Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc: Đã hình thành tại 33/63 tỉnh, thành

(PLO) - Sau gần 3 năm triển khai, Dự án “Thí điểm thiết lập Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch” đã đạt nhiều kết quả theo yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai mở rộng kết quả của Dự án ra toàn quốc cũng như mở rộng triển khai đến các Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đang gặp khó khăn do hạn chế về kinh phí.
Hình minh họa
Hình minh họa

Nếu từ ngày 01/01/2016 đến tháng 9/2016 việc thí điểm áp dụng Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và cấp Số định danh cá nhân chỉ thực hiện tại TP Hà Nội và 04 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc Dự án; áp dụng đầy đủ Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch là TP Hồ Chí Minh (trong phạm vi quận 1) thì từ tháng 9/2016 đến nay đã mở rộng phạm vi, triển khai chính thức Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (trong đó có Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và cấp Số định danh cá nhân) tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện được lựa chọn triển khai thí điểm và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đáp ứng đủ điều kiện, có nhu cầu triển khai.

Đến ngày 31/10/2018, Bộ Tư pháp đã hỗ trợ đào tạo, triển khai Hệ thống cho 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đảm bảo thực hiện các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Tư pháp tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 13/3/2017 về việc tăng cường phối hợp triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tính đến 31/10/2018, trên toàn Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch đã ghi nhận: 9.662 lượt công chức tư pháp hộ tịch tại 5.836 UBND cấp xã, 383 Phòng Tư pháp cấp huyện và 33 Sở Tư pháp cấp tỉnh tham gia tác nghiệp hàng ngày trên Hệ thống. Đây là hệ thống phần mềm có số lượng đơn vị và số người dùng tham gia sử dụng lớn nhất được Bộ Tư pháp triển khai từ trước đến nay;

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã dần được hình thành tại 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với dữ liệu điện tử của 2.696.893 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó có 1.539.336 trẻ em là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi (tính đến thời điểm cập nhật dữ liệu vào phần mềm) đăng ký khai sinh mới, có ngày đăng ký từ 01/01/2016, được cấp Số định danh cá nhân; 476.898 hồ sơ đăng ký kết hôn; 940.968 trường hợp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; 368.794 trường hợp đăng ký khai tử; 1.932 trường hợp đăng ký giám hộ; 14.507 trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con; 1.654 trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; 35.605 trường hợp đăng ký cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch; 830 trường hợp đăng ký xác định lại dân tộc; 16 trường hợp xác định lại giới tính và hơn 9 triệu công dân đã được thu thập, thiết lập thông tin cơ bản về nhân thân, mối quan hệ công dân trên toàn Hệ thống.

Trong quá trình triển khai, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố và các Cơ quan có liên quan để đảm bảo Hệ thống luôn hoạt động ổn định và thông suốt.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp Dự án Thí điểm mới đáp ứng nhiệm vụ ban đầu của Hệ thống thông tin để giải quyết các vấn đề về đăng ký, quản lý hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản hướng dẫn, thi hành có liên quan (hỗ trợ giải quyết các sự kiện hộ tịch phát sinh từ ngày 01/01/2016) mà chưa có giải pháp để cập nhật, lưu trữ và khai thác các dữ liệu đăng ký hộ tịch phát sinh từ trước thời điểm Luật Hộ tịch có hiệu lực; Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch cũng mới đáp ứng được các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trong nước; Nguồn lực triển khai thực hiện chưa đáp ứng được nhu cầu và tiến độ.

Bên cạnh đó, do chưa có kinh phí đầu tư đủ để thiết lập cơ sở hạ tầng đáp ứng việc triển khai Hệ thống một cách đồng bộ trên phạm vi toàn quốc do số lượng đơn vị tham gia sử dụng Hệ thống trên thực tế là lớn, do đó Trung tâm Dữ liệu điện tử của Bộ Tư pháp khó có thể đáp ứng yêu cầu triển khai nếu không được đầu tư, nâng cấp.

Trong bối cảnh hiện nay khi Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, việc bố trí kinh phí đảm bảo triển khai và triển khai mở rộng các kết quả của Dự án ra toàn quốc cũng như mở rộng triển khai đến các Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài là rất khó khăn. Do đó, cần ưu tiên bố trí ngân sách hàng năm cho việc nâng cấp Trung tâm Dữ liệu điện tử, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp lý, kỹ thuật, đặc biệt là trong việc kết nối chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các hệ thống thông tin điện tử, bảo đảm thống nhất, hiệu quả, tránh việc dàn trải về nguồn lực.   

Đọc thêm