Cổ tích trên đồi chè

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đúng năm mươi hai năm sau, tôi mới quay về bản Suối Cát gặp lại Sầm A Sám. Bây giờ thì mọi người đã gọi lão là cụ rồi. Vì tuổi lão đã ngoài tám mươi.
Cổ tích trên đồi chè

Gặp lại Sầm A Sám tôi vô cùng kinh ngạc vì đã hơn nửa thế kỷ trôi qua mà cuộc sống của lão vẫn không một mảy may thay đổi. Vẫn sống độc thân trong căn nhà, nói đúng hơn là trong cái chòi canh tựa vào thân cây mít già, tạo thành cái thế lơ lửng như một cái chuồng chim khổng lồ giữa đồi chè. Mọi đồ đạc trong nhà cũng vậy. Từ cái sàn nhà, cái mặt bàn làm bằng những cây mai đập giập, từ cái gáo ống bương, bộ ấm chén cổ lỗ xỉn màu, từ cây đàn bầu, cây nỏ bằng gỗ rừng… Tất cả đều giống như chủ nhân của chúng, chỉ già đi, cũ nát và mục ruỗng ít nhiều. Lạ nhất là sự bài trí vẫn giữ y nguyên đúng các vị trí cách đây hơn năm mươi năm: Bộ ấm chén đặt lọt trong cái hốc gỗ vuông bên cửa sổ, chiếc đàn bầu, cánh nỏ vẫn mắc vào cái đinh lớn có quấn lớp vải chống gỉ trên cây cột đen sì sát gian ngủ, cái gáo ống bương vẫn nằm cạnh vại nước gần cầu thang ọp ẹp… Tôi thầm nghĩ, có lẽ trên thế gian này khó có người bảo thủ, trì trệ kinh hoàng đến thế.

Cái tên Sầm A Sám thoạt nghe như tên người Tầu, nhưng lão hoàn toàn thuần Việt. Người mạn Thái Bình hay Nam Định gì đó, tôi không nhớ rõ. Về lai lịch của lão, tôi không biết gì hơn ngoài chuyện cả gia đình lão đã chết thảm trong một trận càn của lính Lê - Dương. Từ đấy lão lưu lạc khắp nơi, rồi cuối cùng trốn biệt lên cái bản Suối Cát hoang vu này sinh sống. Trông hình dáng lão có vẻ hơi thô ráp, cũ kĩ nhưng qua tiếp xúc, tôi được biết lão xuất thân từ một gia đình nho học. Kiến thức của lão không thể xem thường.

Những năm chống Mỹ, tôi theo gia đình sơ tán lên đây thì lão đã trở thành dân thổ cư của bản Suối Cát rồi. Tôi vốn người thành phố, ngay từ thời ấy đã tốt nghiệp phổ thông, lòng ứ tràn bao tham vọng. Tuy không có điều kiện vào đại học nhưng tôi luôn ấp ủ một mơ ước sẽ trở thành nhà văn. Vì vậy, việc gia đình sơ tán lên cái vùng đất hoang sơ mà đẹp như cổ tích ấy, đối với tôi, giống như một phần thưởng vô giá. Bản Suối Cát địa bàn khá rộng nhưng chỉ có dăm chục nóc nhà nằm rải rác trong cái thung lũng nhấp nhô những dải đồi thoai thoải len lỏi những con suối trong vắt. Sau này, khi đã đi cùng trời cuối đất, tôi vẫn không thấy vùng quê nào đẹp hơn thế. Điểm nổi bật của người dân nơi đây là nhà nào cũng có ít nhất một đồi chè lớn. Hồi ấy nghe đâu chè Suối Cát cũng có tiếng, được giới sành chè trong huyện ca tụng.

Gần một năm sơ tán ở bản Suối Cát, tôi đã có dịp làm quen rồi kết bạn vong niên với Sầm A Sám. Năm đó lão đã ngoài ba mươi tuổi nhưng vẫn sống lủi thủi một mình trong cái chòi chuồng chim ấy. Chắc chắn phải có một lí do nào đấy nên lão mới chọn cách sống độc thân như vậy. Tôi với lão rất thân thiết nhưng cũng phải tới ngày tôi sắp sửa nhập ngũ, cái bí mật kia lão mới hé mở cho hay chút ít.

