Luật sư Nguyễn Hồng Tâm (Công ty luật TNHH Chí Công & Thiện Tâm) cho biết: Căn cứ Điều 2 của Bộ luật lao động 2019 quy định đối tượng áp dụng: Người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động; Người sử dụng lao động; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
Đối chiếu quy định nêu trên, việc doanh nghiệp thỏa thuận với người nước ngoài để thực hiện một công việc mà người này không đến làm việc tại Việt Nam thì không thuộc đối tượng áp dụng của Bộ luật lao động 2019. Vì vậy, người này không được coi là người lao động theo quy định của Bộ luật lao động Việt Nam hiện hành. Do đó, Công ty không bắt buộc phải làm giấy phép lao động cho người này và không cần phải khai báo trong báo cáo tình hình lao động định kỳ.
Căn cứ Điều 513 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Đối với trường hợp này, như đã phân tích, người làm việc ở Pháp không được xem là người lao động theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam. Do đó, Công ty có thể ký kết hợp đồng dịch vụ theo sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự Việt Nam để giữa các bên có thể thực hiện các công việc nhằm thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của nhau.