Cơ sở để phân loại bão, áp thấp nhiệt đới?

Dựa vào tốc độ gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm xoáy thuận nhiệt đới, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) quy định phân loại xoáy thuận nhiệt đới. Tuy nhiên tốc độ gió mạnh nhất ở gần vùng trung tâm (tốc độ gió cực đại) được quy định khác nhau ở mỗi nước. WMO quy định lấy tốc độ gió mạnh nhất duy trì liên tục trong thời gian 10 phút (sử dụng trong các bản tin của Nhật Bản và Hồng Kông - Trung Quốc).

Hỏi: Cơ sở để phân loại bão, áp thấp nhiệt đới?

Trả lời: Dựa vào tốc độ gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm xoáy thuận nhiệt đới, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) quy định phân loại xoáy thuận nhiệt đới. Tuy nhiên tốc độ gió mạnh nhất ở gần vùng trung tâm (tốc độ gió cực đại) được quy định khác nhau ở mỗi nước. WMO quy định lấy tốc độ gió mạnh nhất duy trì liên tục trong thời gian 10 phút (sử dụng trong các bản tin của Nhật Bản và Hồng Kông - Trung Quốc). Cơ quan Dự báo bão của Hải quân Mỹ lấy tốc độ gió mạnh nhất duy trì liên tục trong thời gian 1 phút. Ở nước ta, tốc độ gió mạnh nhất được lấy trong thời gian 2 phút. Cơ quan khí tượng Australia lấy tốc độ gió giật mạnh nhất chứ không lấy gió cực đại duy trì liên tục. Sự khác biệt này là nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau khi đánh giá cường độ của bão. Vào năm 2004, các chuyên gia của WMO đã đề xuất xác định các hệ số chuyển đổi. Các chuyên gia của Mỹ cho rằng, do sự khác nhau về thời gian lấy trung bình mà cường độ bão trong các bản tin dự báo của các nước thấp hơn của Mỹ khoảng 12%. Quy chế báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ của Việt Nam dùng thuật ngữ “gió mạnh nhất” (tức gió cực đại) và “có thể có gió giật” mà không dùng thuật ngữ “duy trì liên tục” nên phải hiểu đó là gió mạnh nhất quan trắc được theo quy phạm quan trắc bề mặt./.

PV
(Theo tài liệu “100 câu hỏi đáp về các hiện tượng khí tượng thủy văn "
Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Đọc thêm