Vào một buổi tối, sau vài tuần trà, lão lặng lẽ kể cho tôi nghe theo kiểu bà kể cho cháu một câu chuyện cổ tích.

“Ngày xưa, ở một cái bản miền núi mà người ta gọi là bản Suối Tiên, có một chàng trai mồ côi nghèo khổ, sống trong một túp lều nhỏ phải neo vào cây mít già cho khỏi đổ trong mùa giông bão. Ngày ngày chàng hái chè trên mảnh vườn nhà, sao tẩm rồi mang ra chợ huyện bán lấy tiền đong gạo. Cuộc sống tuy vất vả nhưng chàng không bao giờ than vãn nửa lời.

Vào một đêm rất xấu trời, bản Suối Tiên như nghiêng ngả trong mưa gió. Đang ngồi trong chòi đếm từng tiếng sét, chợt chàng trai thấy một bóng đen đang cố leo lên cầu thang. Nhìn kĩ, chàng nhận ra đó là một cô gái. Chàng vội chạy xuống kéo cô lên. Được sưởi ấm bằng chút than hoa, chẳng mấy chốc cô gái đã hồi tỉnh chút ít. Chàng trai lặng người kinh ngạc vì trước mặt mình là một tuyệt sắc giai nhân. Chàng chưa từng được gặp người nào có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành đến thế. Nghe cô gái kể lại, chàng mới biết cô đang bị gia đình ép gả cho một lão nhà giàu tuổi đã ngót sáu mươi. Và cô có ý định trốn khỏi nhà nhưng gặp phải mưa gió nên mới liều vào đây để trú tạm.

Những bát cháo, những vị thuốc rừng cùng sự chăm sóc tận tình của chàng trai, chẳng mấy chốc cô gái đã khỏe mạnh trở lại. Nghĩa là đã tới lúc cô phải ra đi. Nhưng không hiểu sao mấy lần bước xuống cầu thang để chia tay vị ân nhân, cũng mấy lần cô không thể nào bước nổi. Có thể cô thiếu tự tin, lo sợ đoạn đường đầy chông gai phía trước, nhưng hình như điều quan trọng hơn là cô thoáng nhìn thấy những giọt nước mắt ứa ra từ cặp mắt chân thành của chàng trai trong mỗi lần sắp sửa chia tay. Thế rồi cuối cùng cô đã liều thân ở lại.

Từ đấy, trên đồi chè, chàng trai đã không còn phải cặm cụi một mình nữa. Những buổi hái chè bỗng trở nên thi vị. Vừa hái chè, chàng trai vừa dạy cô hát bài ca dân gian “Ngày xưa có anh Trương Chi, người thì thật xấu hát thì thật hay. Cô Mỵ Nương người ở lầu Tây…”. Từ đấy đồi chè của chàng trai thường ngập trong tiếng hát.

Cuộc đời của chàng trai và cô gái như đang trôi trong giấc mơ thì chẳng bao lâu, gia đình cô gái phát hiện ra. Một đoàn gia nhân nách thước tay đao ào ào xông đến cái nhà chòi lôi cô gái đi, trước sự bất lực và lòng xót xa vô hạn của chàng trai mồ côi. Từ đấy, chàng lại lủi thủi sống một mình”.

Sầm A Sám không nói, nhưng tôi hiểu đó chính là lí do lão không lấy vợ. Ở đời có những người chỉ sắt son với một người. Điều này quả không hiếm trong thiên hạ.

* * *

Ngày đầu tiên gặp lại nhau, tôi và Sầm A Sám ngồi xếp bằng trên cái mặt sàn bằng thân cây mai đập giập cùng ấm trà nóng hổi, lão chậm rãi:

- Cậu với ta thật trái ngược. Cậu đã đi khắp thế giới, còn ta thì chỉ ngự ở một chỗ này thôi. Về đây, có lẽ cậu thấy lạ vì đã hơn năm mươi năm mà mọi vật trong căn nhà này không có một chút thay đổi phải không?

