Cơ sở sản xuất xen lẫn trong khu dân cư: Nhức nhối chuyện ô nhiễm môi trường

Khói, bụi, tiềng ồn… của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tư nhân xen lẫn trong khu dân cư khiến cuộc sống nhiều người dân chung quanh bị đảo lộn. Nỗi bức xúc của người dân cùng những phản ánh, khiếu nại khi hằng ngày chứng kiến, sống trong môi trường ô nhiễm trở thành vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương, nhưng không dễ giải quyết dứt điểm.

Khói, bụi, tiềng ồn… của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tư nhân xen lẫn trong khu dân cư khiến cuộc sống nhiều người dân chung quanh bị đảo lộn. Nỗi bức xúc của người dân cùng những phản ánh, khiếu nại khi hằng ngày chứng kiến, sống trong môi trường ô nhiễm trở thành vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương, nhưng không dễ giải quyết dứt điểm.

Khói từ cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm không khí
                                   

Nỗi khổ sống chung với ô nhiễm

 

Ở khu vực dân cư tổ 30, phường Nam Sơn (quận Kiến An), từ khi xuất hiện xưởng sản xuất tư nhân do người Trung Quốc liên kết đầu tư trong lĩnh vực chế biến gỗ công nghiệp, nhiều người dân địa phương bất bình, khó chịu vì khói và mùi lạ. Một người sống gần khu vực này phản ánh: “Buổi sáng mới mở cửa ra đã thấy mùi hăng hắc, nồng nặc làm không khí ngột ngạt, khó chịu. Buổi chiều, xuất hiện những làn khói đen đặc tỏa mù mịt”. Để hạn chế khói, mùi, hầu hết nhà dân quanh xưởng chỉ còn cách đóng cửa im ỉm cả ngày.

 

Ở khu dân cư Cách Hạ, phía mặt đường chân cầu Rế, thị trấn An Dương càng bức xúc hơn khi gần đây nhiều doanh nghiệp nhỏ, xưởng sản xuất tư nhân liên tục thành lập và đi vào hoạt động, sản xuất các sản phẩm, mặt hàng dễ gây ô nhiễm môi trường như kim khí, năng lượng, hóa chất…Nỗi khổ nhất nguời dân quanh khu vực này đang phải gánh chịu là tiếng ồn của việc gia công cơ khí. Chị Phạm Thị Sơn, ở số nhà 115, cho biết: “Người lớn chịu tiếng ồn ào đã đành. Thương nhất là trẻ con, tiếng quai búa đinh tai nhức óc ở các xưởng sản xuất tư nhân, tiếng máy chạy ồn ào cả ngày làm ảnh hưởng lớn đến nhịp sống của chúng. Đặc biệt, có hôm xe tải chở hàng rầm rập vào, ra khiến người dân chẳng được ngon giấc”. Một số người còn bức xúc về chuyện nước thải của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực hóa chất, thải ra nguồn chung của địa phương làm ô nhiễm môi trường nước trầm trọng.

 

Một số cơ sở sản xuất ở Mỹ Đồng nấu quặng thủ công dễ gây ô nhiễm môi trường

Không dễ thay đổi

 

Qua khảo sát thực tế, bên cạnh các doanh nghiệp được quy hoạch trong các cụm công nghiệp hoặc xa khu dân cư vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp, xưởng sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư, đặc biệt là ở các vùng ven đô có đất rộng. Các xưởng sản xuất chủ yếu do các gia đình đang sống trong khu dân cư đầu tư hoặc các doanh nghiệp đến mua đất thổ cư của dân địa phương để lập nhà xưởng sản xuất.

 

Việc sản xuất xen lẫn trong khu dân cư khó tránh khỏi gây ô nhiễm môi trường, nhưng biện pháp khắc phục không dễ. Đặc biệt, ở các làng nghề, hầu hết các doanh nghiệp, xưởng sản xuất đều nằm trong khu dân cư. Tình trạng ô nhiễm do quá trình sản xuất khiến cuộc sống của cộng đồng dân cư bị đảo lộn. Một số làng nghề có tiềm lực kinh tế lớn như Mỹ Đồng (Thủy Nguyên), Kha Lâm (Kiến An) hiện có quy hoạch riêng khu sản xuất tập trung cách xa khu dân cư, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, xưởng sản xuất chuyển ra hoạt động tại đó, nhưng mới giải quyết được phần nào nhu cầu. Hiện, tại xã Mỹ Đồng, ở diện tích quy hoạch làng nghề tập trung đã lấp đầy nhà xưởng, nhưng trong các khu dân cư vẫn còn 2/3 tổng số doanh nghiệp, xưởng sản xuất kim khí đang hoạt động.

 

Khi xảy ra ô nhiễm, người dân bức xúc, phản ánh thông tin đến chính quyền địa phương với mong muốn Nhà nước vào cuộc. Tuy nhiên, việc phát hiện, xác định chính xác và xử lý việc gây ô nhiễm của các doanh nghiệp không đơn giản. Trưởng thôn Văn Tràng 1, thị trấn Trường Sơn (An Lão) cho biết: “Kỳ họp thôn lần nào người dân địa phương cũng bức xúc về tình trạng mùi và chất thải của doanh nghiệp chăn nuôi Đồng Hiệp gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Tuy nhiên, để xác định rõ vi phạm cũng khó, vì mỗi khi có đoàn kiểm tra đến thì các chuồng trại chăn nuôi đều sạch sẽ, không còn mùi hôi thối”.

 

Ở một số khu dân cư, trong quá trình kiểm tra, các ngành chức năng xác định rõ ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Các đơn vị này cũng thừa nhận vi phạm, cam kết khắc phục. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau tình trạng ô nhiễm tiếp tục diễn ra. Chị Phạm Thanh Hương, cán bộ phụ trách công tác môi trường ở huyện An Lão cho biết: “Hầu hết doanh nghiệp, xưởng sản xuất trong khu dân cư là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực kinh tế hạn chế, sản xuất theo quy mô quản lý của gia đình, khó có điều kiện đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị, quy hoạch cơ sở vật chất nhà xưởng đạt tiêu chuẩn, ngăn chặn được ô nhiễm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, xưởng sản xuất tồn tại trong khu dân cư từ lâu, nên khó thay đổi được vị trí sản xuất của họ, mặc dù các ngành chức năng cũng đã vào cuộc tích cực”.

 

Thiết nghĩ, trước thực trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động như hiện nay, bên cạnh việc chính quyền địa phương và ngành chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, cần thiết phải xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm đã bị phát hiện, không để dây dưa kéo dài dễ tạo tâm lý “nhờn” đối với cấp quản lý Nhà nước. Đồng thời, cần có quy định rõ ràng về điều kiện bảo đảm môi trường, buộc các doanh nghiệp mới thành lập phải cam kết tuân thủ mới cấp phép, để tránh “mất bò mới lo làm chuồng”.

 

Bài và ảnh Hải An

Đọc thêm