Người dân cần làm gì khi bị “giật hụi”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chơi “hụi” đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Nó mang đến nguồn lợi nhất định cho người chơi nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Nhiều trường hợp người dân rơi vào cảnh khốn khó do bị “giật hụi” nhưng không biết phải làm gì để tự bảo vệ và giành quyền lợi cho chính mình.

Mới đây, hàng chục hộ dân ở thị trấn An Châu (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) điêu đứng và suy sụp khi chủ hụi tuyên bố vỡ hụi bỏ trốn. Bà P.T.T.H (SN 1985) cho biết, năm 2018 vì tin tưởng vợ chồng ông N.P.T và bà P.T.T nên bà và em gái đã tham gia và đã đóng 3 dây hụi với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.

Đến năm 2023, mọi người mới phát hiện bà T mất khả năng chi trả. Lúc đầu còn liên hệ được nhưng sau đó bà T đã trốn khỏi địa phương. Còn nhiều người khác cũng bị bà T chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Người dân đã làm đơn tố cáo đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Sau đó, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chuyển đơn về Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang và đơn vị này đã hướng dẫn các hộ dân nên khởi kiện ra Tòa.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, người chơi hụi cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật về hụi (Ảnh minh họa)

Để bảo vệ quyền lợi của mình, người chơi hụi cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật về hụi (Ảnh minh họa)

Tương tự, ở nhiều nơi khác tình trạng vỡ hụi cũng xảy ra liên tục. Cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố, bắt giam và xét xử nhiều chủ hụi với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Như trường hợp bắt chủ hụi Trần Quốc Huy (37 tuổi) ở Đồng Nai, Hoàng Thị Thảo ở Hà Tĩnh, Phan Hồng Thắm ở Bạc Liêu, Lý Thị Mỹ Nga ở Sóc Trăng...

Ngoài trường hợp vỡ hụi thật cũng có nhiều đối tượng lợi dụng hụi để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân. Để chứng minh dấu hiệu lừa đảo rất khó, dẫn đến việc cơ quan điều tra không thụ lý. Do đó, người chơi hụi cần có có cách xử lý phù hợp khi rơi vào trường hợp này để tự bảo vệ và giành lại quyền lợi cho mình.

Trao đổi với PLVN, Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng Ban Đào tạo, bồi dưỡng, và phát triển nghề Luật sư (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) cho biết, theo luật pháp hiện nay việc “giật hụi” là hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2017), giật hụi được coi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản. Mức án phụ thuộc vào số tiền bị chiếm đoạt và tính chất của hành vi.

Khi số tiền bị chiếm đoạt từ 50 triệu đồng trở lên hình phạt có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Điều này cho thấy rằng giật hụi là một hành vi nghiêm trọng và có thể bị chế tài rất nặng nề tùy thuộc vào mức độ vi phạm.

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Phó Trưởng Ban Đào tạo, bồi dưỡng, và phát triển nghề Luật sư (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai)

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Phó Trưởng Ban Đào tạo, bồi dưỡng, và phát triển nghề Luật sư (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai)

Theo luật sư Tùng, khi bị “giật hụi”, người dân nên báo ngay với chính quyền địa phương để yêu cầu điều tra và xử lý. Đồng thời, người dân cần chuẩn bị các bằng chứng như: Văn bản thỏa thuận hụi; biên lai thu tiền, giấy nhận tiền từ chủ hụi; sao kê giao dịch, biên lai, tin nhắn, ghi âm hoặc ghi hình; sổ sách ghi chép… để cung cấp cho cơ quan chức năng.

Ngoài ra, người dân có thể kiện chủ hụi ra Tòa để đòi lại tài sản.

Theo quy định tại điều 471 Bộ luật Dân sự 2015: “Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên”. Tại Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về hụi, họ, biêu, phường quy định nguyên tắc tổ chức họ cũng quy định quyền lợi và trách nhiệm của các thành viên tham gia hụi, cũng như biện pháp xử lý khi có tranh chấp hoặc vi phạm.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, người tham gia hụi cần tìm hiểu các quy định pháp luật về hụi. Đồng thời, yêu cầu chủ hụi cung cấp các giấy tờ theo đúng quy định để phòng ngừa rủi ro.

Đọc thêm