16 giờ (thời gian ủ bệnh từ 2-16 giờ). Hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng nôn mửa, đau bụng, sốt cao, đi tiêu lỏng nhiều lần và kéo dài.