- Quả thật là ngoài sức tượng tượng của cháu - Cũng như cách gọi tôi bằng “cậu”, tôi cũng giữ cách xưng hô “chú, cháu” với lão như ngày xưa.

Lão cười khà khà:

- Nhưng đấy chỉ là những thứ cậu mục sở thị thôi. Cậu sẽ còn lạ hơn khi ta nói điều này.

Lão chỉ tay xuống đồi chè:

- Cậu thử nhìn kĩ xem đồi chè của ta có gì thay đổi không?

Tôi nheo mắt nhìn những hàng chè nhấp nhô trên sườn đồi với vẻ khó hiểu.

Lão phẩy tay:

- Cậu không phải là người trồng chè, không hiểu cũng phải thôi. Nhưng ta nói cậu nghe. Cả cái huyện này, chỉ có đồi chè của ta là duy nhất vẫn giữ giống chè truyền thống, còn gọi là chè trung du. Nghĩa là ngày trước thế nào thì nay vẫn giữ y nguyên như thế.

Tôi chưa thật hiểu rõ ý lão nhưng cũng góp lời:

- Thì giữ giống chè truyền thống cũng tốt chứ ạ.

Lão xua tay:

- Cậu nói đúng nhưng chỉ có những người không làm nghề chè mới nói như cậu thôi. Bây giờ người ta đã bỏ giống chè trung du tức là chè truyền thống rồi. Vì chè trung du không cho năng suất cao, lại khó chế biến ra những loại trà hảo hạng, tân tiến như trà tôm nõn, trà đinh… là những loại trà đang có giá trên thị trường. Cho nên, chỉ những người lạc hậu, bảo thủ và… không cần tiền như ta mới canh tác chè như vậy thôi.

Ngừng một lúc lâu, lão mới lên tiếng bằng một giọng trầm trầm:

- Nhưng cậu có biết vì sao ta lại như vậy không?

Tôi ấp úng:

- Dạ… hình như…

Không đợi tôi trả lời, lão giải thích:

- Cậu là nhà văn, chắc cũng hiểu và thông cảm với sự lẩm cẩm của ta đôi phần. Ta làm vậy… chính là vì… Nương đấy. Cô ấy tên là Nương, hẳn cậu còn nhớ.

- Vâng, chị ấy, người trong câu chuyện cổ tích của chú tên là Nương, cháu quên thế nào được.

- Cảm ơn cậu. Thế mới là tri kỉ chứ. Nương chỉ ở với ta được hơn một tuần lễ. Nhưng từ khi Nương bị bắt đi, ta muốn giữ nguyên vẹn mọi thứ đã được sắp đặt từ khi Nương còn ở đây. Ví như cái nhà tắm quây bằng những tấm phên nứa kia - Mắt lão bỗng trở nên mơ màng - Chính trong cái nhà tắm quây bằng phên nứa ấy, ta đã múc từng gáo nước dội xuống cái thân thể nõn nường như ngọc bích của Nương… Rồi từ cái chén Nương rụt rè uống từng ngụm trà, từ cái gáo bằng ống bương mỗi lần Nương đi lấy nước… Cái tiếng nước khi Nương đổ từ cái ống bương vào vại, dường như vẫn phảng phất bên tai ta…

Lão nghẹn ngào khẽ quay mặt ra chỗ khác.

Lén lau nước mắt, lão quay lại, gắng gượng mãi mới nói nổi:

- Chỉ có tiếng hát của Nương thì mãi mãi ta không còn được nghe nữa. Nương hát hay lắm…

Lão hắng giọng rồi cất tiếng hát khe khẽ:

- Ngày xưa có anh Trương Chi, người thì thật xấu hát thì thật hay, cô Mỵ Nương…”. Đấy là bài hát mà ta dạy Nương đấy cậu ạ. Nhưng Nương hát hay hơn ta nhiều.

Chợt lão ôm mặt khóc.

Tôi cũng ngậm ngùi, cầm chén trà nhấm nháp và chợt nhận ra vị đậm chát lan tỏa trên môi và ngay sau đó là vị ngọt đăng đắng dần tan trong miệng. Hương vị ấy lâu nay tôi không còn được thưởng thức. Tôi nhận ra đấy chính là vị trà của Suối Cát hơn nửa thế kỉ trước. Đúng là hương vị trà trung du như lão nói.

Để kìm lại những cảm xúc hơi thái quá của lão, tôi chuyển đề tài:

- Cháu thấy trà trung du này uống rất thú vị, ăn đứt nhiều loại trà khác. Đã thưởng vài lần là không sao quên được.

Giọng lão đã đôi phần bình tĩnh lại:

- Cậu nói phải. Cái màu nước vàng sóng sánh, cái vị chát và ngọt hậu riêng của trà trung du này ở các vị trà giống mới, kể cả trà tôm nõn, trà đinh không có được. Ta nghe nói, trà trung du còn là vị thuốc rất quí. Tuy năng suất không cao nhưng nếu chè trung du tuyệt chủng thì cũng tiếc lắm. Và, điều này chắc cậu chưa biết. Búp chè trung du khi nảy ra, bao giờ cũng có một màu tím mơ màng. Vì thế người ta gọi là chè trung du búp tím. Ta rất thích cái màu tím ấy. Mỗi lần tới kì ra búp, cả đồi chè của ta lại ánh lên trong nắng mặt trời. Những lúc ấy, ta nhớ Nương da diết. Có lẽ vì thế mà sáu chục năm nay lao động trên đồi chè mà ta không thấy mệt, kể cả khi tuổi đã ngoài tám mươi như bây giờ.

Ngồi đăm chiêu một lát, Sầm A Sám chạy tới cái hốc nhỏ bên cửa sổ, lôi ra một cái chén to, ngồi sát vào tôi, khẽ nói:

- Đây là chiếc chén bằng gỗ mít. Ngày ấy, kể cho Nương nghe tích Trương Chi, có đoạn nói về chiếc chén khoét bằng gỗ bạch đàn, mỗi lần Mỵ Nương rót đầy rượu thì lại nhìn thấy bóng chàng Trương Chi chèo thuyền và cất tiếng hò khoan. Nghe ta kể, Nương khóc nấc lên. Tiếng khóc như linh báo về một sự chia ly không tránh khỏi. Vậy là lúc ấy ta đã nảy ra ý định khoét cái chén bằng gỗ mít lấy từ cây mít của chính cái chòi này. Nhưng chiếc chén khoét chưa xong thì Nương đã bị người ta bắt đi. Cái chén này, đêm đêm ta thường rót đầy trà. Và cậu có biết không? Cách đây chừng một tháng, vô tình một giọt nước mắt của ta rớt xuống chén trà thì bỗng nhiên hình bóng Nương hiện ra từ đáy chén. Nương không hát như chàng Trương Chi mà chỉ nhìn ta bằng ánh mắt buồn thăm thẳm. Có phải vậy là Nương trách ta không bảo vệ được cô ấy không? Điều ấy làm ta đau đớn suốt đời cậu ạ.

Sầm A Sám sa nước mắt.

Tôi nhìn lão trong nỗi cảm thông vô hạn. Tôi hiểu, có thể đó chỉ là những ảo ảnh của tuổi già. Nhưng thẳm sâu trong lòng, tôi lại tin câu chuyện lão vừa kể hoàn toàn là thật. Hình bóng Nương hiện lên trong chén trà là có thật.

* * *

Cùng với Sầm A Sám đứng trên đỉnh đồi chè nhìn rộng ra khắp thung lũng Suối Cát, tôi bỗng thấy tâm hồn thư thái lại.

Bây giờ tôi mới thật hiểu vì sao Thái Nguyên lại trở thành đệ nhất danh trà. Có lẽ cũng không chỉ do thổ nhưỡng hoặc bàn tay những người thợ sao chè lành nghề mà dường như những cánh chè xứ Thái còn thu nhận trong trời đất và hồn vía con người cùng những nỗi thương đau, những giọt nước mắt thủy chung của những mối tình dang dở… để làm nên một hương vị trà mà không nơi nào có được.

Tôi chia tay Sầm A Sám khi trời đã sẩm tối.

Đọc thêm